Điện Biên Phủ trên không: 5 năm cho 12 ngày (2)

Google News

(Kiến Thức) - Dù liên tục thay đổi thủ đoạn tác chiến, trang bị vũ khí mới, quân Mỹ vẫn chuốc lấy thất bại trong cuộc đối đầu với phòng không Việt Nam.

Kỳ 2: Khoa học đụng đầu trí tuệ

Từ năm 1964 cho đến tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã liên tục thay đổi thủ đoạn tác chiến đồng thời sử dụng những thành tựu khoa học mới nhất vào cải tiến vũ khí trang bị. Tuy vậy, ở “canh bạc cuối cùng” họ vẫn phải hụt hơi vì tất cả đều bị đối phương “bắt bài”.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Ở thời kỳ đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần 1 (1964-1968), Không quân Mỹ còn sử dụng các biện pháp gây nhiễu hạn chế (đó là nhiễu ngoài đội hình). Mỗi khi tập trung các máy bay F-4 đi ném bom thì bố trí 5-6 máy bay EB-66 hoặc EA-6B đi cùng để phát nhiễu, tạo ra bức màn nhiễu che chắn cho các máy bay ném bom khỏi bị radar phát hiện.

Sau một thời gian giáp mặt với thủ đoạn này, bộ đội phòng không của ta đã ngay lập tức nhận ra chỗ yếu của nó. Các máy bay ném bom mặc dù được che chở bằng nhiễu nhưng khi phát hiện cao xạ và tên lửa bắn lên là chúng lập tức cơ động để tránh né. Hành động đó làm chúng đi ra khỏi vùng nhiễu và ngay tức khắc bộ mặt của chúng sẽ hiện ra trên màn hình radar.

Gây nhiễu ngoài đội hình không an toàn, Không quân Mỹ tiếp tục cải tiến sử dụng biện pháp gây nhiễu trong đội hình. Đầu năm 1967, Không quân Mỹ chính thức tiến hành thủ đoạn gây nhiễu mới.
Dù đối phương có thay đổi bao nhiêu thủ đoạn, bộ đội ta vẫn tìm ra cách khắc chế.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu (Phó tư lệnh Quân chủng Phòng Không thời kỳ đó) viết trong hồi ký: “Ngày 15/1/1967, địch ập vào đánh cầu Xuân Mai. Lúc máy bay địch còn ở xa, cả 4 tiểu đoàn của trung đoàn 236 chỉ thấy 1 dải nhiễu chứ không phải nhiễu trắng cả màn như trước đây. Lúc địch đánh cầu, chỉ có tiểu đoàn 63 ở trận địa Gốt mới thấy mục tiêu và phóng được 2 quả đạn nhưng không kết quả. Còn tiểu đoàn 64 ở Yên Nghĩa, cách Xuân Mai 18km, chỉ thấy loáng thoáng mục tiêu lúc bổ nhào và lượn vòng.

Bởi vậy, mặc dầu biết địch đang đánh vào trận địa tiểu đoàn 63 nhưng không thể nào bắn chi viện được. Hai tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 236 cũng ở trong tình trạng như thế. Tối hôm đó, đồng chí Trần Xanh, trung đoàn trưởng 236 báo cáo về sở chỉ huy quân chủng: địch bắt đầu dùng thủ đoạn nhiễu mới”.

Trước thủ đoạn mới của kẻ địch, Binh chủng Tên lửa đã phải họp không biết bao nhiêu lần, các sĩ quan tên lửa của ta đã bao đêm trằn trọc mất ngủ. Suốt nhiều tháng, tên lửa của ta gần như phải ngồi nhìn máy bay địch vào đánh phá.

Sau một thời gian nghiên cứu, trung đoàn tên lửa 236 xin được đánh đánh bằng phương pháp 3 điểm. Ngày 12/8/1967, trung đoàn này đã bắn rơi 1 chiếc RF-4C bằng phương pháp 3 điểm. Vậy là thủ đoạn mới của địch lại thất bại.

Vào hang bắt B-52

Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên địch dùng B-52 đánh phá miền Bắc với 30 chiếc ra ném bom rải thảm đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Thời kỳ này, B-52 mới chỉ hoạt động ở khu 4 chứ chưa dám đánh ra những vùng có hỏa lực tên lửa bảo vệ như Hà Nội, Hải Phòng.

Do đã có dự kiến việc Mỹ sẽ tập kích bằng B-52 khi thất thế, Quân chủng Phòng không đã cho thành lập một đội trinh sát vào tận Vĩnh Linh – Quảng Trị để tìm cách đánh B-52. Cuối tháng 3/1968, đoàn công tác “bắt B-52” của quân chủng phòng không-không quân được lên đường. Vượt qua chặng đường địch đánh phá ác liệt ở khu Bốn, đoàn đến Vĩnh Linh, Quảng Trị an toàn.

Tại đây, đoàn đã âm thầm theo dõi hoạt động của B-52. Các dạng nhiễu của B-52 qua các giai đoạn từ xa đến gần, từ nặng đến nhẹ, đều được chụp ảnh lại, phóng to ra, đóng thành 1 tập album với nhan đề: “B-52 trên màn hiện sóng”.

Cũng trong thời gian đó, trắc thủ Đỗ Công Hoa của đại đội 12, binh chủng radar lần đầu tiên “bắt” được B-52. Một “hội nghị đầu bờ” của bộ đội radar được tổ chức ngay lập tức. Trắc thủ Đỗ Công Hoa đã trao đổi kinh nghiệm với các bạn đồng nghiệp của mình. Kế sau đó, tất cả các trắc thủ của các đơn vị khác đều lần lượt lên máy để nhận dạng B-52.

Tháng 7/1968, đồng chí Lương Hữu Sắt (tư lệnh Binh chủng Radar lúc đó) vào Quảng Bình kiểm tra tình hình. Sau khi nghe báo cáo của đoàn công tác “bắt B-52”, thấy không những đã đạt mà có những mặt còn vượt yêu cầu đề ra, đồng chí lệnh cho đoàn rút về Hà Nội. Nhờ kinh nghiệm thu được, vào ngày 18/3/1971, tên lửa ta đã bắn hạ một B-52 trong chiến dịch đường 9 Nam Lào.

Vậy là chiếc vỏ cứng nhất của B-52 đã bị chúng ta bóc. Máy bay B-52 với thân hình cồng kềnh nặng hơn 200 tấn từ đây đã bị chúng ta “bắt sống” trong đám nhiễu mà người Mỹ tưởng chừng rất an toàn.

Chống lại chiếc lông nhím Sơ-rai

Mang máy bay B-52 đi hủy diệt đối phương, Không quân Mỹ không chỉ trang bị nhiều máy gây nhiễu và nhiều tiêm kích hộ tống mà chúng còn có những vũ khí lợi hại để đối phó với trận địa tên lửa ta.

Một trong số đó là tên lửa không đối đất mang tên Sơ-rai (Shrike) ký hiệu AGM45, thường trang bị cho máy bay F-105FG, F-4D, có thể phóng ở cự ly 48 km và loại Xtenđơ (Standard) cải tiến từ Sơ-rai ký hiệu AGM78, thường trang bị cho máy bay A-6A, có thể phóng cách mục tiêu 72 km.
"Sát thủ diệt radar" AGM-45 Shrike.
Sơ-rai có đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên tắc "tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ". Nói một cách đơn giản là: khi nó phát hiện được cánh sóng ra-đa của ta, phi công Mỹ liền phóng hỏa tiễn Sơ-rai vào cánh sóng đó. Quả Sơ-rai cứ theo trục cánh sóng của ta mà lao xuống. Nếu ta không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì nó sẽ rơi trúng đài ra-đa của ta, hoàn toàn chính xác.

Tên lửa shrike đã gây nhiều thiệt hại cho bộ đội radar. Theo thống kê của các chuyên gia Liên Xô, trong năm 1972, Không quân Mỹ đã 104 lần dùng tên lửa shrike đánh vào trận địa tên lửa của ta. Trong đó 21 lần gây thiệt hại khiến các đơn vị tên lửa phải rời khỏi trận địa.

Sau nhiều thiệt hại, các chiến sĩ radar thông minh của chúng ta đã dần dần tìm ra nhược điểm của tên lửa Shrike để hạn chế nó. Cứ mỗi khi phát hiện địch phóng tên lửa shrike, các chiến sĩ của ta lại xoay ăng ten và tắt nguồn phát sóng cao tần làm tên lửa của địch mất nguồn điều khiển và sẽ đánh lệch ra khỏi trận địa hàng trăm mét.

Nhờ những kinh nghiệm chống Shrike đó, trong những ngày cuối năm 1972, mặc dù Không quân Mỹ đã phóng rất nhiều tên lửa Shrike nhưng radar ta vẫn trụ vững và phát sóng bắt B-52 để dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt.

Với nền khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới, người Mỹ đã liên tục cải tiến vũ khí hòng chiếm ưu thế tuyệt đối. Đối diện với họ, người Việt Nam khoa học kỹ thuật lạc hậu hơn nhiều lần song lại có trí tuệ, sức sáng tạo diệu kỳ. Những thủ đoạn tác chiến điện tử tinh vi của người Mỹ hầu hết bị khắc chế bởi những động tác rất thủ công của chiến sĩ Việt Nam. 


Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)