Tập tục địa táng sau đó 3 năm thì cải táng ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khoẻ, đất chôn. Tập tục này vẫn tồn tại trên cả nước nhất là ở phía Bắc. Trong khi công viên nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng đã được xây dựng ở nhiều địa phương, nhưng có nơi dường như xây cho có.
“Đừng thiêu tôi nóng lắm. Chôn tôi nhé!”
Thắp nén nhang cho người chồng quá cố, bà Diệp Thị Mặn, ngụ tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM buồn rầu tâm sự: “Ông nhà tôi bị gãy đốt sống cổ trong một tai nạn, nằm liệt giường hơn 10 năm trời, chữa chạy khắp nơi nhưng vô phương, của nả trong nhà đội nón đi hết. Trước khi hấp hối, ông ấy thều thào “Đừng thiêu tôi nóng lắm. Chôn tôi nhé!”. Thương chồng, tôi chạy vạy vay mượn tiền lo mua đất tại nghĩa trang để chôn chồng. Tổng chi phí gần 100 triệu đồng thật khó khăn”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Đội phó Đội Nghĩa trang Đa Phước (TPHCM) cho biết, hiện các quận nội thành TPHCM chôn cất người chết vẫn tồn tại tương đối, một số địa phương như quận 9, Củ Chi (TPHCM), Bình Dương, Hóa An, Long An (Đồng Nai) vẫn duy trì tập tục chôn cất, dù giá cả mua đất tương đối cao.
Theo bảng giá đất và xây mộ tại nghĩa trang Đa Phước mà ông Lâm đưa chúng tôi xem, chỉ tính riêng giá đất chôn, chi phí dịch vụ chôn mộ phổ thông tới hơn 23 triệu đồng, mộ nhà mồ hơn 61 triệu đồng/mộ. Chưa kể tới việc xây, trang trí mộ thuộc các khu đất, kiểu cách mộ đôi, đơn... có mức giá hơn 300 triệu đồng/khu mộ. Từ cuối tháng 3/2015, UBND TPHCM mới có chính sách hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng cho một số đối tượng chính sách, người dân... nhằm giảm thiểu tập tục địa táng.
|
Ảnh minh họa. |
Buổi lễ “sang nhà mới”
2 giờ sáng một ngày cuối năm, tiết trời miền Bắc rét thấu da buốt thịt, nhà bà Nguyễn Thị Minh ngụ tại xã Minh Thuận (Nam Định) chật người, con cháu chuẩn bị cuốc, xẻng, nhang tiền vàng, rơm đốt, củi, trấu... ra nghĩa trang bốc mộ cụ thân sinh bà Minh. Được giờ, một nhóm người đặt nhát cuốc đầu tiên xới tung ngôi mộ, chiếc quan tài lộ ra giữa màu nước đen ngòm.
Chứng kiến buổi lễ “sang nhà mới” cho người đã khuất, tôi nhớ nhất là phút bật nắp quan tài, luồng tử khí bốc ra, lạnh ngắt. Tiếng con cháu òa khóc thương nhớ ông, cha đã khuất, giờ chỉ còn là nắm xương tàn. Người được thuê bốc mộ cùng với gia chủ không đeo khẩu trang, không găng tay, nhặt rửa từng mẩu xương sắp xếp vào chiếc sành nhỏ. Kết thúc quá trình bốc mộ, nước đen trong quan tài được đổ luôn xuống nền đất ruộng. Khu mộ cũ để phơi, vài ngày sau quản trang lấp sơ lại thành mặt bằng ruộng cấy trồng. Khi có người trong làng tạ thế nơi đó lại được đào lên chôn tiếp. Những ván quan tài sau bốc mộ được đem ra kênh, mương của làng ngâm, rửa sử dụng vào nhiều việc khác.
|
Một khu mộ tại công viên nghĩa trang TPHCM. |
Quan niệm tiêu cực về hỏa táng
Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, địa táng và hỏa táng là tập tục gắn với văn hóa dân tộc, người Việt (người Kinh) tập tục là địa táng, còn dân tộc Khơme, Chăm Bàlamôn thì hỏa táng, có khi địa táng xong một thời gian khai quật lên đưa vào hỏa táng...
Địa táng hay hỏa táng hoàn toàn gắn với tập tục, phong tục của dân tộc được hình thành từ lâu đời, trở thành yếu tố của lối sống, mọi người công nhận, cần được tôn trọng. Tuy nhiên, phong tục hay tập tục không phải là cố định, đều có thể thay đổi theo thời gian, xu hướng cuộc sống, có điều phải theo điều kiện, không nên ép buộc.
Các cơ quan chính quyền đoàn thể phải tuyên truyền, chỉ dẫn để mọi người dân hiểu biết, tự thấy điều đó là hoàn toàn thay đổi được, là có lợi phù hợp cuộc sống, tự nguyện cùng thay đổi. Trong điều kiện hiện nay của các thành phố, vùng miền thì tập tục địa táng có thể thay đổi thành hỏa táng, sau đó đưa tro người chết về chùa hay nơi thờ tự của dòng tộc. Một số người dân có quan niệm tiêu cực về hỏa táng chỉ là theo lối tự suy nghĩ.
Nhà hỏa táng đừng xây cho có
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, địa táng là cách gây hại môi trường, hại sức khoẻ con người. Khi chôn người chết xuống đất theo thời gian sinh ra tử khí trong xương thịt người chết. Một nhận biết dễ nhất đó là khí lân tinh bốc lên qua kẽ hở của đất mộ nhiễm vào không khí, người ta thường gọi là hiện tượng “ma chơi”, khí độc này ô nhiễm rất nhanh, nhạy. Bốc mộ không trang bị những vật dụng cần thiết để bảo vệ sức khoẻ, hoặc các vật dụng như ván thôi, hay quần áo, vải vóc quấn người chết chưa thể phân hủy bị vứt bỏ ngoài môi trường, vô tình gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Đa số người chết đều có bệnh, mang theo mầm bệnh có khi ngấm vào xương cốt theo thời gian khó bị tiêu diệt, lại ngấm vào nguồn nước ngầm. Nếu mộ chôn gần hoặc trúng vào mạch nước ngầm, nước giếng khoan đều có thể bị ô nhiễm. Ngày nay có khái niệm “nghĩa trang sinh thái” nhưng thực ra vẫn tồn tại tử khí, không khí nơi đó chứa nhiều độc chất. Địa táng là tục lệ nhiều miền quê vẫn theo, họ không đồng tình hỏa táng, đem người thân đã chết đi đốt họ cảm thấy xót xa. Nhưng hỏa táng là việc làm khoa học và vệ sinh nhất.
Ông Nguyễn Thế Hảo, một cán bộ hưu trí ngụ tại huyện Vụ Bản (Nam Định) có ý kiến, khuyến khích của Nhà nước gây dựng phong trào đưa người tạ thế đi hỏa táng là việc làm nhiều ý nghĩa, đặc biệt là bảo vệ môi trường sống, trả lại diện tích canh tác... Ngoài ra, còn là đòn bẩy bài trừ nhiều hủ tục cổ hủ không cần thiết tồn tại bao đời nay trong thôn xóm. Tuy nhiên, sự khuyến khích này chưa đủ mạnh để người dân nhận thức lợi ích của việc hỏa táng, khi bà con nông thôn còn nặng về tín ngưỡng. Nên chăng, thông qua công tác tôn giáo Hội Phật giáo tại làng xã, giảng giải cho người dân hiểu việc đưa người đã khuất đi hỏa táng thì gia đình vẫn có thể cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày trên chùa, để vong linh người mất yên nghỉ và sớm được siêu thoát. Đồng thời, hương hồn của họ vẫn quy về cội, vẫn về với tổ tiên, được ăn chay cửa Phật.
Hiện nay, tử khí từ những ngôi mộ khi bốc mới chỉ phân tích được một số thành phần như CO2, H2S, NO3… còn nhiều chất độc khác chưa được phân tích. Trong quá trình xác phân hủy, yếm khí còn sinh ra nhiều khí độc khác. Sự ô nhiễm này không cảm nhận được bằng mắt thường, nó là ô nhiễm ngầm. Đặc biệt, lượng vi sinh vật phát tán vào môi trường là không thể kiểm soát.
GS Lê Huy Bá