Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy

Google News

Thế hệ các lãnh đạo, quan lại, người có của ở Hoàng Su Phì đều mong ước có được một cỗ quan tài quý khi về với lòng đất.

Theo truyền thuyết, ở Trung Quốc, ngọc am được dùng để chế tác đồ cung đình và áo quan cho các bậc đế vương. Có thời kỳ những quan lại cao cấp cũng được dùng đồ ngọc am. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời phong kiến, ngọc am được dùng phổ biến hơn.
 Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường làm lễ để mở nắp quan tài ngọc am.
Qua tìm hiểu từ các cuộc khai quật mộ hợp chất, tôi thấy rằng, ở Việt Nam, giới vua chúa chắc chắn phải dùng quan tài bằng ngọc am, nhưng tầng lớp quan lại, người giàu cũng có thể dùng quan tài ngọc am và tinh dầu ngọc am để ướp xác.
Những ngôi mộ hợp chất sử dụng quan tài và tinh dầu ngọc am được phát hiện ở khắp cả nước. Nơi phát hiện khá nhiều mộ hợp chất bằng ngọc am là vùng Hưng Yên, Hải Dương. Những ngôi mộ này có từ thời Hậu Lê, kéo dài đến tận thời Nguyễn. Thời hiện đại chưa từng phát hiện ngôi mộ hợp chất nào cả. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có lẽ phong tục táng bằng mộ hợp chất, hoặc sử dụng ngọc am làm quan tài không còn nữa. Lý do có thể là không còn gỗ ngọc am.
 Xác ướp được bảo quản rất tốt trong tinh dầu và quan tài gọc am. 
Để tìm hiểu về thứ gỗ đặc biệt này, tôi đã tìm lên Hoàng Su Phì (Hà Giang), nơi từng được mệnh danh và vương quốc ngọc am. Không rõ trên thế giới có nhiều ngọc am không, nhưng dãy núi Tây Côn Lĩnh kéo dài từ một phần huyện Vị Xuyên vắt ngang Hoàng Su Phì từng có những cánh rừng ngọc am mênh mông. Ở Việt Nam, chưa từng phát hiện ở đâu có ngọc am ngoài dải Tây Côn Lĩnh. Mặc dù nhiều vùng núi lân cận có độ cao và khí hậu tương đương, song lại không có ngọc am, đó cũng là một chuyện rất lạ.
 Quan tài ngọc am khai quật từ mộ Nguyễn Bá Khanh ở Hưng Yên. Ông là quan thị, giữ chức cận thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng nội giám, Đô đốc phủ, Tả tưởng quân, Thái tể đại tử đồ, Tước trực trung hầu. 
 Tác phẩm lũa ngọc am. 
Điều bất ngờ mà tôi nhận ra là tại Hoàng Su Phì, từ xưa đến nay, người giàu có, quan chức thường dùng ngọc am làm quan tài. Những người giàu có thường sắm cho mình chiếc quan tài ngọc am từ lúc còn sống, thậm chí lúc còn trẻ, với mong ước thân xác sẽ được giữ lâu trong lòng đất.
Ngồi trên chiếc xe khách lọc xọc như xe chở gà trên đường vào thị trấn Vinh Quang, khi tôi khơi chuyện ngọc am, như chọc vào chỗ ngứa, anh tài xế Nguyễn Văn Bình hót như khướu. Cả huyện có 2-3 cái xe chở khách lẫn chở hàng ra vào huyện, nên mọi chuyện trên trời dưới bể ở cái huyện miền Tây heo hút của Hà Giang này đều lọt vào lỗ tai của Bình. Riêng về ngọc am, ông nào vớ được khúc ngọc am dưới lòng đất, đại gia nào săn được gốc ngọc am bạc tỷ, Bình đều nắm được. Trước xe khách của Bình chở ngọc am rầm rầm rời cổng trời về xuôi, nhưng giờ cấm rừng nghiêm ngặt, nên chẳng tài xế nào dám chở ngọc am nữa. Hễ khách lên xe, vác theo ba lô, bao tải, Bình đều kiểm tra kỹ xem có mẩu gốc rễ, thanh gỗ ngọc am nào không. Nếu để hành khách vác ngọc am lên xe, nhẹ bị phạt hành chính, nặng thì bị tịch thu xe.
Trong câu chuyện về ngọc am với Bình trên suốt chặng đường gần 100km, Bình bảo rằng, muốn tìm hiểu về ngọc am thì phải gặp cụ Hoàng Ngọc Trương. Theo Bình, cụ Trương là người rất am hiểu về ngọc am, vả lại, cụ đã tự đóng cho mình chiếc quan tài từ mấy năm trước bằng gỗ ngọc am. Sở dĩ Bình biết chuyện này, là vì Bình đã chở mấy ông khách vào huyện Hoàng Su Phì để mua lại chiếc quan tài ngọc am của ông Trương. Tuy nhiên, những vị khách kia đều về không, mặc dù đã mang theo cả trăm triệu đồng.
Thị trấn Vinh Quang nhỏ như bàn tay, nên hỏi ông Trương ai cũng biết. Có lẽ, cả huyện cũng đã biết chuyện ông sắm cho hai vợ chồng ông cặp quan tài bằng ngọc am.
 Ngọc am cất giấu trong nhà dân ở Hoàng Su Phì. 
Ông Trương sống trong một căn nhà gỗ nhỏ chênh vênh bên bờ suối. Ông Trương năm nay 76 tuổi, râu dài trắng phau, dáng người gầy còm nhưng khỏe khoắn. Ông nói về ngọc am như một chuyên gia, rất hiểu biết. Có lẽ, tìm được người hiểu về ngọc am như ông ở Việt Nam rất hiếm.
Ông Hoàng Ngọc Trương từng là Chủ tịch UBND thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì). Ông vốn là người Kinh, quê gốc ở Chèm (Hà Nội). 4 đời trước, tức cụ nội ông đã theo nghĩa quân Phan Bội Châu di cư lên Hoàng Su Phì kháng Pháp. Chiến đấu ở vùng này, rồi sống ở bản Cậy (xã Tụ Nhân), không về Hà Nội nữa. Sống giữa bản người Tày, nên cha ông đã đổi họ, khai là dân tộc Tày.
 Người dân Hoàng Su Phì đẽo ngọc am thành con rùa cho trẻ con chơi. 
Theo ông Trương, truyền thuyết người Tày kể rằng, ngọc am vốn đã tuyệt chủng từ thời Đại hồng thủy nhiều ngàn năm trước. Nước ngập tận đỉnh núi đã cuốn hết cây cối vùi xuống lòng đất. Các loại gỗ khác đã tan vào đất, chỉ có ngọc am là còn đến ngày nay. Vậy nên, tên gọi ngọc am mới có nghĩa: Ngọc là quý, am là ngâm dưới lòng đất.
Thời xưa, quan lại trong vùng mới có ngọc am để dùng. Khi đến tuổi già, họ sai quân lính vào rừng đào đất tìm kiếm ngọc am để làm quan tài. Trong nhà các bậc quan lại, quyền quý đều dự trữ ngọc am dành cho hậu sự.
Có ngôi mộ mà ông Trương ấn tượng nhất, là mộ bà Riêm, cụ tổ của Vàng Cồ Pao, đã mất cách nay trên 200 năm. Vàng Cồ Pao là bố của Vương Văn Đường (họ Vàng và họ Vương là một). Vương Văn Đường vốn là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hoàng Su Phì. Năm 1947, Pháp tái chiếm Hoàng Su Phì, ông Đường làm quan cho Pháp. Năm 1950 Pháp chạy, ông Đường theo xuống Hà Nội, rồi vào Nam biệt tích. Vì bà cụ Riêm là dòng dõi quan lại, nên được táng bằng quan tài ngọc am.
 Ngọc am cháy rất mạnh và khói có mùi thơm nức mũi. 
Khoảng những năm 1950, gia đình họ Vương lụn bại, nên dòng họ đã đi xem bói. Thầy bói phán do chôn bà cụ Riêm ở Cán Chê Dền, không đẹp phong thủy, nên dòng họ không phát được nữa. Muốn dòng họ được làm quan mãi mãi, thì phải khai quật mộ cụ đưa về bản Cậy, nơi bà từng sinh ra và lớn lên. Thầy cúng đến tận nơi để cùng gia đình quật mộ, lựa đất để chuyển mộ bà Riêm.
Họ Vương đã chuẩn bị một cái tiểu bằng ngọc am, hy vọng sẽ còn chút xương cốt để cải táng, nếu không thì mẩu đất cũng được. Thế nhưng, một chuyện lạ đã xảy ra: Khi bật nắp ván thiên, mọi người ngỡ ngàng khi thấy xác bà cụ Riêm vẫn còn nguyên vẹn. Da thịt chỉ hơi đổi màu, áo lụa vẫn còn mới nguyên. Riêng những tấm ván thiên thì vẫn như mới, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Thầy cúng và đại gia đình họ Vương sợ quá, liền đậy nắm quan tài, khiêng cả quan tài lẫn xác bà cụ Riêm về bản Cậy để chôn. Từ đó đến nay, dòng họ này không cải táng cụ tổ nữa.
Sống ở vùng Hoàng Su Phì cả cuộc đời, nên ông Trương được chứng kiến nhiều vụ xác ướp thần kỳ liên quan đến quan tài ngọc am. Ông đã tận mắt nhiều vụ khai quật những ngôi mộ không rõ từ đời nào, có thể nhiều trăm năm, song xác và những tấm ván thiên vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi mộ nào bị thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt hủy hoại nhiều nhất, thì cũng vẫn còn nguyên xương cốt trong những tấm ván thiên vẫn còn thơm nức mùi ngọc am.
Chứng kiến những câu chuyện kỳ diệu như vậy, nên thế hệ các lãnh đạo, quan lại, người có của ở Hoàng Su Phì đều mong ước có được một cỗ quan tài quý khi về với lòng đất.
Anh Trần Đức Thuấn, đại gia ngọc am cho biết: Chuyện xưa kể, vua Tự Đức từng biếm chức viên quan Án sát tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Khắc Nguyên vì vị này dám lén dùng tinh dầu ngọc am để ướp xác cho mẹ. Nghĩa là, các triều đại phong kiến Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc hạng người nào mới được gìn giữ thi thể lâu dài bằng cách dùng quan tài ngọc am, ướp tinh dầu ngọc am. Bên cạnh đó, với chi phí đặc biệt đắt đỏ và sự kỳ công của việc tẩm liệm, mai táng, không phải gia đình thường thường bậc trung nào cũng có thể làm được. 
Theo Phạm Ngọc Dương/VTC

Bình luận(0)