Giải mã sức mạnh của đội quân “đao thương bất nhập”

Google News

(Kiến Thức) - Đội quân “bất tử” Athanatoi của đế chế Byzantine được cho là trang bị bộ áo giáp tốt nhất thế giới khiến "đao thương bất nhập".

Athanatoi là một trong những đội quân hùng mạnh nhất của đế chế Byzantine. Mặc dù có biệt danh là “bất tử” nhưng họ hoàn toàn không có khả năng cải tử như hoàn sinh như tên gọi đó. Đội quân này thực chất là một đội kỵ binh xuất chúng xuất hiện vào thời Trung Cổ. Trong thần thoại Hy Lạp, từ “Thanatos” là tên của Thần Chết và từ “Athanatoi” có nghĩa là “không thể chết/bất tử”.
Sở dĩ đội kỵ binh hùng mạnh này có biệt danh “bất tử” là vì hai lý do. Theo truyền thuyết của người dân sống ở thời kỳ Byzantine, trong trận chiến Dyrrakhion với người Norman năm 1081, Hoàng đế Byzantine Alexios I đã may mắn thoát chết một cách thần kỳ. Vị hoàng đế này cũng là thủ lĩnh của đội kỵ binh Athanatoi. Trong trận chiến đó, ông gần như bị ngã khỏi lưng ngựa. May mắn là bộ yên cương ngựa đã vướng vào bộ áo giáp của hoàng đế Alexios I, khiến ông không bị rơi xuống đất.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” đó, 3 kỵ binh người Norman cầm những ngọn thương sắc nhọn, đằng đằng sát khí xông về phía hoàng đế Alexios I. Kỵ binh Norman đâm hoàng đế Alexios I nhưng vị vua này không hề bị thương. Những kỵ binh đối phương liên tiếp tấn công hoàng đế nhưng ông vẫn không hề hấn gì. Alexios I đã thoát khỏi vòng nguy hiểm một cách khó tin trước sự chứng kiến của kẻ thù.
Sở dĩ hoàng đế Alexios có thể “tai qua nạn khỏi” một cách thần kỳ là nhờ bộ áo giáp vô cùng kiên cố ông mặc trên người. Nó được coi là tuyệt phẩm trong số những trang thiết bị quân sự mà đế chế này đã phát minh ra. Bộ áo giáp đó cũng được đánh giá là lá chắn bảo vệ cơ thể hiệp sĩ chắc chắn nhất trong lịch sử loài người.
Kỵ binh Athanatoi và chiến mã được trang bị bộ áo giáp kiên cố từ đầu tới chân khiến "đao thương bất nhập".
Bộ áo giáp “đao thương bất nhập” này gồm có 4 lớp. Lớp đầu tiên được gọi là Zava hay Kavadion được làm chủ yếu từ bông rồi đem nén chặt. Nó khá giống những chiếc chăn đệm mà con người sử dụng ngày nay.
Lớp thứ hai có tên Lorikion Alysidoton. Phần áo giáp này được làm với lưới sắt. Kế đến, lớp áp giáp thứ ba là Klivanion. Phần giáp sắt này có nhiệm vụ bảo vệ phần ngực và các phần cơ thể xung quanh. Lớp lá chắn ngoài cùng là Kremesmata. Đây cũng là tấm giáp lưới sắt phủ toàn thân kỵ binh. Nó có hình dáng giống như những chiếc váy dài có nhiệm vụ bảo vệ vùng đùi, chân và hông.
Bên cạnh bộ áo giáp bảo vệ các phần cơ thể trên, đế chế Byzantine còn thiết kế cho các kỵ binh Athanatoi lá chắn bảo vệ bắp chân và được gọi là Podopsella. Kế đến, lá giáp Manikellia có nhiệm vụ bảo vệ vai và tay làm từ chất liệu sắt. Trang bị cuối cùng trong trang phục của kỵ binh Athanatoi là Epolorikion – áo choàng có hai màu: xanh và đỏ. Chúng được làm từ bông.
Vào thời kỳ đó, người ta đồn đại rằng, nếu kỵ binh mặc đủ bộ áo giáp này thì dù kẻ thù có dùng súng bắn trực diện cũng không thể khiến họ bị thương. Vì vậy, đao thương bình thường càng không thể làm thương tổn họ.
Không chỉ làm ra lá chắn vững chắc, siêu bền cho các kỵ binh Athanatoi, người ta còn thiết kế những trang phục bảo vệ cho ngựa chiến. Chúng là chiến hữu kề vai sát cánh cùng các kỵ binh nên việc sống còn của chúng đóng vai trò quan trọng trong các trận chiến. Bởi lẽ, nếu kẻ địch không tấn công được kỵ binh thì đối tượng mà chúng nhắm đến thường là lũ ngựa. Khi đó, họ sẽ tấn công, khiến chúng té ngã trên trận địa. Vì vậy, các chuyên gia quân sự đã trăn trở về vấn đề này từ những năm 300 trước công nguyên. Dần dần, họ phát minh ra một lớp áo giáp giống như vảy cá rồi đem khoác lên mình ngựa để bảo vệ chúng. Bộ giáp đó được gọi đó là Thiết kỵ binh Kataphractoi.
Do đó, không chỉ các kỵ binh mà cả chiến mã của Athanatoi đều được bảo vệ từ đầu đến chân. Tuy nhiên, vì bộ giáp nặng tới 50kg nên các kỵ binh khá khó khăn trong di chuyển và trở nên kém linh hoạt trên chiến trường. 
Theo một số tài liệu, đội quân “bất tử” Athanatoi có khoảng 10.000 kỵ binh. Số lượng binh sĩ của đế chế Byzantine khá tương đồng với quân số của đội quân Immortal của đế chế Ba Tư thời cổ đại. Đội kỵ binh này dần dần suy yếu và bị xóa sổ cùng với sự lụi tàn của đế chế Byzantine vào năm 1453.
Nhật Anh (theo Wiki, Moddb)

Bình luận(0)