Lịch sử đường hầm phía dưới Nhà Trắng
Hệ thống đường hầm bên dưới Nhà Trắng, nơi sống và làm việc của tổng thống Mỹ, là một trong những công trình tối mật nhưng khơi gợi trí tò mò nhất hành tinh. Người ta biết tới sự tồn tại của nó nhưng hầu như không thể xác định chính xác quy mô của hệ thống hay tổng số những đường hầm được xây dựng.
Chúng là lối đi an toàn để ông chủ Nhà Trắng di chuyển tới nơi ẩn náu và làm việc trong trường hợp nước Mỹ đối mặt với thảm họa tồi tệ nhất, bao gồm cả cuộc tấn công hạt nhân từ kẻ thù. Theo Tuần báo National Journal, hệ thống đường hầm bí mật được xây dựng từ đầu những năm 1950 dưới thời Harry S. Truman, tổng thống thứ 33 của Mỹ. Việc xây dựng được tiến hành song song với quá trình tôn tạo Nhà Trắng vì nó đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.
Trong thời gian sửa chữa, tổng thống Truman phải chuyển tới sống và làm việc ở một địa điểm khác trong ba năm. Nhà Trắng mới sở hữu những cột bê tông và dầm thép trong khi phía dưới nó là hệ thống hầm ngầm và boongke, nơi tổng thống và những người làm việc cho chính phủ ẩn náu an toàn trong trường hợp nguy cấp. Hệ thống hầm ngầm của Nhà Trắng ra đời trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.
|
Đường hầm dưới Nhà Trắng được xây dựng theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman. Ảnh: Truman Library. |
Những hành lang bí mật
Kể từ khi ra đời, đường hầm phía dưới Nhà Trắng nhiều lần được tu sửa hoặc mở rộng. Dưới thời đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama, khu vực trú ẩn dành cho các quan chức cấp cao cũng được nâng cấp. Ban đầu, chính quyền muốn giữ bí mật quá trình xây dựng nên thông báo rằng họ đào xới để nâng cấp hệ thống điện, điều hòa, sưởi ấm và thiết bị báo cháy. Tuy nhiên, quy mô của các hoạt động xây dựng quá lớn khiến người ta nghi ngờ. Cuối cùng, một nguồn tin giấu tên cho biết người ta đang nâng cấp hệ thống hầm trú ẩn và các đường hầm phía dưới tòa nhà, New York Times đưa tin.
|
Công trình xây dựng tại Nhà Trắng năm 2011. Ảnh: AP. |
Người ta suy đoán, đường hầm bí mật dưới Nhà Trắng nằm sâu dưới đất, nối liền các cơ quan đầu não của Mỹ ở trong và ngoài thủ đô Washington D.C. Một trong những đường hầm nổi tiếng nhất dẫn tới Trung tâm Chiến dịch khẩn cấp của Tổng thống (PEOC), nơi Tổng thống George W. Bush đã gặp Hội đồng an ninh quốc gia ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Trước đó, Phó tổng thống Dick Cheney đã được đưa xuống hầm sau khi Tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới và một phần Lầu Năm Góc bị tấn công khủng bố. Vào thời điểm đó, ông Bush đang có mặt trên chiếc chuyên cơ Air Force One.
Hệ thống tàu điện ngầm chuyên dụng
Người ta nói rằng, có một hệ thống điện ngầm hoạt động ở thủ đô Washington D.C. để phục vụ Tổng thống trong trường hợp khẩn cấp. Kế hoạch xây dựng đường tàu này được khởi động trong thập niên 1950, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu.
|
Hệ thống tàu điện ngầm nối liền đồi Capitol với Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Ảnh: Wikipedia. |
Hệ thống đường sắt được xây theo lệnh của Dwight D. Eisenhower, tổng thống thứ 34 của Mỹ. Một ủy ban bí mật được thành lập để xây dựng đường tàu điện ngầm đặc biệt song song với tuyến đường phục vụ dân sinh tấp nập thứ hai ở Mỹ sau hệ thống vận tải hành khách ở thành phố New York. Đường ngầm này nối liền Nhà Trắng với các tòa nhà công vụ bên cạnh bao gồm Đài quan sát Hải quân, một khách sạn gần Nhà Trắng, đồi Capitol, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao….
Theo kế hoạch dài hạn, người ta có thể nối dài đường hầm tới những khu vực xa hơn như Trại David hay trụ sở CIA. Ngoài ra, bên dưới thủ đô Washington D.C. còn có một hệ thống đường tàu điện ngầm đặc biệt. Nó nối liền đồi Capitol với Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Hệ thống này được xây dựng năm 1909 để nối liền các cơ quan đầu não của chính phủ Mỹ trước khi được nâng cấp nhiều lần. Ngày nay, công chúng được phép tham quan và sử dụng hệ thống này với điều kiện mang đầy đủ giấy tờ và được nhân viên an ninh hộ tống. Tuy nhiên, trong thời điểm Mỹ tổ chức bầu cử lưỡng viện, hệ thống này chỉ phục vụ các nghị sĩ và nhân viên chính phủ.