Được bảo quản trong lớp băng vĩnh cửu tại một ngôi mộ trên dãy núi Altai, xác ướp người phụ nữ cổ đại kể trên là một câu đố lớn với các nhà khảo cổ.
Xác ướp này được khai quật trên cao nguyên Ukok năm 1993 với những hình xăm đáng kinh ngạc và đầy tính thẩm mỹ trên cánh tay. Các nhà khảo cổ đã đặt tên cho xác ướp này là "công chúa" Siberia.
|
Xác ướp "công chúa" vùng Siberia. |
Trong mộ phần của xác ướp, người ta còn tìm thấy quần áo, túi đồ trang điểm và túi thuốc phiện.
Và giờ kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) xác ướp 2.500 năm tuổi của "công chúa" Siberia đã giúp các nhà khảo cổ phát hiện được nguyên nhân dẫn tới cái chết của người phụ nữ cổ đại này, cũng như sự xuất hiện của túi thuốc phiện trong mộ phần.
Theo đó, các nhà khảo cổ xác định "công chúa" Siberia mắc bệnh ung thư vú. Bà đã hút thuốc phiện từ cây gai dầu để giảm đau khi bệnh ung thư phát tác.
Theo tờ Siberian Times, "Việc dùng thuốc phiện để chống chọi với bệnh tật có thể đã tạo ra một trạng thái tinh thần khác, khiến những người thuộc nền băn hóa Pazyryk tin rằng "công chúa" Siberia có khả năng giao tiếp với các linh hồn".
Hai nhà khoa học Andrey Letyagin và Andrey Savelov thuộc chi nhánh Siberia của Học viện Y khoa Nga ở Novosibirsk đã tiến hành quét MRI cho xác ướp. Họ phát hiện ra "công chúa" Siberia đã bị viêm tủy xương từ khi còn là một cô bé hay một thiếu nữ, một dạng nhiễm trùng xương hoặc tủy xương cũng như bị các thương tổn do ngã ngựa.
|
Dấu vết của khối u trên ngực phải của xác ướp (phần màu đỏ). |
Tiến sĩ Letyagin cho biết: "Dựa theo kết quả quét MRI và chẩn đoán, chúng tôi chắc chắn là "công chúa" đã bị ung thư vú. Với địa vị cao trong xã hội cùng các thông tin thu thập được từ nghiên cứu các xác ướp Pazykyr khác, không có lời giải thích nào khác cho vẻ ngoài hốc hác của bà ấy ngoài bệnh ung thư. Dấu vết của căn bênh có thể thấy rõ với khối u ở ngực phải, cùng các khối u bạch huyết di căn".
Loài người đã biết đến bệnh ung thư vú từ thời Ai Cập cổ đại, nhưng đây là lần đầu tiên căn bệnh này được phát hiện trên xác ướp một phụ nữ được bảo quản trong băng vĩnh cửu suốt hơn 2 thiên niên kỷ qua.
|
Những hình xăm tinh xảo trên xác ướp. |
Ngoài căn bệnh không có thuốc chữa tại thời điểm đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra những vết thương do ngã ngựa ngay trước khi "công chúa" qua đời. Họ dự đoán rằng việc phải di chuyển tới trại trú đông trên dãy Altai là lý do duy nhất để người phụ nữ ốm yếu này phải leo lên lưng ngựa.
Điều thú vị là những người cùng cộng đồng với "công chúa" Siberia đã không bỏ mặc bà đến chết. Họ đưa bà đến nơi trú đông. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của người phụ nữ này trong xã hội, cũng là lý do mà xác ướp này thường được gọi là "công chúa".
Theo các nhà khảo cổ, "công chúa" Siberia là một trinh nữ tự nguyện chọn cuộc sống độc thân.
Còn với các cư dân, những lời đồn về sức mạnh siêu nhiên của bà trên dãy núi Altai vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Tờ Siberian Times cho biết: "Hồi tháng 8, những người già ở đây đã ủng hộ việc đưa xác ướp trở lại ngôi mộ băng để "ngăn cơn giận dữ gây ra lũ lụt và động đất". Họ tin rằng 'công chúa' Siberia là trinh nữ "đứng chắn giữa cánh cổng dẫn vào vương quốc của người chết". Nếu mang xác ướp đi, cảnh cổng sẽ mở ra".