Đồn thổi ly kỳ quanh khu nghĩa địa bí ẩn ở Nghệ An

Google News

Những người dân bản xứ nói, những ai lỡ bước chân vào đây khi trở về, không gặp rắc rối nọ thì cũng dính chuyện chẳng hay kia.

Đường về xứ núi Con Cuông (Nghệ An) tít tắp xa. Khu nghĩa địa cũ ở xã Cam Lâm nằm khuất sau những sườn đồi, xung quanh được bao phủ bởi những rặng cây rậm rạp. Không gian hoang vắng, thưa thớt bóng người. Và vẫn còn đó, lắm thêu dệt ly kỳ qua lời kể của những người bản xứ.
“Bỏ ý định đó đi. Chú em đang trẻ, nên biết mến yêu cuộc sống!”, một số người dân trong khu vực vội xua tay, can ngăn ráo riết khi biết chúng tôi có ý định xâm nhập tìm hiểu cái nơi mà thoạt nghe đã hoảng. Khu nghĩa địa cũ này, ẩn chứa điều gì đáng sợ đến vậy!?
Đồn thổi
Người làng Cam Lâm còn nhớ như in trường hợp của ông Lô Văn Xăng. Sự ra đi đột ngột của người đàn ông trung niên lực điền, dáng người vạm vỡ để lại nỗi hoang mang cho những người dân bản địa. Cũng từ cái chết của ông Xăng, cùng những hậu quả nhiều trường hợp kế tiếp dính phải khi lỡ xâm phạm đến khu nghĩa địa khiến những đồn thổi về địa danh này thêm phần ly kỳ, bí ẩn.
Chuyện xảy ra cách đây gần chục năm, mà người làng giờ nhắc lại vẫn cứ ngỡ như chỉ mới ngày hôm qua. Thời điểm đó, đang bí một số tre về đan cái chuồng gà, ông Xăng vác rựa xông xáo bước vào khu nghĩa địa chặt cây. Tre quanh khu nghĩa địa um tùm, hà cớ gì phải đi đâu xa cho mệt sức. Đống tre to tướng lúc quẳng xuống chiếc sân con, thì cũng là lúc ông Xăng dính phải trận ốm “thập tử nhất sinh”.
Hàng loạt bác sỹ trong vùng bó tay. Bắt được bệnh mới có thuốc chữa, đằng này họ chịu. Quái lạ! Mà ông này trông đang khỏe khoắn, lực lưỡng thế kia mà bỗng chốc người gầy rộc, héo hắt, xanh xao như tàu lá, chỉ mấy ngày sau ông mất. Nghi vấn về việc ông Xăng lỡ xâm phậm đến khu nghĩa địa để đến nỗi bị “phạt” khiến người làng bàn ra tán vào.
Ông Xăng chết, mộ chưa xanh cỏ, người làng Cam Lâm lại chứng kiến thêm một vụ nữa. Trường hợp của ông Ngọ thậm chí còn… đau hơn! Gạt nước mắt vượt lên nỗi đau cha mất, chôn cất tại nghĩa địa xong xuôi, ông Ngọ rũ bước trở về. Đang ngồi sầu khổ ở nhà, sực nhớ còn phần lễ cúng cha đang để ngoài mộ chưa đem về, ông quay lại khu nghĩa địa lấy. Vừa về tới nhà, tự nhiên hai hàm răng của ông cứ va đôm đốp vào nhau, không có tửu mà chân nam cứ đá chân chiêu! Chưa hết, người ông nóng hừng hực, sốt cao. Chỉ hôm sau, ông Ngọ ra đi không một lời từ biệt.
Hàng loạt những cái chết bí ẩn nối tiếp khiến những đồn thổi về chuyện sẽ rước vạ vào thân nếu lỡ động chạm đến khu nghĩa địa thêm phần bí ẩn. Già làng Lang Văn Hoàn cho biết, theo phong tục địa phương, người dân chỉ được ra nghĩa địa một lần vào ngày chôn cất người thân. Sau lần này, không ai được trở lại thăm mồ mả của người đã khuất. Theo người dân nơi đây, chỉ có thế, linh hồn người đã khuất mới được yên nghỉ.
Người làng Cam Lâm ghi nhận trường hợp của gia đình ông Lô Văn Việt, chỉ vì làm trái phong tục mà rước phải chuyện không hay. Số là một dịp mùa xuân mấy năm trước, cả gia đình ông vào khu nghĩa địa thắp nén hương thơm tưởng nhớ người thân. Ngay sau đó, không ai rủ ai, các thành viên trong nhà ông này bỗng dưng bị… sốt! Bác sỹ quanh vùng chịu thua, không tìm ra nguyên nhân. Chỉ nhờ mấy ngày liền thành tâm, tự hứa, bệnh dần khỏi.
“Với người dân ở xứ này, khu nghĩa địa đó là một trong những nỗi ám ảnh. Mấy chục năm rồi, chẳng ai dám bén mảng vào đó. Nhiều trường hợp nhãn tiền đang yên đang lành bỗng nhiên rước vạ vào thân khi vào nghĩa địa khiến dân ở đây ai cũng ngán” - già làng Lang Văn Kha ngồi tựa cửa bậc thềm, giọng trầm ngâm.
 

Chỉ được ra nghĩa địa một lần!
Theo những người dân bản xứ, khu nghĩa địa có từ cách đây hơn 50 năm. Người trong khu vực, đa phần là đồng bào người Thái. Và những người qua đời, đều được chôn cất theo đúng phong tục địa phương.
Khu nghĩa địa cũ của xã Cam Lâm nằm xen kẽ giữa những sườn đồi. Xung quanh, cây cối, lau sậy mọc um tùm. Ngó tứ phía, đỏ mắt chẳng tìm nổi một nếp nhà quanh khu vực. Không gian heo hút, hoang vu. Thi thoảng, chỉ có đôi tiếng gà rừng văng vẳng.
Tôi ngồi trong căn lều dột nát của bà Lô Thị Thơm. Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, gắn bó với cái mảnh đất cằn cỗi quá nửa đời người, nhà lại ở gần sát khu nghĩa địa, nhưng dường như bà vẫn chưa thể quen với không khí nơi đây. “Cảm giác sợ hãi thi thoảng vẫn xâm chiếm. Nhiều câu chuyện bí ẩn xung quanh khu nghĩa địa đôi lúc vẫn khiến tôi có cảm giác lo lắng”, giọng bà Thơm nhè nhẹ, tựa như gió thoảng qua tai.
Sống cạnh nghĩa địa, nhưng cũng như nhiều người dân trong khu vực, chẳng bao giờ bà dám bén mảng vào. Lần cuối cùng, là ngày bà tiễn người cha già về nơi chín suối. “Phong tục của người dân nơi đây là vậy. Chỉ được vào nghĩa địa vào ngày chôn cất cho người thân qua đời. Chỉ có thế, linh hồn người đã khuất mới được yên nghỉ” - bà Thơm nói.
Ròng rã nhiều năm trời không dám đặt chân bước vào khu nghĩa địa, nên chuyện bà giờ không nhớ nổi phần mộ của cha mẹ nằm ở đâu, âu cũng cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khi nào đi chôn cất người chết thì vào, còn không, bỏ ý định đó đi!
Sự thật
Phong tục của người dân nơi cái xứ heo hút này, chỉ được vào nghĩa địa khi tiến hành chôn cất cho người thân qua đời, ngoài ra không bao giờ được đến, kể cả ngày lễ, tết. Theo quan niệm của bà con, điều này thể hiện sự tôn trọng nơi yên nghỉ của người đã khuất. Còn những thêu dệt, đồn thổi về chuyện những ai lỡ vào khu nghĩa địa khi “không phận sự”, rồi rước vào thân những sự trừng phạt đau đớn về thể xác, chẳng qua chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Già làng Lang Văn Thường nói, theo phong tục truyền thống của bà con dân bản, ngày lễ giỗ, người dân vẫn có thể thắp hương ở nhà, nhưng không được ra nghĩa địa thắp hương. “Phong tục người dân chỉ chôn cất đúng một lần, năm này qua năm khác không phát quang. Vậy nên khu nghĩa địa um tùm, cây cối rậm rạp. Chuyện những người đi vào khu nghĩa địa rồi trở về nhà mắc bệnh chỉ là ngẫu nhiên, bị trúng gió, khí độc nên sinh ốm” - ông Thường nhận định.
Già Lô Đình Niên ngồi cạnh tán thành: “Lắm đồn đại, thêu dệt về những bí ẩn kỳ lạ xung quanh khu nghĩa địa. Nhưng theo tôi, chỉ là do những người đó cơ thể sức đề kháng yếu, vướng phải hơi xác người chết đang phân hủy nên bị trúng gió”.
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lâm Kha Văn Sơn cho biết, theo phong tục của người Thái ở địa phương, họ chỉ táng ma một lần duy nhất, còn những dịp bình thường không ra nghĩa địa. “Hoàn toàn không có chuyện ma quỷ gì ở đây, tất cả chẳng qua là do tâm lý của người dân thôi. Chuyện bệnh tật, ốm đau có thể là do khu nghĩa địa quá rậm rạp, dẫn đến tích tụ khí độc nên mới sinh ra ốm đau mà thôi” - ông Sơn nói.
Những thêu dệt, đồn thổi ly kỳ xung quanh khu nghĩa địa vẫn khiến một bộ phận người dân lo lắng. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Theo Gia đình Việt Nam

Bình luận(0)