Chuyện giờ mới kể về giai nhân nức tiếng Hà Thành

Google News

Nhan sắc của mỹ nữ mang tên loài hoa Bạch Thược từng làm biết bao công tử say đắm.

Nhan sắc của chị em Bạch Thược làm nức lòng khắp các tỉnh gần xa. Trong năm chị em gái, thì nhà Bạch Thược có 3 người đẹp, được kế thừa nhan sắc của mẹ (xưa là giai nhân của đất Nam Định).
Không vương miện, không những lời xưng tụng, không cuộc sống chốn phù hoa, họ đã sống lặng lẽ giữa những góc phố nhỏ của Hà Nội xưa. Bây giờ, họ đều đã bước sang bờ bên kia của cuộc đời, và có thể ta không còn tìm thấy nhan sắc trên gương mặt của họ. Nhưng ngày xưa, họ từng là giai nhân của đất Hà thành…
Một trong số đó người đời nhắc, nhớ, ấn tượng… mãi với một nhan sắc của mỹ nữ mang tên loài hoa Bạch Thược từng làm cho biết bao công tử Hà thành say đắm.
 Bạch Thược xưa và Bạch Thược hiện nay.
Mỹ nữ mang tên một loài hoa trong truyền thuyết
Có một truyền thuyết kể về một loài hoa rất lạ, hoa Bạch Thược. Chuyện kể rằng, ngày xưa danh y Hoa Đà được tặng một loại cây trồng trong nhà mà không biết đó là cây thuốc quý. Mùa xuân đến, cây ra những bông hoa rất to, trắng muốt và mùi hương quyến rũ như hoa hồng. Hoa Đà nghĩ rằng đây là một loài hoa đẹp nhưng không quý nên ông không để ý đến nó nữa.
Một đêm thu, Hoa Đà đang ngồi đọc sách, bỗng nghe bên cửa sổ tiếng một người con gái khóc thút thít. Sau nhiều lần tìm hiểu, ông mới biết đó là tiếng khóc oan ức của một loài hoa quý bị bỏ quên, hoa Bạch Thược…
Và ở Hà thành ngày xưa, có một người con gái sắc nước hương trời được ví von là Bạch Thược. Cô sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Bố bà là cụ Phạm Hữu Ninh, từng là tham tán phủ toàn quyền nhưng đi theo tiếng gọi của Cách mạng, cụ đã bỏ việc về mở trường tư. Trường tư thục Thăng Long ngày đó nổi tiếng bởi đã quy tụ được nhiều nhà giáo lớn như Hoàng Minh Giám, Bùi Kỷ, Võ Nguyên Giáp…
Là con thứ tư trong một gia đình toàn con gái nhưng ngay từ nhỏ, bà đã được cả nhà cưng chiều hết mực. Đặc biệt, bà không sống theo khuôn phép cũ. Bà thích mặc quần áo con trai, chơi đánh bi, đánh đáo và không hề biết đến thêu thùa, nấu ăn như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa.
Lớn lên được vào học trường Tây và tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội, bà ngày càng chứng tỏ được sự thông tuệ của mình. Vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính đặc trưng của một cô gái Hà Nội đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn.
Bạch Thược hầu như không bao giờ tiếp xúc với con trai, thậm chí nhiều khi còn chạy trốn những cuộc chuyện trò làm quen. Tâm hồn bà tuổi 20 trong veo, không vướng bận một chút về tình yêu. Nhan sắc của chị em Bạch Thược làm nức lòng khắp các tỉnh gần xa. Trong năm chị em gái, thì nhà Bạch Thược có 3 người đẹp, được kế thừa nhan sắc của mẹ (xưa là giai nhân của đất Nam Định).
Bà Phạm Thị Ngọc Trâm, chị gái đầu của bà cũng là một nhan sắc nổi tiếng của phố cổ đã kết duyên cùng cháu đích tôn của quan thượng thư tỉnh Hà Đông. Người chị thứ hai của Bạch Thược, bà Kim Thoa, kết hôn với một vị bác sĩ khá nổi tiếng ngày đó và thoát ly theo gia đình chồng, để lại một tình yêu dang dở và sau này trở thành mối lương duyên của cuộc đời Bạch Thược.
Ông Vũ Sơn, chồng của Bạch Thược trước học cùng trường với chị gái thứ hai của bà. Ông rất mê bà Kim Thoa. Đến khi bà Thoa quyết định lấy chồng, một bác sĩ từng công tác ở Phnom Penh thì Vũ Sơn buồn chán và thất vọng vô cùng.
Bố của Bạch Thược lại rất quý Vũ Sơn, cụ đã động viên chàng trai này tham gia kháng chiến và hứa hẹn sẽ gả cô con gái thứ tư cho ông. Sau khi Vũ Sơn tham gia kháng chiến, lần đầu tiên trái tim của Bạch Thược rung lên những nhịp đập tha thiết với một chàng bác sĩ quân y. Nhưng còn lời hẹn ước trước đây của bố, Bạch Thược cũng không thể vô tình. Bà đứng trong sự giằng co giữa tình yêu và một lời ước hẹn mang nặng nghĩa tình của bố.
Sau hàng tháng suy nghĩ, bà quyết định chia tay mối tình này. Hiểu được tâm trạng của người yêu nên người bác sĩ quân y ngày đó đã cao thượng hy sinh tình yêu của mình, chấp nhận ra đi. Ông đã viết cho bà một bức thư dài rất cảm động. Bạch Thược giữ kín lá thư đó trong nhiều năm trời như một bảo vật thiêng liêng về một mối tình đầu tiên trong cuộc đời, cho đến tận ngày làm đám cưới, bà đã tự tay đốt nó thành tro…
 Năm chị em nhà Bạch Thược.
Sau này, khi gặp lại người cũ trên đất Pháp, bà cũng thấy chạnh lòng vì cuộc sống riêng của người đó không được như ý muốn. Bà nghĩ ông không được hạnh phúc cũng là một phần lỗi do bà. Nhưng âu cũng là số phận, Bạch Thược không ân hận về những quyết định đã qua, bà đã có cuộc sống có thể gọi là bình yên bên người chồng của mình.
Bà theo học ngành dược, từng sang Bungari tu nghiệp, và sau này bôn ba theo chồng sang nhiều nước (chồng bà công tác trong ngành ngoại giao). Phải rất lâu sau này bà mới gặp lại người đàn ông đó, trong một chuyến công tác ở Pháp. Bà hiểu và có những lúc chạnh lòng, bởi cuộc đời ông đã không được toại nguyện như bà từng mong muốn.
Hồi ức khó quên
Bà Thược năm nay đã ngoài 75 tuổi, nhưng nét đẹp sắc sảo mặn mà, đài các của một người con gái Hà thành xưa vẫn còn vương lại trên khuôn mặt bà. Bấy lâu nay bà sống một mình trong căn nhà tập thể rộng thênh ở khu Nam Thành Công, các con đều đã trưởng thành và rời xa khỏi vòng tay của mẹ. Có lẽ đây là khoảng thời gian bà được bình tâm nhất, bởi đã hết những lo toan bề bộn của một kiếp người.
Bà Bạch Thược ngồi trầm tư rất lâu khi tôi hỏi về ký ức những ngày xưa, khi nhan sắc của bà từng nức danh phố cổ Hà Nội. Nhưng bà kể rằng, bà không nhớ nhiều đến những thị phi, mà nhớ đến thời oanh liệt vì nhà Bạch Thược trở thành một căn cứ Cách mạng, nơi in ấn truyền đơn và tổ chức các phong trào biểu tình chống chiến tranh.
Cô bé mảnh khảnh, có cái vẻ bề ngoài tưởng như yếu đuối đó từng bị bắt vào Sở Mật thám 6 tháng, nếu không có sự can thiệp của anh rể thì có lẽ Bạch Thược đã không thoát khỏi những ngón đòn tra tấn dã man của giặc.
Trong Sở Mật thám đối với Bạch Thược cũng là một khoảng thời gian đáng nhớ, bởi bà ý thức được cao hơn, ý nghĩa của sự sống và khát vọng đấu tranh cho giải phóng dân tộc. Và sắc đẹp của bà trong những ngày lao tù cơ cực ấy đã khiến bọn lính Pháp ngạc nhiên, và ít nhiều thay đổi cái nhìn của chúng về Việt Minh. Bởi trong mắt chúng, Việt Minh không thể có vẻ đẹp đài các, sang trọng thế này. Còn với những tù nhân, vẻ đẹp của Bạch Thược như một vệt sáng cổ vũ tinh thần đấu tranh bền bỉ của họ.
Vẫn biết rằng, trong tiềm thức của nhiều người thường nghĩ rằng những người đàn bà đẹp ngày xưa thường được sinh ra trong những gia đình khuê các, được giáo dục theo nề nếp gia phong hẳn sẽ có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc, giống như cái đẹp tròn đầy viên mãn của trăng 16, không một chút hao khuyết, đầy vơi.
Bà Bạch Thược kể lại những năm tháng đó một cách hào hứng, thời đó những người con gái như bà không quá ý thức về nhan sắc của mình mà chỉ mải mê học và tham gia vào các phong trào đấu tranh. Sôi nổi là vậy, nhưng ngoài đời Bạch Thược hầu như không bao giờ tiếp xúc với con trai, thậm chí nhiều khi còn chạy trốn những cuộc chuyện trò. Tâm hồn bà tuổi 20 trong veo, không vướng bận một chút về tình yêu.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)