Mời độc giả xem clip:
Và có thể nói, vụ tạt axit Cẩm Nhung là một vụ đánh ghen ác hiểm, tàn độc vào loại bậc nhất hơn nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện quá nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về vụ án này và kể cả vũ nữ Cẩm Nhung. Kể từ số báo này, nhà văn H.T.Đ, người từng làm báo, viết văn tại thời điểm xảy ra vụ án sẽ vào cuộc tìm kiếm sự thật và đưa ra những thông tin chính xác nhất và toàn cảnh nhất.
Trước khi giở lại từng chi tiết của vụ thảm án về cô vũ nữ Cẩm Nhung 53 năm trước, chúng tôi thấy cần phải nói rõ hơn những điều mà cho đến ngày nay những ai chỉ nghe nói về cô vũ nữ Cẩm Nhung đã bị những ghi chép, thêm bớt của nhiều người, đã làm sai lệch câu chuyện cuộc đời về cô vũ nữ này…
Nhiều sự thật bị chôn vùi
Có lẽ chuyện đã quá lâu và người viết lại sau này về chuyện của Cẩm Nhung đã không nắm rõ, hoặc với ý đồ nào đó đã làm sai lệch hoàn toàn về câu chuyện. Có một sự thật khác do chính một người sống cùng thời với vũ nữ Cẩm Nhung, đã từng say mê nhan sắc của cô gái được mệnh danh là hoa khôi của vũ trường Sài Gòn thời ấy kể lại. Thêm nữa, người viết lại có may mắn sống cách nơi cư ngụ, cũng là nơi nạn nhân gặp nạn của Cẩm Nhung chỉ chưa đầy 300m.
|
Chân dung vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit đăng tải trên báo chí Sài Gòn xưa. |
Và do có điều kiện gần gũi và nắm hết mọi sự việc, kể cả có quen biết với kẻ trực tiếp cầm axít để hạ độc, do kẻ đó sống cùng quê với tác giả. Cho nên, bấy lâu nay, khi đọc được những bài viết đăng rải rác trên các mạng internet trong cũng như ngoài nước, đến lúc này, tôi thấy cần phải giở lại tình tiết của vụ án để nói một lần cho rõ. Từ đó, mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về một nạn nhân, một cô gái bé bỏng, đáng thương đã gục ngã trước bàn tay của những kẻ cậy đồng tiền và quyền lực mà tan nát cả cuộc đời…
Thời ấy, Sài Gòn có nhiều dancing (vũ trường) nhưng không đến nỗi có hàng trăm hay mọc lên hằng hà sa số, như trong nội dung các bài viết đăng tải trên mạng. Trong đó, vũ trường Kim Sơn mà Cẩm Nhung đã nhảy hằng đêm với khách cũng chỉ có một và chính xác là ở địa chỉ 02 đường Galliéni (tức đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. HCM bây giờ), chớ không hề nằm ở đường Catinat (rồi sau đó đổi thành đường Tự Do và ngày nay đổi thành đường Đồng Khởi, quận 1 như một số thông tin đã đưa). Thời đó, vùng quận 1 bây giờ mà ngày xưa dân Sài Gòn quen gọi là quận Nhì, là nơi tập trung khoảng bảy, tám vũ trường thuộc loại nổi tiếng. Trong đó, vũ trường Kim Sơn được liệt vào hàng đầu.
Kim Sơn tọa lạc tại số 2 đường Trần Hưng Đạo ngày nay, mà thời đó dãy nhà khoảng gần chục căn của bên số chẵn, tức từ bắt đầu từ số 2 đến số 10 là phố trệt, sau đó đã bị giải tỏa hoàn toàn. Ngày nay, bạn đọc có thể hình dung được nó nằm gần cái bảng điện tử quảng cáo màn hình Samsung đối diện với công viên 23 tháng 9, tức chỗ mũi tàu đường Phạm Ngũ Lão và đường Trần Hưng Đạo.
Trong giới chơi vũ trường thời ấy, sở dĩ người ta hay chuộng Kim Sơn là bởi nơi đó quy tụ nhiều đào đẹp, mà hầu hết các cô đều ở tuổi 18, đôi mươi, chớ lớn tuổi hơn thì không được Kim Sơn thuê mướn. Đặc biệt, nơi này còn là vũ trường có sự hiện diện của hai người đẹp xuất sắc, vừa nổi tiếng bởi dung mạo, lại vừa nổi tiếng ở một cái danh khác, mà đáng kể là cô con gái của nhà văn thời thượng lúc ấy là Lê Văn Trương (cô Thu) và vũ nữ Cẩm Nhung.
Con gái nhà văn Lê Văn Trương vừa đẹp lại vừa là con của một nhà văn nổi tiếng thời ấy, cho nên khách tìm đến Kim Sơn và đeo bám không buông cô này. Tuy nhiên, vào đầu năm 1958, cô con gái con nhà văn Lê Văn Trương đã gặp phải một đối thủ cực mạnh. Trong buổi đầu tiên, cô cũng không ngờ chốn sơn lâm mà cô là chúa tể từ bấy lâu nay lại có sự xuất hiện của một nữ chúa khác cực kỳ lợi hại. Đó là cô gái có tên rất mỹ miều Cẩm Nhung!
Thu, con nhà văn Lê Văn Trương gốc Bắc, ăn nói nhỏ nhẹ, duyên dáng. Từ khi làm vũ nữ, Thu được nhiều tay chơi Sài Gòn mến mộ. Thế nhưng, từ khi xuất hiện Cẩm Nhung, nhan sắc của Thu bớt rực rỡ hơn. Bởi, Cẩm Nhung quá đẹp.
“Nữ chúa” chốn vũ trường
Sự vụt sáng của “tiểu hành tinh” Cẩm Nhung đã làm lu mờ ngay vì tinh tú đã sáng mấy năm trước đó chính là Thu. Đặc biệt, sự vụt sáng của Cẩm Nhung cũng khiến cho nhiều người thắc mắc tìm hiểu xem “con bé Bắc Kỳ” này từ đâu tới, và có thuộc vào hàng “vọng tộc” hay không? Tuy nhiên, sau khi hỏi ra thì người ta mới rõ cô gái có cái tên Cẩm Nhung ấy là người di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn từ những tháng đầu năm 1955.
Đúng ra, cô nàng thân cô, thế cô không hề được một ai dẫn dắt mà là người tự thân bước vào thế giới đèn màu. Thật ra, khi mới vào Sài Gòn, Cẩm Nhung vào làm ở vũ trường Grand Mond (Đại Thế Giới, vũ trường này có cùng một lượt với sòng bài Đại Thế Giới cùng tên). Nhưng kể từ khi chế độ Ngô Đình Diệm xóa sổ sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn, chỉ để lại cái vũ trường Grand Mond đơn độc, và là nơi chiêu mộ các ngôi sao khiêu vũ từ đất Bắc vào Nam.
Tuy Grand Mond có vẻ bề thế và hào nhoáng hơn, nhưng so với sức quyến rũ và phần đặc sắc thì không sánh bằng hai vũ trường Sài Gòn thời ấy là Kim Sơn và Mỹ Phụng. Cho nên, qua sự gợi ý của một tài-pán (người quản lý vũ nữ) khá nổi tiếng thời ấy là cô Marie Sang, thì Cẩm Nhung đã chuyển về Kim Sơn với sự gợi ý cụ thể của người tài pán lão luyện này: “Kim Sơn đang là nơi hàng đêm các vương tôn công tử, các tay đại gia… Đặc biệt, là các tay sĩ quan thừa tiền lắm của và lắm thế lực thường lui tới ăn chơi. Cho nên, Cẩm Nhung cần chọn Kim Sơn, chọn nơi để mà ngoi lên thành danh với đời!”.
Bởi vậy, tháng 7/1959, cô vũ nữ trẻ đẹp được giới chơi vũ trường đặt cho biệt danh là “bông hoa đất Bắc” đã chuyển hẳn về Kim Sơn. Vào cuối năm 1962 (tức sau biến cố thảm án của Cẩm Nhung gần cả năm) thì tác giả đã gặp tài-pán Marie Sang tại vũ trường Mỹ Phụng, nơi tài-pán này đóng vai “quản lý vũ nữ” và cô Sang đã kể lại đầu đuôi tấn bi kịch của cô “đệ tử” dễ thương của mình: “Tội nghiệp con Cẩm Nhung lắm. Nó là đứa nhỏ nhất trong đám đệ tử của em ngày ấy. Nhưng nó rất biết điều, sống có tình và tha thiết với một mong ước là ngày nào đó sẽ rời ánh đèn mờ vũ trường để kiếm một tấm chồng giản đơn. Tiếp đó, nó sẽ sống như bà mẹ hiền hậu của mình…”.
Trong một đêm vắng khách ở vũ trường Mỹ Phụng vào cuối năm 1962, tài-pán Marie Sang đã một lần nữa vừa khóc vừa kể lại chuyện về Cẩm Nhung với tôi. Tài-pán Marie Sang kể: “Cẩm Nhung di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn khi mới 15 tuồi, nhưng đã trổ mã con gái. Mặc dù gia đình nghèo túng, nhưng bà mẹ hiền hòa của cô đã lặn lội, làm lụng để cho con cắp sách đến trường. Tuy nhiên, chính cái nhan sắc phát tiết quá sớm ấy đã khiến cuộc đời của cô gái ngây thơ rẽ sang một con đường hào nhoáng, nhưng lắm chông gai phía trước”.
Chính vũ nữ Thu, con nhà văn Lê Văn Trương có lần đã nói với Cẩm Nhung trước mặt tài-pán Marie Sang rằng: “Khi xấu và già đi, các vũ nữ sẽ không có khách gọi. Do đó, việc không có tiền để tiêu xài là điều chắc chắn. Thế nhưng, cũng phải nói, nếu như vũ nữ mà quá đẹp, quá ăn khách thì điều đó là con dao hai lưỡi, không khéo nó sẽ giết chết mình…”.