Chứng kiến của một phóng viên Mỹ
Sáng 30/4/1975, người Mỹ đã di tản hết khỏi Sài Gòn nhưng trong một căn phòng nhỏ trong khách sạn Caravelle ở trung tâm thành phố, Peter Arnett cùng 2 đồng nghiệp vẫn ở lại theo dõi chiến sự. Là một phóng viên của hãng tin AP của Mỹ, Peter Arnett đã đến Việt Nam từ năm 1962 trong vai trò một phóng viên thường trú chuyên theo dõi chiến tranh.
Cuối tháng 4/1975, mặc dù được bố trí di tản, Peter cùng với 2 đồng nghiệp khác tình nguyện ở lại để được tận mắt chứng kiến kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam ác liệt và tốn kém mà họ, với tư cách là một phóng viên Mỹ đã theo dõi nhiều năm qua.
|
Peter Arnett (người đứng sau hai chiến sĩ Giải phóng) cùng các đồng nghiệp đang xem hai người chiến sĩ chỉ con đường họ đã tiến vào Sài Gòn trên bản đồ (Ảnh chụp lại từ Hồi ký của Peter Arnett). |
Trước khi cờ cách mạng treo trên dinh Độc Lập 5 phút, Arnett đã rời văn phòng AP ở khách sạn Caravelle để xuống đường quan sát. Anh viết: “Tôi xem đồng hồ của mình: 11h25. Tôi nói với George sẽ đi ra ngoài xem xét tình hình. Một đám lính Cộng hòa chạy tới đường Tự Do, nhảy lò cò vì họ đang tháo bỏ giày, áo và quần trong khi chạy. Họ chạy qua tôi và biến mất trong một hẻm”. Vài phút sau, xe tăng của quân Giải phóng húc cổng sắt của dinh Độc lập tiến vào.
Tiến về phía trụ sở Bộ Quốc phòng của chính quyền Sài Gòn, Peter thấy trên đường ngày một xuất hiện nhiều người hơn. Sự sợ hãi về một thảm kịch tàn sát đã hoàn toàn biến mất: “Mọi người đổ ra đường, nỗi sợ hãi về một thảm kịch tức thời đã biến mất. Một người lính Sài Gòn mặc quần kaki và áo phông trắng đứng trước tôi, tôi chứng kiến anh ta xé chiếc hình ID từ vòng cổ và ném xuống đất. Tôi đi qua cổng Bộ Quốc phòng ở đường Gia Long và đi vào sân, nơi có nhiều sĩ quan chính quyền Sài Gòn mặc quân phục với những người dân mặc quần áo màu đen được cho là các cán bộ Cộng sản. Khi tôi giơ máy ảnh lên, một trong các sĩ quan Sài Gòn nói với tôi bằng tiếng Anh “đừng chụp” và anh ta giơ tay lên. Tôi mỉm cười và tiếp tục chụp, tự nghĩ: “Tôi không nghĩ bạn ở vào vị trí để ra lệnh nữa”.
Trên đường trở lại khách sạn Caravelle, Peter bất ngờ chạm trán 1 chiếc xe Molotova của Nga, phía sau có nhiều quân Giải phóng tiến đến. Nỗi lo sợ bị bắn giết khiến trống ngực Peter đập hơn trống làng. Nhưng không có điều gì bất trắc xảy ra cho người phóng viên, toán quân đi thẳng qua anh ta. Khi Peter nhìn về cột cờ của khách sạn thì phát hiện ra một băng rôn lớn màu xanh lá cây của quân Giải phóng đã được căng lên từ khi nào. Anh ta bước lên cầu thang và nghĩ thầm “Điều này là kết thúc cho tất cả những gì mà một thế hệ Mỹ đã chiến đấu chống lại và mấy đời Tổng thống Mỹ đã âm mưu ngăn cản. Cái kết thúc đến quá nhanh và thoái trào”.
Ngạc nhiên và hụt hẫng
Trở lại văn phòng, Peter dường như vẫn chưa hết hồi hộp. Anh ta viết: “Tôi lách qua đám đông tụ tập quanh cửa văn phòng và cảm thấy mệt mỏi quỵ xuống. Esper nhìn tôi. Tôi hoàn toàn cứng lưỡi. George dìu tôi lại một máy đánh chữ. - Peter, có vấn đề gì không vậy? Tôi nghe thấy anh ta hỏi. Tôi ra hiệu lấy giấy và đánh bản tin bắt đầu bằng: Sài Gòn, 30/4, Quân Giải phóng chiếm đóng Sài Gòn một cách thanh bình ngày hôm nay, họ hành quân trên những đại lộ đầy cây bên đường trên những xe tải cùng cờ bay phấp phới. Người dân Sài Gòn đứng chứng kiến hai bên đường. Không một tiếng súng nổ”.
Bản tin vừa được chuyển đi thì bất chợt Kỳ Nhân, một cộng tác viên ảnh của văn phòng xuất hiện cùng với 2 chiến sĩ quân Giải phóng. Điều đầu tiên mà Peter nghĩ đến là sẽ bị bắt hoặc giam giữ nhưng anh ta hoàn toàn cảm thấy nhẹ nhàng vì câu chuyện của anh ta đã chuyển về tòa soạn bên Mỹ. Bất ngờ Kỳ Nhân nói bằng tiếng Anh “Tôi đảm bảo sự an toàn cho văn phòng AP. Anh không có gì phải lo lắng”. Thì ra Kỳ Nhân vốn là người của Cách Mạng đã cài vào làm cộng tác viên cho hãng AP 10 năm nay mà không ai hay biết. Giờ đây, anh ta nhận nhiệm vụ làm điều phối viên báo chí quốc tế ở Sài Gòn.
Buổi chiều đến trên thành phố vừa được giải phóng không có gì khác biệt là mấy. Trên đường, bộ đội và người dân vẫn đi lại nườm nượp. Peter lại cùng với một đồng nghiệp đi ra ngoài phố để nắm bắt tình hình. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe của Peter khiến anh ta ngạc nhiên xen lẫn phần nào thất vọng khi không hề có sự tàn phá đổ máu nào cả.
Người phóng viên kỳ cựu của AP viết: “Franjo và tôi trở lại đường phố, thấy đám đông ra khỏi chỗ ẩn nấp, hòa cùng những người lính chiến thắng và nói chuyện trên các góc phố hoặc tụ tập ở vỉa hè. Một giờ trước đó, dân chúng còn e ngại, nhưng rồi lấy lại sự tự tin tức khắc. Tôi gặp một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại giao, một người bạn thân của gia đình Nina (vợ của Peter) đi dạo cùng vợ trên đường Tự Do và ông ta giật tay áo tôi: Peter, tôi không hiểu điều này. Tôi đến Paris cùng lực lượng giải phóng Pháp năm 1945 và họ tổ chức bằng cách cướp phá một số nơi. Họ bắn một số gái điếm và ngay sau đó là những hành động tàn ác khác chống lại những người cộng tác. Những những người Cộng sản này họ chẳng phản ứng gì hết. Vợ ông ta xen vào: Họ quá tôn trọng chúng tôi. Tôi không hiểu nổi nữa”.
Những gì vừa chứng kiến cũng đang khiến chính Peter rất ngạc nhiên và xen chút hụt hẫng vì mọi sự không như dự đoán của mình. Suốt 13 năm nay theo dõi chiến tranh Việt Nam, Peter có thể được xem là một trong những phóng viên am hiểu về cuộc chiến này nhưng sự tiên đoán của Peter về cách kết thúc chiến tranh thì hoàn toàn trật lất: “Trong 13 năm viết về chiến tranh Việt Nam, tôi chưa bao giờ mơ nó kết thúc theo cách như buổi chiều nay. Tôi nghĩ rằng nó có thể kết thúc bằng một cuộc thanh toán chính trị giống như ở Lào. Thậm chí, một trận đánh sinh tử với thành phố còn lại trong tàn phá”.
Tuy nhiên, nếu người phóng viên này hiểu rằng, dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân đạo khoan hồng không nỡ sát hại kẻ địch khi chúng đã chịu thua thì anh ta sẽ nhìn thấy ở sự việc ngày 30/4 thật là logic.