Gặp gỡ “nhà văn trời đày”

Google News

Trong những ngày tháng “chán đời” (dùng theo chữ của nhà văn) ấy, ông có làm câu thơ để nói về số phận không may của mình: “Trăm năm đến viện một lần/ Cuộc đời tan nát tấm thân phế tàn”.

Làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam từ lâu đã được biết đến với tên tuổi của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Bây giờ, cũng trên quê hương ấy, lại xuất hiện thêm một tác giả nữa trên văn đàn với những trang văn đầy nghị lực được viết bởi đôi tay không còn lành lặn. Ông là nhà văn Trần Đức Mô, với bút danh Từ Thiết Linh.

Số phận trớ trêu

Tới làng Đại Hoàng, hỏi nhà văn Trần Đức Mô thì ít người biết vì khi sáng tác, ông dùng bút danh là Từ Thiết Linh. Nhưng hỏi “nhà bác Mô không tay bốc thuốc” thì ai cũng biết. Nhiều người đã gọi ông là “nhà văn trời đày”, là thầy thuốc không đôi tay. Bởi suốt mấy chục năm qua, dù không còn đôi bàn tay, nhưng ông vẫn cầm bút viết văn và cần mẫn ngày ngày bốc thuốc.

Nhà văn Trần Đức Mô sinh ngày 7/1/1945. Từ ngày học cấp III, ông đã nổi tiếng là học sinh giỏi được đi dự báo cáo điển hình của tỉnh. Ông nhập ngũ năm 1965, chiến đấu ở chiến trường khu IV cũ. Sau đó, ông có hai năm làm cán bộ giảng dạy ở Trường trung cấp xây dựng số 2, nay là Trường cao đẳng kỹ thuật Nam Định.

Tiếp đó, ông chuyển về làm cán bộ thiết kế cho Công ty công nghệ phẩm Hà Nam Ninh. Số phận trớ trêu của cuộc đời ông cũng bắt nguồn từ đây. Đó là một lần ông giúp người bạn cùng công ty làm nhà ở mặt đường. “Trong lúc uốn sắt trên mái nhà, do sơ suất nên tôi không để ý có đường dây điện trần chạy qua. Vậy là tai nạn ập đến. Tôi may mắn vẫn còn sống, nhưng đôi tay thì không còn”, ông nhớ lại.

Trong những ngày tháng “chán đời” (dùng theo chữ của nhà văn) ấy, ông có làm câu thơ để nói về số phận không may của mình: “Trăm năm đến viện một lần/ Cuộc đời tan nát tấm thân phế tàn”.
 
“Nhà văn trời đày” vượt lên số phận 1
Dù không còn đôi bàn tay, nhưng ông Trần Đức Mô vẫn cầm bút viết lên những trang văn, thơ chan chứa.

Vượt lên nghịch cảnh

Người xưa có câu: “Giàu hai con mắt khó hai bàn tay”. Những ngày sau đó, ông sống như một cái bóng dật dờ: Không sức sống, không niềm tin, không hy vọng và không thể tự làm được bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất…

Nhiều lần ông đã nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng không thể chết được, vì còn trách nhiệm với gia đình, các con. Ông tâm sự: “Nếu tôi chết đi thì đơn giản thôi, tôi sẽ được giải thoát. Nhưng còn các con tôi, chúng không có tội gì mà phải chịu cảnh mồ côi cha”.

Trong những tháng ngày cùng cực đó, ông đã bám vào câu nói của nhà văn Nguyễn Khải, trong truyện ngắn “Mùa lạc” mà ông đã được đọc từ hồi đi học để gắng gượng sống: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Ông làm thơ để nhắc nhở mình phải sống vì các con: “Sống mà dạy bảo các con/ Để mà quy tụ trông nom gia đình”. Rồi ông tự học để làm mọi việc, từ những việc đơn giản nhất là sinh hoạt cá nhân hằng ngày. “Lúc mới bị mất đôi tay, tôi tưởng rằng cuộc đời sẽ không làm được gì nữa. Lúc đó, những chuyện đơn giản nhất như ăn, uống, vệ sinh cá nhân…với tôi cũng khó vô cùng...”, nhà văn Trần Đức Mô kể.

Để các con không có mặc cảm cha mình là người tàn phế, ông tự mình đào đất, làm vườn, trồng rau như những người bình thường. Có những hôm, chỉ có ông và cô con gái lúc đó mới lên sáu tuổi trồng cà chua. Cô con gái giữ để ông lấy chân cắm cây xuống đất. Đau đớn, cực nhọc, nhưng rồi hai cha con cũng làm xong.
 
Những trang văn nghị lực

Từ ngày còn đi học, ông đã ham đọc sách, nhất là những tác phẩm văn học của Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Tuân, Doxtoiepxki, Macximgoroki…Nên trong những ngày bị tai nạn, ông đã vịn vào đó để đứng lên. Rồi ông tập viết.

Vẫn với đôi bao tay, ông đã tự mình ăn được cơm. Nhưng để viết được thì không dễ. Cầm cây bút cũng rất khó khăn. Nhưng rồi với sự quyết tâm, kiên trì của mình, nhiều tháng sau, ông đã tự cầm bút viết được con chữ. Bây giờ thì ông không cần dùng đến bao tay nữa, nhưng viết chữ vẫn đẹp như người bình thường.

Ông làm thơ gửi cho báo. Ông tâm sự: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là viết để trút nỗi lòng của mình, để quên đi những ngày tháng ấy thôi, chứ cũng không nghĩ rồi mình sẽ gắn bó với nghiệp văn chương như bây giờ”. Bài thơ đầu tiên của ông là bài “Rất yêu” được đăng trên báo Tiền Phong năm 1991. Có động lực, ông hăng say viết tiếp. “Cứ viết những gì mình nghĩ, mình cảm nhận được, ngay trong cuộc sống của bản thân, gia đình, làng xóm mình”, ông nói.

Đến năm 1996, những truyện ngắn đầu tay của ông được đăng trên Tạp chí Văn Nhân của Hội văn học nghệ thuật Nam Hà (cũ). Năm 1999, ông gửi sáng tác tham dự cuộc thi viết về công nhân của Hội VHNT Hà Nam và đạt giải nhất của thể loại văn xuôi. Năm 2002, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn tỉnh Hà Nam.

Những tác phẩm của ông được bạn đọc biết đến nhiều hơn, như: Bến Lỡ- NXB Lao Động (2000), Miền quê trăn trở- NXB Hội Nhà văn Việt Nam (2004), Dòng đời rong ruổi- NXB Lao Động (2008), Hương Đất (2009)...

Nhiều độc giả đã gửi thư cho ông, chia sẻ, đồng cảm. Nhưng ít người biết rằng, đó là những trang văn của một nhà văn không đôi tay. Chỉ đến khi các phóng viên của Báo Tiền Phong tìm về nhà ông, mới ngỡ ngàng và càng khâm phục nghị lực phi thường của ông. Từ đó, độc giả mới biết thêm một nhà văn nữa của làng Đại Hoàng, thường được gọi là “nhà văn trời đày”. Vì như ông vẫn nói vui rằng, viết văn với ông, như cái nghiệp trời đày vậy và nếu không có vụ tai nạn bất ngờ đó, thì có lẽ chưa chắc ông đã trở thành nhà văn như bây giờ. 


Bình luận(0)