|
Đối với những người lính thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một huyền thoại mà còn là người "Anh cả" thân thương. |
Đổi nghề từ một tấm ảnh
Năm 1962, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Nghị lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mười mấy năm trời lăn lộn khắp các chiến trường, ông tham gia rất nhiều trận đánh ác liệt từ Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, A Sầu, A lưới, chiến dịch Tết Mậu Thân cho đến Thành cổ Quảng Trị.
Như ông vẫn thường nói: “Tôi sinh ra không phải để chụp ảnh, cuộc đời tôi là cuộc đời của một chiến binh”. Thế rồi một biến cố bất ngờ đã khiến một chiến binh trở thành một nghệ sĩ.
Ông vẫn nhớ như in đó là vào đầu những năm 1990, khi đó còn đang công tác tại Tổng cục Kỹ thuật. Lần đó được một người bạn cho biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm bộ đội Trường Sơn ở Hội trường Đại học Bách Khoa, sẵn có cái máy ảnh vừa mới mua được, Trọng Nghị vội chạy đến ngay.
“Từ ngày xưa đến giờ, cụ Giáp vẫn luôn là một hình tượng thiêng liêng với cánh lính chúng mình cho nên lần đó biết cụ đến là bọn mình vội lao tới ngay”.
Dù đã biết võ vẽ chút kỹ thuật chụp ảnh từ trước nhưng lần đầu tiên chụp ảnh Đại tướng vẫn là một cảm giác mà ông không bao giờ quên được. “Lúc đó tay run run, tim thì đập loạn xa. Chụp được rồi mà vẫn cảm thấy lo lắng lắm vì không biết ảnh có ra gì không. Đến lúc rửa anh ra thì lại nhẩy tưng tưng vui sướng với bức ảnh của mình”.
Đó cũng chính là bức ảnh đã khiến cho ông từ một chiến sĩ trở thành nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh. Cho đến bây giờ người ta vẫn biết đến ông nhiều hơn với tư cách là một phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Nhà báo Việt Nam.
|
Nguyễn Trọng Nghị say sưa kể về những bức ảnh của mình. |
Lần nào cũng như lần đầu tiên
“Tôi là một người lính, cuộc đời tôi cũng chẳng có tham vọng gì lớn, chỉ có một ước muốn là được chụp ảnh Đại tướng mà thôi. Chụp để cất đi, để cho vào bộ sưu tập của mình, chụp để thỉnh thoảng lôi ra ngắm và cả để khoe với bạn bè nữa. Đó là niềm tự hào của tôi”.
Từ lần đầu tiên chụp được ảnh của Đại tướng, Trọng Nghị say ảnh như điếu đổ, “thực ra là say chụp ảnh cụ Giáp”. Cứ biết Đại tướng sẽ có mặt ở đâu là ông lại tìm mọi cách để “xông đến” ngay. Nhiều lần đến nơi mà không được vào, ông mới nghĩ cách tận dụng các mối quan hệ, bạn bè bên quân đội để xin được đến “chụp giúp”.
“Cái hồi đó người có máy ảnh không nhiều, mà có máy tử tế thì lại càng hiếm. Để chụp ảnh cụ cho đẹp (đẹp thì lần sau người ta mới nhờ tiếp) tôi quyết định bán hết để sắm một cái máy ảnh cho ra trò”.
Và rồi ông bán thật, bán từ những đồ có giá cho đến cả từng cái áo mưa, mũ cối hay bộ quần áo cũ để sắm cái máy ảnh Canon MT50. “Bây giờ thì nó là đồ cổ, cho cũng chẳng đắt chứ hồi đó thì nó đáng giá cả một gia tài, còn đắt hơn cả căn nhà của tôi lúc đó”.
Từ ngày có máy “ngon”, chụp cũng “ngon” lại cộng thêm những mối quan hệ từ khi còn công tác trong quân đội, Trọng Nghị ngày càng có nhiều cơ hội được chụp ảnh người “Anh cả”. Và sau 15 năm miệt mài theo đuổi, ông đã chạm mốc 500 tấm ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Rất nhiều lần chụp ảnh Đại tướng rồi nhưng không hiểu sao lần nào bấm máy cũng mang đến cho tôi một cảm giác thật lạ lùng, cứ như lần đầu tiên vậy. Vậy là tôi đã có đến 500 lần đầu tiên rồi đấy”.
Chụp nhiều nhưng có lẽ lần đáng nhớ nhất đối với Trọng Nghị đó là dịp đi “chụp hộ” cho Trung đoàn 88, sư 308 quân tiên phong. Lần đó sau khi chụp xong hết rồi bỗng nhiên Đại tướng hỏi: “Thế phóng viên có muốn chụp ảnh cùng tôi không nào?”
Lúc đó quá bất ngờ nên ông phải sững ra một lúc mà vẫn chưa tin được vào vận may của mình. “Sướng lắm chứ, đến tận bây giờ vẫn còn sướng này. Có thấy tôi cười sung sướng không?”.
Để mừng sinh nhật Đại tướng 102 tuổi, ông đã quyết tâm mở một cuộc triển lãm trưng bầy những tấm ảnh chụp Đại tướng mà mình đã thực hiện trong suốt 15 năm qua. Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này, ông đã dành 102 ngày, đi hơn 4.000 km để gặp 12 vị tướng và hàng trăm nhân vật đã có mặt trong những tấm ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi lại cảm tưởng của họ cho từng bức ảnh. “Dù phải dốc sạch túi cho cuộc triển lãm này tôi cũng không tiếc vì có lẽ đây sẽ là cơ hội cuối cùng của tôi, không làm lần này sợ không có lúc nào nữa”.