Người bác sỹ quân y viết tình ca biển đảo

Google News

(Kiến Thức) - Thời chiến tranh ác liệt, công việc của những người lính quân y gian khổ, nguy hiểm để cấp cứu, điều trị không biết bao nhiêu thương bệnh binh. Nay thời bình, liệu họ có được “nhàn” hơn? 

Nhân ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Kienthuc.net.vn có cuộc trò chuyện với PGS. TS. BS – Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Bộ Quốc phòng 175 về công việc của những chiến sĩ quân y thời bình.

PGS.TS.BS đại tá Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc bệnh viện 175

PGS.TS. BS Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện 175

Thầy thuốc của quân và dân

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, sinh năm 1962. Anh đã được khen thưởng Huân chương chiến công hạng I, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng I,II,III, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương vì sự nghiệp KH-CN, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân… 
Hiện nay, các anh làm việc trong một bệnh viện hiện đại tại một thành phố lớn nhất nước. Có cảm giác như các bác sĩ quân y thời bình “nhàn” hơn thời chiến, thưa anh? 

Nhìn qua thì có lẽ nhiều người nghĩ như vậy, nhưng đó là sự so sánh khập khiễng. Hiện tại, chúng tôi được quân đội đầu tư tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và chính vì thế nhiệm vụ lại càng nặng nề hơn. 

Bệnh viện Bộ Quốc phòng 175 (BV 175) có 3 nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu, điều trị và đào tạo, nghiên cứu khoa học. BV 175 là bệnh viện tuyến cuối ở phía Nam của quân đội từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên. Là thầy thuốc mặc áo lính nên lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng.

Nghĩa là các anh lúc nào cũng sẵn sàng lên đường?

Đúng như vậy, dù trong thời bình nhưng BV luôn có BV dã chiến, đội phẫu thuật tiền phương, đội cấp cứu thảm họa, đội cấp cứu lưu động, đội cấp cứu cán bộ cao cấp… Các đội luôn sẵn sàng cơ động. Họ luyện tập thường xuyên, sẵn sàng trang thiết bị để lên đường ngay khi có lệnh. 

Đối với nhiệm vụ điều trị, hiện nay bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân không chỉ có bộ đội, nhân dân trên địa bàn mà còn rất nhiều từ các tỉnh thành khác. Nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học khá vất vả, bình quân một ngày có khoảng 1.000 học viên điều dưỡng, kỹ thuật viên, BS chuyên khoa I, II,  nghiên cứu sinh ở BV. Một nhiệm vụ quan trọng khác của chúng tôi là chăm lo sức khỏe cho quân và dân trên đảo Trường Sa.

Nói tới Trường Sa, sau những chuyến ra đảo anh có ấn tượng hay kỷ niệm gì không?
  
Với Trường Sa thân yêu, BV 175 đã phục vụ hơn 20 năm qua, nhiều thế hệ y bác sĩ đã đóng góp to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo. Có rất nhiều ca cấp cứu thành công như mổ viêm ruột thừa, chấn thương do tai nạn lao động trên ngư trường, có ca bệnh nhân bị ngưng tim, suy hô hấp do thay đổi nhiệt độ dưới hầm tàu cá, sốt xuất huyết bội nhiễm, chảy máu dạ dày… 

Đặc biệt, đối với ngư dân thì hội chứng giảm áp do lặn sâu, gây nhồi máu và liệt do tổn thương tủy thường hay gặp. Trong một lần ra đảo công tác, tôi trực tiếp cấp cứu hai thợ lặn gặp nạn. Trong đó, có một bệnh nhân bị hôn mê sâu, phù não, đe dọa nhồi máu tủy, não. 

Bằng những thiết bị hiện có của trạm xá xã đảo chúng tôi cấp cứu bước đầu rồi đưa bệnh nhân về đất liền. Nếu đi bằng tàu thì không kịp thời gian nên chúng tôi đã nhờ sự hỗ trợ của Quân chủng Không quân vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng cứu hộ trong đêm mưa gió để đưa về BV 175. Được điều trị sau 3 tháng, anh ấy đã khỏe mạnh xuất viện. 

PGS.TS.BS đại tá Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc bệnh viện 175  đang cấp cứu bệnh nhân bị hôn mê sâu, phù não, đe dọa nhồi máu tủy, não ở Trường Sa.

BS Nguyễn Hồng Sơn đang cấp cứu bệnh nhân bị hôn mê sâu, phù não ở Trường Sa.


Ca đỡ đẻ “có một không hai”

Ngoài cấp cứu ngư dân thì có ca cấp cứu hay bệnh khó nào khiến anh nhớ mãi không?

Có rất nhiều ca bệnh nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất về ca sinh mổ ngoài đảo Trường Sa, chúng tôi  phải chỉ đạo trực tuyến từ đất liền. Đó là một ca đỡ đẻ “có một không hai”. 

Đẻ mổ khá bình thường với các bệnh viện ở đất liền nhưng khi ở tận ngoài đảo xa thì đó không phải là điều đơn giản. Nhất là với một thai phụ có bệnh lý đi kèm, trong khi điều kiện ngoài trạm xá xã đảo còn nhiều khó khăn. Cái khó cho một cuộc phẫu thuật sản khoa là vấn đề gây mê và cầm máu. Phụ nữ dễ bị băng huyết sau sinh, đặc biệt là sản phụ có ngôi thai bất thường lại bị u xơ tử cung nên các BS cũng đã tiên lượng phải mổ bắt con. 

Chúng tôi đã quyết định gây tê tủy sống trong điều kiện của trạm xá. Được sự giúp đỡ của Viettel quân đội, chúng tôi đã lập cầu truyền hình từ trực tiếp từ BV đến phòng mổ bệnh xá Trường Sa. 

Dù chuẩn bị kỹ, nhưng chúng tôi cũng lo lắng ngay khi đặt mũi kim chọc gây tê tủy sống. May mắn, mọi chuyện êm đẹp cho đến khi tiếng khóc cháu bé vang lên trên màn hình thì toàn bộ sự dồn nén, căng thẳng vì âu lo của chúng tôi được giải tỏa. May mắn nhất là người mẹ không phải truyền máu, bố mẹ cháu mừng vui và xin lấy tên của hai bác sĩ đặt tên lót cho cháu là Nguyễn Ngọc Trường Xuân. 

Người viết tình ca biển đảo

Ngoài nghề chính là thầy thuốc, anh còn là nhạc sỹ, có phải vì những cảm xúc mạnh mẽ trong nghề đã tạo cảm hứng sáng tác cho anh, nhất là những bài  tình ca người lính đảo?

Vâng, ca khúc riêng về Trường Sa thì tôi có khoảng 10 bài.  Đó là những ca khúc được viết từ những cảm xúc thực tế, những khía cạnh đa dạng về cuộc sống và con người nơi đảo xa của tổ quốc. Tôi cũng rất quan tâm đến tâm tư những người lính trẻ, họ sống nơi đầu sóng ngọn gió, xa gia đình, vợ con, người yêu...

BS Nguyễn Hồng Sơn và Đại tá Đoàn Vũ Vinh trên đảo Trường Sa.

BS Nguyễn Hồng Sơn và Đại tá Đoàn Vũ Vinh trên đảo Trường Sa.


Vì thế nên bài hát “Rock đồng hồ cát”của anh được các bạn trẻ trong và ngoài quân đội yêu thích?

“Rock đồng hồ cát” phỏng thơ của Đại tá Đoàn Vũ Vinh viết cho các chiến sĩ trẻ Trường Sa. “Đồng hồ cát” ở đây không giống như đồng hồ cát mọi người vẫn nhìn thấy cát chảy trong vài phút. “Đồng hồ cát” ở Trường Sa là những doi cát (đụn cát lớn) xoay xoay, di chuyển theo mùa gió, cứ quay một vòng là hết một năm. 

Những doi cát này cũng giống như những người lính trẻ đứng canh giữ đảo. Họ mong có một ngày được đưa người yêu ra thăm “đồng hồ cát” diệu kỳ chẳng nơi nào có:“Lính đảo xa mới có đồng hồ cát sóng xô. Lính đảo xa mới có đồng hồ cát mãi xoay...”. 

Giữa muôn trùng khơi sóng gió, họ vẫn yêu đời trẻ trung, trong sáng. Khi hết một chu kỳ của “đồng hồ cát” thì cũng là lúc các chiến sĩ qua đi một năm trên đảo với bao cảm xúc, nhớ nhung, rồi một lớp chiến sĩ trẻ khác lại tiếp nối nhiệm vụ thiêng liêng.

Bình luận(0)