Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Virus Epstein-Barr (EBV): Dựa trên sự tăng cao của kháng huyết thanh anti-EBV có trong máu của các bệnh nhân ung thư vòm họng và sự có mặt của ADN virus trong nhân các tế bào ung thư có thể thấy được vai trò quan trọng của virus này trong nguyên nhân gây bệnh.
Yếu tố môi trường: Thức ăn giàu các chất nitrosamine (thịt muối, thịt hun khói….) dễ bay hơi là một tác nhân sinh ung thư đã được biết tới, gây ung thư biểu mô mũi, xoang trên thực nghiệm.
Bất thường nhiễm sắc thể: Các nghiên cứu về biến đổi di truyền ở những bệnh nhân ung thư vòm mũi họng đã phát hiện những tổn thương trên các NST 3p, 9p, 11q, 13a, 14q và 16q có ảnh hưởng tới vùng chứa các gene ức chế hình thành u.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng
PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: BVAV
PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội), Nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng Trẻ em, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết tỷ lệ người dân ung thư vòm họng ở Việt Nam đứng top cao của thế giới.
Trước kia, khi chưa có những thiết bị nội soi hiện đại, việc tầm soát ung thư này thường bị bỏ sót.
Tuy nhiên, khi thiết bị nội soi được phổ biến trong toàn ngành tai-mũi-họng, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư vòm cũng tăng lên. Việc phát hiện sớm giúp cho khả năng điều trị tốt hơn.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, ung thư vòm họng có 3 dấu hiệu giúp phát hiện sớm là đau nửa đầu, ù tai và khạc ra máu. Những dấu hiệu ở giai đoạn sớm thường không được người bệnh để ý và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác về tai mũi họng.
Ở những giai đoạn nặng hơn, ung thư vòm họng sẽ có thêm những triệu chứng như: Mũi chảy máu hoặc tắc nghẽn, đờm có máu, tai có thể bị ảnh hưởng, cổ sưng lên từ các hạch bạch huyết phình to, mí mắt rủ, hoa mắt…
Cũng theo PGS Hoài An, hiện nay, ba yếu tố chính được xác định là làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng là virus Epstein-Barr, yếu tố di truyền và môi trường.
Một số thói quen như ăn cà, dưa muối khi còn nhỏ, thực phẩm lên men và hút thuốc lá cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư vòm họng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, chỉ cần điều trị hóa chất và tia xạ thì khả năng chữa khỏi là hoàn toàn có thể, thậm chí bệnh nhân sống 30 năm khỏe mạnh.
Để phát hiện bệnh sớm, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An khuyến cáo người dân nên tự biết cách phòng bệnh, nên tiến hành kiểm tra sức khoẻ, nội soi một lần/năm.
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ ung thư vòm họng cũng nên tới gặp các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám, chẩn đoán chính xác.