Khi người vợ bị cho là vô tình vô nghĩa
Câu chuyện ứng xử của vợ chồng chị Mai ở TP Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Vợ chồng chị Mai đều đã gần 50 tuổi, có hai con đều đã lớn. Chị Mai kể với chuyên gia tư vấn rằng, vợ chồng chị khắc khẩu nên ít khi nói chuyện với nhau. Và đó là căn nguyên dẫn đến một mối bất hòa tuy nhỏ, nhưng cũng khiến chị rút ra được ít nhiều bài học cho mình.
|
Ảnh minh họa. |
Theo chị Mai kể thì vợ chồng chị sống ở TP Hải Phòng. Bố chồng đã mất, chỉ còn mẹ chồng đã gần 80 tuổi sống ở quê cùng với vợ chồng người em trai chồng. Mẹ chồng chị Mai sau một cơn đột quỵ thì hiện nay không tự đi lại được mà luôn phải có một người túc trực chăm sóc. Người chăm sóc bà là một bác giúp việc do vợ chồng người em đứng ra thuê. Chồng chị Mai còn có một người chị gái cũng sinh sống và lập nghiệp trên thành phố. Việc chăm lo phụng dưỡng mẹ già chủ yếu do người em trai chồng đảm nhiệm, không chỉ về mặt tinh thần mà kể cả mặt kinh tế. Vợ chồng người em này làm ăn khấm khá, gia đình sống hòa thuận hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn hiếu thảo nên dường như những người con đi làm ăn xa nhà như chồng chị và chị gái chồng chị Mai hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng gì về mẹ. Thỉnh thoảng sắp xếp được công việc và gia đình ổn thỏa thì cả nhà chị Mai về quê thăm bà. Tuy nhiên khoảng 3 tháng trở lại đây, vì lo chuyện con cái thi cử nên chị Mai không về thăm mẹ chồng được, chỉ một mình chồng chị về mà thôi.
Khi đứa con gái lớn thi đỗ đại học, chị Mai bàn với chồng thưởng cho con bằng một chuyến đi du lịch Đà Lạt cho cả nhà thì chồng chị Mai xua đi. Anh nói: “Mẹ tôi sắp chết tôi không đi đâu hết, mẹ con cô thích thì cứ đi đi”. Nghe chồng nói vậy chị Mai ngớ người không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chưa kịp định thần thì chồng chị tuôn thêm một tràng: “Cô là người vô tình vô nghĩa. Cô chẳng quan tâm gì đến mẹ tôi sống chết thế nào. Lâu nay tôi im lặng xem cô cư xử thế nào nhưng đối với cô, mẹ tôi, tổ tiên nhà tôi dường như không liên quan gì đến cô hết!”.
Nghe chồng nói, chị Mai cũng cảm thấy chột dạ vì suốt vài tháng nay chị chưa hỏi han gì về sức khỏe của mẹ chồng. Để tránh “đổ dầu thêm lửa”, chị Mai lẻn ra ngoài gọi điện cho chị chồng hỏi về tình hình của mẹ chồng ở quê. Hóa ra bà vẫn khỏe mạnh, vẫn ăn ngon ngủ yên. Chị Mai hiểu ra ngay vấn đề là chồng mình dỗi vì mấy lần chồng chị về quê nhưng khi anh ấy lên thành phố, chị không hỏi chồng về tình hình sức khỏe của bà. Những lời nặng nề của chồng dành cho chị một phần là do chồng dỗi, nhưng một phần cũng là lỗi tại chị chưa được chu đáo. Mặc dù trong thâm tâm chị có nghĩ đến mẹ chồng. Mấy lần chần chừ định bảo chồng lấy ô tô đưa mấy mẹ con về quê thăm bà nhưng bận bịu, lần lữa rồi chị quên mất. Sở dĩ chị không hỏi thăm bà qua chồng mình là vì trong suy nghĩ của chị Mai, chị không muốn hỏi kiểu hình thức như vậy. Chị Mai không ngờ chồng chị lại xem cách ứng xử của chị là vô tình.
Vì thấy mình cũng có phần sai nên ngay cuối tuần đó chị Mai cùng các con lập tức về quê chồng, ăn bữa cơm ấm áp với mẹ chồng và gia đình người em. Chồng chị sau đó cũng đã hiểu là vợ mình không phải là người vô tình, chỉ là vì hai người có chút hiểu lầm nhau mà thôi.
Đàn ông nào cũng thương mẹ
TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, câu chuyện của vợ chồng chị Mai là điển hình cho thấy một sự thật là các ông chồng thường rất để ý đến thái độ của các bà vợ đối với quyến thuộc của mình, nhất là mẹ của anh ta. Có một điểm chung trong đời sống tình cảm của người đàn ông đó là, mặc dù họ không nói ra nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của anh ta thì người mẹ là vô cùng quan trọng. Vì thế những người vợ yêu chồng mà thờ ơ, không đoái hoài gì đến mẹ của anh ta, đến dòng tộc của anh ta thì đó là một thiếu sót vô cùng lớn. Bởi, mẹ anh ta chính là nguồn yêu thương của anh ta, dòng tộc của người đàn ông chính là sự tự tôn của chính họ.
Việc quan tâm đến bố mẹ chồng hay gia đình chồng được xem là văn hóa ứng xử. Việc đó không chỉ xuất phát từ trái tim mà còn từ sự hiểu biết của người vợ. Nghệ thuật ứng xử này chỉ cần sự chân thành, không cần phải cầu kỳ. Đôi khi chỉ cần mua cho mẹ một chiếc áo, một ít thuốc men, hay thậm chí chỉ bằng một cuộc điện thoại hỏi thăm là đã có thể làm cho bố mẹ bên chồng và chồng mình được ấm lòng. Lúc này họ sẽ thấy “con dâu không phải là người khác máu tanh lòng” mà là sợi dây kết nối tình máu mủ và huyết thống của gia tộc mình. Người vợ khi làm được như vậy họ sẽ được nhiều thứ. Được chồng yêu, chồng tin tưởng, tự hào, trân trọng… Không những vậy họ còn được sự bênh vực, bảo vệ từ phía nhà chồng mỗi khi vợ chồng có sự xích mích, mâu thuẫn, hay xung đột.
Người đàn ông khi trưởng thành, khi đã lập gia đình mặc dù họ có thể không bộc lộ tình cảm với mẹ qua lời nói, hành động nhưng trong thẳm sâu họ rất thương mẹ. Vì người mẹ nào cũng vậy, cũng đều trải qua thời gian cơ cực chăm nuôi con. Khi lấy vợ có con, đàn ông thường có sự so sánh giữa mẹ mình với một thời vất vả xưa với vợ của họ bây giờ. Khi đi làm kiếm tiền mang về cho vợ con được hưởng sung sướng, có những lúc họ liên tưởng đến mẹ mình và họ thấy… xót xa. Họ thương mẹ là vì như vậy. Thế nên một người vợ hiểu tâm lý chồng là người rất biết quan tâm đến mẹ của anh ta. Khi quan tâm đến mẹ chồng, quan tâm đến gia đình chồng, đôi khi chỉ bằng tình cảm bằng thái độ thôi đã khiến cho người đàn ông đủ thấy mình sung sướng đủ đầy.