Đắng cay phận "cau điếc"
Người dân thôn Phú Nhơn (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) ai cũng phải nể phục người phụ nữ trên 60 tuổi này. Đó là bà Nguyễn Thị Hoà, người phụ nữ với lòng bao dung, độ lượng, đã hi sinh tình yêu của mình, cưới vợ khác cho chồng.
Chẳng những chấp nhận cảnh chồng ngoại tình, bà Hoà còn bị dồn vào cảnh đi cưới vợ cho chồng để rồi cuối cùng, chính bà lại bị hắt hủi ra khỏi ngôi nhà mà mình dày công vun đắp.
|
Bà Hoà chia sẻ câu chuyện cùng phóng viên |
Theo chia sẻ của người phụ nữ đáng thương này, năm 20 tuổi, bà kết hôn với người đàn ông mà mình hết mực yêu thương. Cuộc sống vợ chồng thuở ban đầu tuy vất vả nhưng luôn hạnh phúc.
Bà là người phụ nữ biết yêu thương và hi sinh cho gia đình. Để vun vén, chăm lo cho tổ ấm của mình, không có việc gì là bà Hòa không làm, dù khó khăn đến mấy.
Gia đình nhà chồng và bà con lối xóm thấy vậy, ai cũng mến thương nàng dâu chịu thương chịu khó. Nhưng rồi, chỉ vì hiếm muộn, vô sinh mà bà bắt đầu phải đối mặt với những lời cay nghiệt.
Chung sống với chồng một thời gian dài mà chưa có con, bà Hòa bắt đầu bị gia đình chê trách là không biết đẻ, bị hàng xóm dị nghị và mang trong lòng nhiều nỗi khổ tâm.
|
Người con gái bà Hoà nuôi 30 năm qua vẫn như một đứa trẻ |
"Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ ngày đêm mong có cháu bế. Càng mong lại càng chẳng thấy, ngày nào cũng có người lời ra tiếng vào bảo tôi là quả cau điếc không biết đẻ.
Gạt nước mắt, hỏi vợ cho chồng
Rồi chúng tôi bàn bạc xin một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà rồi sẽ sinh con chung. Tuy nhiên, 3 năm sau, vợ chồng tôi mới biết đứa bé bị nhiễm chất độc màu da cam (bị tật nguyền), thường hay ốm đau. Kể từ lúc đó, cuộc sống gia đình ngày vàng trở nên khó khăn và nặng nề hơn", bà Hòa ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng từ đó, chồng bà thay lòng đổi dạ, lén lút với một người phụ nữ trong thôn. Khi phát hiện bị phản bội, bà Hòa rơi vào nỗi đau khổ, tuyệt vọng không gì có thể diễn tả nổi. Nhưng rồi, bà nghĩ lại bản thân, cũng bởi mình vô sinh, không mang hạnh phúc cho chồng nên chẳng có tư cách gì để trách móc.
Bà Hoà đau xót kể lại: "Chồng tôi quen người phụ nữ trong thôn. Lúc cô ta có thai, chồng về nhà nằng nặc đòi tôi mua sính lễ đi hỏi vợ lẽ cho ông ấy. Tôi nghe mà đau nhói trong lòng nhưng cuối cùng cũng đành nuốt nước mắt, đi hỏi vợ cho chồng".
Bà Hòa gạt nước mắt, mang trà rượu dến nhà người phụ nữ đang mang giọt máu của chồng xin ăn hỏi rồi đứng ra tổ chức lễ cưới để chồng và người phụ nữ ấy chính thức được đến với nhau danh chính ngôn thuận trong chính ngôi nhà của mình.
"Vợ cả" cơm bưng nước rót, chăm con cho "vợ bé"
Thời gian cứ thế trôi qua, bà Hòa ngậm ngùi chăm sóc người vợ trẻ của chồng cho đến khi mẹ tròn con vuông. Nhưng cảnh chung chạ trong cuộc tình tay ba sớm muộn cũng nảy sinh mâu thuẫn. Cuối cùng, bà Hòa đành bế cô con gái nuôi tật nguyền rời khỏi ngôi nhà bao năm gắn bó, nhường lại tổ ấm cho chồng và người đàn bà kia. Từ đó, 2 mẹ con bà sớm tối lủi thủi, nương tựa vào nhau.
Ngày ngày, bà mải miết với công việc đan nón để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống đạm bạc. Mỗi ngày, bà chỉ kiếm được vài chục nghìn nên mẹ con bữa no, bữa đói.
"Tôi càng lớn tuổi càng mang thêm nhiều căng bệnh. Dù Bình (tên con gái nuôi của bà) đã được 30 tuổi nhưng chẳng giúp được gì cho mẹ, lúc nào cũng khù khờ, ngu ngơ không bằng một đứa trẻ. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi chính là đứa con gái nhỏ tật nguyền này. Chính con đã cho tôi niềm tin và nghị lực để tiếp tục cố gắng trong cuộc sống này", bà Hòa nhìn con với ánh mắt đầy yêu thương.
Tết đến nơi rồi nhưng bà vẫn chưa có tiền sắm cho con bộ quần áo mới, bỗng thấy chạnh lòng khi nghĩ đến hạnh phúc xưa.