Sau 5 năm chung sống, cách đây mấy hôm vợ chồng tôi tới tòa án để giải quyết ly hôn lần 1. Khi ấy, cũng có một cặp đôi tới tòa để giải quyết tranh chấp sau ly hôn. Theo như tôi nghe được, cặp vợ chồng này có với nhau hai đứa con, khi ly hôn người vợ nhận nuôi hai cả đứa. Nhưng sau 3 năm đường ai nấy đi, chị ta lại đệ đơn hủy bỏ quyền nuôi con, muốn đưa cả hai anh em về lại cho bố nuôi.
Nghe tới đây, tôi chớm nghĩ chắc người phụ nữ này muốn đi bước nữa nên bỏ con đây mà. Nhưng đến khi chị ta mở miệng trình bày lý do, những người có mặt ở đấy đều sửng sốt, không ai nói thêm được câu nào nữa.
- Từ khi còn chung sống với nhau, tôi ốm nằm liệt giường thì anh còn biết ý một chút, nhưng chỉ cần tôi đi lại được thì cả nhà đều coi như tôi hoàn toàn khỏe mạnh, mọi việc đều đùn đẩy tôi làm. Các con đều là con trai, nhiều cái tôi không tiện dạy dỗ nhưng anh cũng chẳng thèm quan tâm, đếm xỉa đến chúng, ăn xong là gác chân lên ghế ngồi bấm điện thoại, xem phim.
Ấy vậy mà lúc các con đạt được chút thành tựu, anh lại mang khoe lên khoe xuống con anh được như thế này. Nhưng lúc con cái mắc lỗi, anh lại đổ “con hư tại mẹ”, do tôi dạy không tốt.
Người phụ nữ nói muốn để chồng cũ nuôi hai con mà ai nấy sửng sốt. (Ảnh minh họa)
Sau khi ly hôn người chồng cũ vẫn chứng nào tật nấy, không có trách nhiệm của một người bố. Trong suốt 3 năm qua, anh ta chỉ gửi tiền chu cấp nuôi con được 4 tháng, còn đâu mình chị gánh hết. Có khoảng thời gian kinh tế khó khăn, dịch bệnh, biết chồng cũ không có chỗ ăn chỗ ở, chị ấy cũng để anh ở nhờ trong nhà với điều kiện anh phải trông con cho chị đi làm.
Nhưng anh ở nhà còn lười hơn cả mấy thằng con trai nhỏ của chị, việc nhà không đỡ đần được chút nào, tiền nuôi con cũng không đóng góp. Tự nhiên lại rước bực vào người, chị cáu tiết lên với chồng cũ thì anh vác luôn balo rời đi không một lời từ biệt.
Sau đó, anh đi làm ăn xa, sinh nhật hay lễ Tết cũng chẳng hỏi han con lấy một lời. Tới đầu năm nay, anh chuyển về Hà Nội làm việc thì mới bắt đầu nhắn tin cho con lớn, nói nhớ và muốn thăm hỏi con. Chị đồng ý chứ không ngăn cấm, vì dù gì anh cũng là bố của mấy đứa nhỏ, nhưng “cái việc” làm bố của anh vẫn không hề được cải thiện mà ngày càng tệ hơn. Con cái nhìn gương bố nên cũng vô tâm, ỷ lại như anh.
- Anh giống như một bố partime làm thời vụ, thích thì làm bố, không thích thì trốn việc xin nghỉ. Tôi muốn bây giờ anh phải làm fulltime để anh hiểu và có trách nhiệm với con cái, cũng như nhìn nhận lại bản thân anh.
Nghe những lời người vợ nói mà tôi chột dạ vì thấy mình trong đấy. (Ảnh minh họa)
Nhìn người phụ nữ uất nghẹn bật khóc ngay tại tòa, tôi lại thấy chột dạ. Chị nói chồng cũ của chị, nhưng tôi lại thấy hình bóng của mình trong đấy. Tôi chợt nhận ra trong 5 năm chung sống, tôi đã vô tâm với vợ con đến mức nào.
Vì công việc bận rộn nên tôi thường xuyên đi sớm về khuya, lúc về nhà đã có cơm canh nóng hổi chờ sẵn nhưng ăn xong tôi lại vứt bát đấy cho vợ dọn dẹp, còn tôi ra ngồi xem tivi. Vì thương tôi đi làm vất vả nên vợ chẳng mấy khi đòi hỏi, yêu cầu tôi phải làm việc nhà cả.
Có lẽ do được vợ chiều chuộng quen rồi nên đến khi cô ấy sinh con, tôi vẫn theo nếp cũ, ỷ lại vợ. Tôi cậy mình làm ra nhiều tiền hơn nên tự cho mình cái quyền quyết định mọi việc, cho rằng việc nhà chăm con là việc của phụ nữ, rồi nội ngoại hai bên cũng là một mình vợ lo liệu. Tôi vô lo vô nghĩ mà quên mất rằng một ngôi nhà cần hai người vun đắp mới hạnh phúc, quên mất rằng nếu không có vợ thì tôi cũng chẳng có áo quần là lượt, yên tâm làm việc để có được như ngày hôm nay.
Thấy mình đã tồi tệ thế nào, tôi vội vàng quỳ xuống cầu xin vợ rút lại đơn ly hôn, hứa sẽ thay đổi để làm một người chồng, một người bố tốt. Vợ xin thêm thời gian suy nghĩ nhưng 3 hôm rồi cô ấy vẫn chưa trả lời tôi. Liệu tôi có cơ hội để sửa sai không, tôi nên làm gì để cô ấy hồi tâm chuyển ý đây?