Hai vợ chồng không chung chí hướng, không chung tiếng nói, thậm chí người chồng có tư tưởng gia trưởng thì mối quan hệ đó thật khó để bền lâu. Ai chẳng muốn gia đình hạnh phúc nhưng sự hạnh phúc không thể được bồi đắp từ chỉ một phía.
Một cô vợ đăng tải bài viết chia sẻ câu chuyện chồng và mình không có tiếng nói chung, chồng ỷ lại, coi vợ như một người giúp việc trong nhà. Để rồi cuộc hôn nhân đó xuất hiện các vết rạn, thậm chí chẳng còn được bền chặt như xưa:
“Bình thường 5 rưỡi tôi tan làm, về đến nhà khoảng 6 giờ rưỡi. Chồng tôi làm gần nhà, lúc nào 5 rưỡi cũng đã về rồi. Sau khi về đến nhà, tôi tất bật nấu cơm, trong thời gian đó chồng đi tập thể dục.
Có những hôm chồng nghỉ dịch cách ly ở nhà nghỉ, vợ đi làm về cũng chưa nấu cơm. Tôi vốn cũng cam chịu nên thôi cho qua, lại tự mình làm hết. Tôi thừa biết rằng mình nói được một lần thì anh ấy cũng trả treo lại được như thế, không hề nhường nhịn hay có ý giúp đỡ vợ gì cả.
Chồng tôi không phải lười nhác, vì ở nhà mẹ chồng thì chồng tôi chẳng ngại việc gì. Tuy nhiên chồng tôi mặc nhiên việc cơm nước, nhà cửa là của vợ, anh ấy không nhúng tay.
Thậm chí anh ấy có ở nhà cả tuần đi chăng nữa nhưng cũng không giúp đỡ vợ chút việc gì. Tôi đi làm, Chủ nhật mới được nghỉ. Đó là ngày mà toàn bộ việc nhà dồn lại tôi phải làm hết. Nhỏ nhặt như chuyện gấp quần áo khô, chồng tôi cũng không làm cơ mà.
Tự dưng tôi thấy tôi chả khác giúp việc vì cái gì cũng đến tay mình. Chuyện nhà chồng nghiễm nhiên không giúp. Anh đi làm lương cố định, tối về ăn xong thì nghịch điện thoại, chơi game, đọc truyện nhưng bảo giúp vợ là không.
Tôi nhờ vả thì anh cãi cọ, giọng điệu khó chịu vô cùng. Có lần hai vợ chồng cãi nhau vì anh ấy muốn cuối tuần tôi phải dậy sớm nấu đồ ăn sáng. Đến khổ, tôi làm quần quật cả tuần, mỗi cuối tuần muốn nghỉ ngơi, dậy muộn một chút nhưng anh ấy đâu hiểu. Nói mãi thì thành cãi nhau. Vợ chồng tôi đâu phải không đủ điều kiện ăn sáng bên ngoài mà phải khổ sở như thế.
Tôi và gia đình chồng cũng không hợp nhau. Mẹ chồng tôi vốn ở nhà nội trợ và chăm con, cái gì cũng bênh con trai. Bởi đơn giản cứ đến nhà mẹ là anh ấy chăm chỉ.
Bà bảo rằng tôi lấy được anh là hạnh phúc rồi, chăm chỉ, cái nhà có anh là gọn gàng sạch sẽ. Cơm nước là việc của đàn bà, lấy vợ về chỉ phục vụ cơm nước chứ làm gì to tát đâu Tôi có cảm tưởng chồng lẫn mẹ chồng đều muốn chèn ép, bắt nạt mình chỉ vì tính tôi nhẹ nhàng, hay cam chịu.
Tuần trước, tôi ốm, ốm nhưng vẫn lê thân xuống nấu nướng phục vụ chồng mình. Ăn chưa xong bát cơm, tôi chóng mặt phải đi vào phòng nằm nghỉ. Cả mấy tiếng sau, tôi mới đi ra ngoài, định xuống bếp xem có gì ăn tạm. Thế nhưng trên bàn ăn, mâm cơm dở vẫn chỏng chơ, nguội ngắt. Đồ ăn hết sạch, chẳng còn mấy miếng.
Tôi vừa đi vào, chồng đang ngồi chơi game đã bảo luôn: ‘Dậy rồi à, em dọn mâm đi, tí có bạn anh đến chơi thấy bát đũa lộn xộn lại chê nhà bừa bộn’.
Đến mức này, cơn tức của tôi đột ngột dâng lên rồi bóp nghẹt lồng ngực. Tại sao người đàn ông này có thể vô tâm đến mức ấy. Vợ ốm, anh ta ăn xong không biết đường dọn lại còn như thế.
Tôi bực mình nói luôn:
‘Bây giờ anh viết đơn em kí hay em viết đơn em kí? Em không chịu nổi cuộc sống như thế này nữa. Ly hôn đi, em ốm anh có biết nhưng anh đâu để ý. Việc nhà vẫn mặc định vợ làm vậy vợ anh không đi làm bên ngoài, kiếm tiền về nhà hay sao. Anh ích kỷ như thế không cảm thấy tội lỗi à? Bây giờ em quyết rồi, em sẽ viết đơn ly hôn. Anh chờ đó rồi ký. Ngay chiều nay, em sẽ dọn đồ rời khỏi ngôi nhà này luôn’.
Nghe tôi nói chồng sững người, trợn trừng mắt nhìn tôi chằm chằm vài giây. Có lẽ anh không ngờ cô vợ vốn cam chịu lại sẵn sàng ra đi như thế. Đến lượt chồng là người chạy vạy, hoảng hốt hỏi han tôi. Tôi mệt mỏi ngồi phịch xuống ghế, anh ta tiếp tục xin lỗi và nhanh chóng đi dọn bàn.
Có phải đến giờ phút sắp mất đi hôn nhân đàn ông mới biết hối lỗi không nhỉ? Mấy ngày hôm nay tôi đang ở nhà bố mẹ đẻ, chồng tôi đều đặn qua xin lỗi nhưng tôi chán nản thật sự rồi”.
Một khi sự thất vọng lên đến cùng cực, phụ nữ chẳng ngại gì chuyện ly hôn. Đàn ông đừng mặc định rằng chuyện nấu nướng, việc nhà đều là việc của phụ nữ. Thời đại bây giờ, vai trò của vợ chồng trong nhà như nhau, để giữ gìn hạnh phúc, họ nên biết cách giúp đỡ vợ nhiều hơn, nâng cao vai trò của mình trong gia đình chứ chẳng phải chỉ biết chờ đợi.