Kết hôn được 6 năm là 6 năm Lan sống trong cảm xúc vừa muốn níu giữ hôn nhân vừa muốn buông bỏ. "Chồng người thì bẩn, chồng mình thì quá sạch đến độ mình bị áp lực", Lan chia sẻ.
Lấy chồng làm trong quân đội, chỉ cuối tuần mới về gặp nhau nhưng lần nào về nhà là những tháng ngày hai vợ chồng giận dỗi nhau mà nguyên nhân chỉ vì chồng cô quá sạch. Nhìn nhà cửa vương một chút tóc, Phong chau mày khó chịu. Căn phòng thiếu mùi thơm cũng khiến Phong mất cảm hứng với vợ. Cứ thế hai vợ chồng xa nhau dần. Ban đầu Phong bóng gió vợ vợ, sau anh cau mày và cuối cùng là nói thẳng với vợ khiến Lan cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy chồng ích kỷ chỉ yêu bản thân mình.
Khi đứa con ra đời, việc chồng quá sạch sẽ càng khiến Lan cảm thấy bí bách hơn. "Anh nhìn cái gì cũng không vừa lòng. Căn nhà cấp 4 với trên 30 năm sử dụng, đồ đạc trong nhà là của bố mẹ tôi sắm sửa đã lâu nên mối mọt, tồi tàn nhiều. Vì vậy muốn sạch sẽ như lau như ly cũng khó. Anh luôn bảo về là thấy khó chịu, bức bối vì bừa bộn, bẩn thỉu, phải lao vào dọn dẹp nên cáu gắt là đương nhiên. Tôi không cần điều đó, cả tuần anh không ở nhà, về thì hãy vui vẻ chơi với các con, nhà có trẻ con chứ không phải phòng nhỏ có mình anh, nên không thể lúc nào cũng gọn gàng được. Nhưng anh luôn nghĩ mình đúng, phàn nàn, chê trách vợ con. Mà quan điểm về gọn gàng của chúng tôi khác nhau. Anh sạch sẽ một cách thái quá, như tờ giấy trắng mà có một chấm nhỏ là vứt đi. Tôi dọn dẹp kiểu gì cũng bị bắt lỗi", Lan chia sẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Vấn đề Lan đang gặp phải cũng là câu chuyện mà gia đình Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) đang trải qua. Hương cũng có một người chồng quá sạch sẽ và kỹ tính. "Từ chuyện rửa rau, rửa bát, rồi quần áo cũng vậy. Chuyện giặt giũ anh không bao giờ cho phép tôi giặt tay, bởi anh nói giặt tay không rũ sạch hết được xà phòng. Dù chỉ có hai bộ quần áo nhưng anh vẫn bắt bằng được vợ phải cho vào máy giặt. Hay chuyện rửa bát, anh thường rửa hai lần nước xà phòng, sau đó thì tráng lại qua ba nước. Lúc đầu khi sống cùng nhau tôi vô cùng ức chế, nhưng không nói gì bởi biết tính anh như vậy rồi". Và đó là khởi đầu của những mâu thuẫn về sau.
"Khi tôi sinh đứa thứ hai được vài tháng, tôi phải nhờ bà ngoại xuống trông con. Lần trước tôi sinh, có bà nội trông con hộ nên bà ngoại chỉ ở lại 1-2 ngày rồi về nên không có vấn đề gì. Lần này bà nội vướng trông cháu của con gái ruột nên bà ngoại phải xuống.
Trước khi bà ngoại xuống, tôi đã dặn anh rằng mẹ quen nếp sống ở quê rồi nên anh đừng đòi hỏi quá và cũng đừng quá kỹ tính làm mẹ buồn hay phải suy nghĩ. Anh cũng ậm ừ và đồng ý với đề nghị của tôi. Nhưng được đúng một tuần thì mẹ tôi không chịu được tính sạch sẽ quá mức của anh nên bà bỏ về quê. Tôi có nói thế nào mẹ tôi cũng không chịu ở lại.
Khi mẹ về rồi, tôi có nói với chồng về tính sạch sẽ đến mức sạch bệnh như của anh, anh lập tức gắt với tôi: “Thế anh làm thế không đúng à? Ở bẩn thỉu mãi thành quen nên tôi làm thế khó chịu à? Phải ở cho gọn gàng, sạch sẽ , sau này con cái nó mới có nề nếp chứ". Tôi có nói thế nào anh cũng không hiểu rằng sạch sẽ nhưng cũng có mức độ chứ không phải đến mức khó tính, mà nói đúng hơn là quái tính như của anh. Tôi và anh cãi nhau một trận kịch liệt vì tính sạch sẽ quá đáng của anh". Hương bức xúc chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, trước khi kết hôn các cặp đôi cần phải thảo luận và đưa ra những nguyên tắc của cuộc sống chung. Ví dụ: công việc gia đình ai làm; chăm sóc giáo dục con là trách nhiệm của cả cha và mẹ; chi tiêu trong gia đình là cả hai cùng đóng góp. Khi những điều này không được thảo luận và thống nhất, vợ và chồng ứng xử theo thói quen sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Sự sạch sẽ thuộc về tính cách mỗi người. Nhưng bằng tình yêu, các cặp đôi hoàn toàn có thể đối thoại cùng nhau vấn đề này. Nếu muốn giữ gia đình, cả hai cần thay đổi. Và sự cảm thông, cùng nhìn vào một hướng sẽ giúp cả hai "dễ thở" hơn trong cuộc sống chung.