Mặc dù cuộc sống khá vất vả khi vợ qua đời, nhưng vì con gái, bất cứ điều gì tôi cũng có thể làm.
Hơn 4 năm trước, vợ tôi qua đời vì một tai nạn giao thông khi con gái vừa tròn 3 tháng tuổi. Vì thế để nỗi đau mất vợ của mình vào sâu trái tim, tôi tự hứa với lòng sẽ chăm sóc cho con gái thật tốt. Lúc đó con còn quá bé, chưa hiểu nỗi mất mát người thân là thế nào.
Khi vợ tôi mới mất, mỗi tối là 1 cuộc chiến của tôi với con khi con cứ quấy khóc liên tục vì thiếu hơi ấm của mẹ ấp ủ. Thời gian đó, mẹ tôi phải bỏ hết mọi việc ở quê ra chăm sóc con giúp tôi. Dù rất đau đớn vì sự ra đi đột ngột của vợ, dù rất mệt mỏi khi kiêm hết việc nhà và việc làm mẹ của con nhưng tôi vẫn phải vực mình dậy để lo cho con nhiều hơn.
|
Dù vợ mất, nhưng tôi vẫn cố tự mình chăm sóc con tốt nhất có thể. (Ảnh minh họa). |
Đến khi con được 9 tháng tuổi, con có thể gửi được mầm non thì mẹ tôi phải về quê. Hàng ngày tôi gửi con cho một nhà trẻ gần công ty, chiều lại bế con về. Mẹ khuyên tôi thuê cô trông trẻ tại nhà, nhưng tôi từ chối. Vợ tôi vừa mất, tôi không muốn có bóng dáng của bất kỳ một người phụ nữ nào bước vào căn nhà của vợ chồng tôi. Huống chi, tôi nghĩ mình có thể chăm sóc con được. Bên cạnh đó, mỗi tuần tôi cũng cố ghi lại rất nhiều khoảnh khắc của con vào một cuốn album nhật ký mà tôi viết cho vợ.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi, đến khi con tôi biết đi và học nói, tôi bỗng giật mình nhận ra, con toàn bắt chước tôi từng dáng đi đến hành động nam tính, mạnh mẽ. Con thường nhảy xổ vào chỗ tôi làm việc để bấm chuột, đập phá bàn phím hoặc xé tung những con thú nhồi bông nhỏ. Con thường thể hiện bất mãn bằng cách hét to, hét đến mức khàn cổ.
Con cũng không thích mặc váy, thường giằng xé nơ và hoa đính trên thân váy (những đồ này đều là vợ và mẹ tôi sắm từ lâu. Hơn 1 năm sau ngày vợ mất, tôi chưa từng phải mua quần áo cho con). Nhưng câu đầu tiên con nói không phải là "bà" hay "ba", mà là "mẹ". Điều này khiến tôi rất xúc động và ngạc nhiên. Bởi trong nhà tôi, lâu lắm rồi không nghe thấy tiếng mẹ. Trừ khi thỉnh thoảng tôi gọi điện nói chuyện với mẹ đẻ hoặc mẹ vợ.
Tôi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, cuối cùng quyết định sẽ đóng vai một người mẹ để dạy con dịu dàng và “nữ tính”. Tôi tìm kiếm và học hỏi rất nhiều điều từ trên mạng. Tôi mua sách kỹ năng dạy con và đọc gần như thuộc lòng. Cuối cùng, tôi lục lại tủ đồ của vợ để tìm váy bầu và đặt mua một bộ tóc giả trên mạng.
Hàng ngày, mỗi khi ở bên con, tôi đều cạo râu, thậm chí tô chút son môi để trông giống phụ nữ nhất có thể. Mới đầu nhìn thấy tôi, con gái khóc thét lên vì tưởng người lạ. Tôi phải vừa ôm vừa nói “Mẹ đây, mẹ đây, con ngoan nào, mẹ đây mà” để dỗ dành con. Một tuần sau, con mới chịu chấp nhận “người mẹ” này đột nhiên xuất hiện buổi tối và biến mất vào buổi sáng khi ra khỏi nhà.
Do buổi sáng tôi phải đi làm, vì thế, trước khi ra cửa, tôi lại phải lén đi thay đồ nam. Bế con gửi nhà trẻ, buổi chiều trở về, tôi lại lén con đi thay đồ nữ. Sau đó nấu cơm, tắm cho con, cho con ăn, chơi với con rồi ru con ngủ. Tôi cố gắng nói nhẹ nhàng, cử chỉ thật dịu dàng để con học theo.
|
Để dạy con trở nên dịu dàng, tôi buộc lòng phải giả gái trở thành người mẹ của con. (Ảnh minh họa). |
Trong khi ban ngày, tôi phải thể hiện thật mạnh mẽ để con phân biệt được sự khác nhau của bố và mẹ. Tôi kiên nhẫn mặc váy hoa để con không còn ghét những bộ váy nữa. Tôi mua rất nhiều búp bê, thỏ bông, chó bông về và thường dạy con ôm chúng, chơi với chúng.
Tôi vứt hết mọi sở thích sưu tầm các loại bóng chày, bóng ném, máy chơi game… trước kia, thay vào đó là trang hoàng nhà như vương quốc của một công chúa. Tôi thay thế chiếc tủ đựng toàn rượu bằng búp bê đáng yêu. Tôi bỏ sở thích xem bóng đá rồi dành thời gian kiên nhẫn ngồi xem hoạt hình với con. Tôi muốn cưng chiều con, muốn con không cảm thấy thiếu vắng mẹ hay bố.
Những ngày con bị ốm, tôi thất thểu trông con trong viện. Tôi rơi nước mắt khi con khóc gọi mẹ mà chỉ được gặp bố. Bà ngoại dỗ con cũng không nghe. Vì thế, tôi phải mang theo váy và tóc giả vào viện, chờ đến đêm khi những người khác ngủ thì mặc vào để dỗ con. Trong cơn sốt, con luôn ôm chặt tôi.
Ngày qua ngày, con gái hơn 3 tuổi, đã bắt đầu hỏi tôi nhiều thứ. Và có rất nhiều câu hỏi ngây ngô của con sau khi tôi đọc truyện cho con nghe, nhưng tôi không biết phải trả lời con thế nào. Tôi sợ khi tôi trả lời sẽ có những vấn đề chạm phải nỗi đau mà tôi và con tôi đang phải chịu. Từ đấy, tôi không đọc truyện cho con nữa, thay vào đó là kể những câu chuyện về bố và mẹ cho con nghe.
Con gái tôi thường hỏi: “Sao mẹ không có nhà vào buổi sáng” hay “Bố đi đâu vào buổi tối thế ạ, bố không ngủ hả mẹ?”. Tôi nói dối con rằng ban ngày mẹ phải đi làm, còn buổi tối thì bố đi trực. Vì thế mà bố mẹ không thể cùng lúc ở bên con được. Tôi hỏi con có buồn không? Con ngân ngấn nước mắt chực rơi nhưng vẫn lắc đầu nói không buồn.
Có lần con hỏi tôi: “Mẹ ơi, sao mẹ các bạn không có lông chân mà chân mẹ lại có”. Tôi không biết trả lời sao, đành mua tất về mặc dù ngày hè nóng nực. Tôi đành an ủi mình trang điểm giả gái thì phải giả cho đúng. Hay có lần ngủ quên, sáng ra chưa kịp trang hoàng lại thì con gái đã dậy trước, chỉ vào mớ tóc giả bên cạnh. Con nói “Mẹ rơi mất tóc rồi kìa!”. Sau đó còn rất lịch sự đưa lại cho tôi khiến tôi dở khóc dở cười.