Ngày 14/7, Tizi, vlogger nổi tiếng có hơn 7 triệu người theo dõi, nhận chỉ trích mạnh mẽ khi làm clip ăn thịt cá mập trắng - loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng được bảo vệ nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Hôm 31/7, cảnh sát ở Nam Sung (tỉnh Tứ Xuyên) xác nhận với phóng viên Southern Metropolis Daily rằng con vật trong clip của Tizi đúng là cá mập trắng, những người liên quan đang bị điều tra để xử lý.
|
Tizi nướng và ăn đuôi cá mập trắng trên clip của mình.
|
Đối diện án tù
Trước đó, nữ vlogger phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng cô mua con cá mập nặng 50 kg theo cách hoàn toàn hợp pháp.
Cô khẳng định loại cá mình ăn trong video là cá mập răng nhọn, không nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
|
Nữ vlogger có nguy cơ bị phạt tù vì ăn thịt động vật có nguy cơ tuyệt chủng, được bảo vệ cấp quốc gia.
|
Zhou Zhuocheng, Chủ tịch Ủy ban chuyên môn về sinh thái nước và sinh vật thủy sinh bản địa của Hiệp hội Thủy sản Trung Quốc cho biết, con cá mập trong video của Tizi thực sự là một con cá mập ăn thịt người, còn được gọi là cá mập trắng lớn, thuộc lớp động vật được bảo vệ ở cấp quốc gia.
Ông cho biết thêm theo quy định của pháp luật, nếu đánh bắt được loại cá này phải lập tức thả lại xuống biển, bất chấp nó còn sống hay đã chết. Nếu đem lên bờ mua bán là vi phạm pháp luật. Trên thế giới cũng không có hoạt động nhân giống loại cá này nên nó là động vật bắt từ tự nhiên.
Hôm 1/8, đại diện Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Nam Đồng, tỉnh Tứ Xuyên cho biết liên quan đến vụ hot vlogger ăn thịt cá mập trắng, đơn vị này đang liên hệ với bộ phận giám định tư pháp để xác minh, vụ việc đang được xử lý.
Luật sư Chen Lei từ Công ty luật Zhejiang Jindao cho biết hành vi của người mua và bán đều có khả năng đạt đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư cũng cho rằng hành vi mua cá mập làm thực phẩm đã đáp ứng yếu tố cấu thành nên tội gây nguy hiểm cho động vật hoang dã quý hiếm. Trong trường hợp này, cá mập trắng lớn được bảo vệ cấp 2 trong "Danh mục động vật hoang dã được bảo vệ trọng điểm quốc gia".
"Tuy nhiên, đến hiện tại chỉ có thể nói là tình nghi phạm tội. Nếu Tizi không biết đó là cá mập trắng lớn, do người mua khai man rằng nó là cá mập răng nhọn thì hành vi của cô có thể không bị quy là phạm tội", Chen nói.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 341 Luật Hình sự Trung Quốc, người nào mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm được nhà nước bảo vệ đặc biệt và các sản phẩm của chúng sẽ cấu thành tội gây nguy hiểm cho động vật hoang dã quý hiếm, sẽ bị kết án tù có thời hạn không quá 5 năm hoặc bị tạm giữ hình sự và phạt tiền. Nếu trường hợp nghiêm trọng, có thể bị phạt tù trên 5 năm nhưng không quá 10 năm và phạt tiền.
Như vậy, là người mua và ăn, Tizi có thể đối diện án tù lên đến 5 năm. Luật sư Chen cho biết vụ việc còn cần chờ kết quả các cuộc điều tra chính thức.
Trào lưu ăn mukbang kỳ dị
Hiện tại, mọi video trên tài khoản của Tizi ở hai nền tảng Douyin và Kuaishou đều đã biến mất.
Trước đó, cô gái đến từ tỉnh Tứ Xuyên, nơi nổi tiếng với đồ cay, thu hút lượng lớn người xem nhờ vẻ ngoài ngọt ngào nhưng luôn lựa chọn các món ăn táo bạo như cá sấu và đà điểu.
Sau vụ việc lần này, dân mạng Trung Quốc bắt đầu tranh luận sôi nổi hơn về trào lưu "mukbang kỳ dị" của Tizi nói riêng và các vlogger nổi tiếng khác nói chung.
|
Trào lưu ăn uống kỳ dị bị cho là lãng phí, vô nghĩa.
|
Sau khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu cấm các trào lưu "ăn thùng uống vại", những người phát sóng trực tiếp cố gắng tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, để hút người xem, nhiều vlogger thường chọn phong cách ăn uống kỳ dị, độc lạ, thậm chí cực đoan.
Một số người chọn ăn các thực phẩm độc lạ, hoặc có cách chế biến khoa trương như nấu trong nồi lớn, quay cảnh dầu sôi sục, ăn siêu cay... Nhiều người nhận định phong cách này thiên về diễn xuất hơn là ăn uống thực sự.
Tháng 5/2021, vlogger có tài khoản "A Zhuangguo" đã bị cảnh sát Quỳnh Hải (tỉnh Hải Nam) bắt giữ cùng hai người khác vì tội gây nguy hiểm cho các loại động vật hoang dã quý hiếm. Trong clip đăng lên mạng trước đó, nam vlogger này đã quay cảnh chế biến và ăn loại ốc quý hiếm.
Nhiều dân mạng Trung Quốc cho rằng trào lưu ăn uống kỳ dị thực tế vừa lãng phí, vừa không mang lại ý nghĩa gì. Nhiều loại thực phẩm được các vlogger đưa lên video của mình không phải thực phẩm phổ biến.
Thông qua clip, họ thể hiện món nào cũng ăn rất ngon và đặc sắc, song thực tế có nhiều loại rất khó ăn, không có giá trị dinh dưỡng. Với lượng người theo dõi "khủng", các vlogger đang vô tình truyền bá kiến thức sai lệch và có thể khiến một số fan cuồng làm theo.
"Những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, bởi vậy trách nhiệm đi kèm cũng không nhỏ. Nếu họ làm nội dung hay thì rất đáng hoan nghênh, nhưng nếu họ truyền thông điệp lệch lạc, vô bổ thì tác hại cũng rất khó lường", một người dùng bình luận.