Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế mới đưa cảnh báo về virus Zika ăn não - được cho là nguyên nhân gây nên chứng não nhỏ ở một số trường hợp trẻ sơ sinh.
Thông tin được đưa ra sau khi Bộ Y tế Brazil thông báo nước này ghi nhận 2.782 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ. Trong đó, có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với virus Zika. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp với Bộ Y tế Brazil điều tra và đánh giá mối liên quan giữa virus này và chứng não nhỏ.
Không loại trừ khả năng vào Việt Nam
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh do virus Zika được phát hiện từ năm 1947, mới đây mới bùng phát lại.
Sở dĩ nói virus này có thể về Việt Nam bởi có hai nguyên nhân. Thứ nhất, bệnh do muỗi Aedes truyền virus Zika. Đây là loại muỗi gây nên sốt xuất huyết đang lưu hành tại nước ta hiện nay với con số mắc tới vài chục ngàn người, nên nguy cơ virus Zika xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Thứ hai, virus Zika hiện được ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh ở Thái Lan. Đây là nước láng giềng cộng thêm sự giao lưu du lịch, lao động nên có thể mang theo virus này trở về. Tuy nhiên, ông Phu cũng cho hay, virus Zika mới bước đầu được ghi nhận ở Thái Lan song chưa bùng phát mạnh mẽ.
|
Đau mắt do virus Zika. Ảnh minh họa. |
Do đó, Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với WHO theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.
Khó phân biệt với sốt xuất huyết
Ông Phu cho biết, bệnh do virus Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Những triệu chứng này cũng tương tự như sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Điều này gây nhầm lẫn cho nhiều người. Song, ông Phu cho hay chỉ có xét nghiệm mới biết chính xác đó là bệnh do virus Zika hay sốt xuất huyết thông thường.
Hiện nay, còn có một số bằng chứng có thể gợi ý virus lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Cơ bản vẫn là qua muỗi.
Phòng tránh bệnh do virus Zika
Diệt muỗi là biện pháp đang được khuyến cáo để phòng chống virus Zika về Việt Nam.
Về điều này, tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin thêm, muỗi Aedes rất nguy hiểm, chúng là loại gây ra dịch sốt xuất huyết. Ở miền Nam, dịch xảy ra quanh năm, còn ở miền Bắc, cao điểm vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 11.
Khi con muỗi được sinh ra sẽ mang virus đó trên mình. Chúng chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây. Muỗi trưởng thành thích đốt người, chó, mèo, gà.
Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy với chỉ 1 con muỗi nó có thể truyền bệnh cho nhiều người khi có một người mắc bệnh.
Những khi trời mưa hay nắng lên là thời điểm muỗi Aedes phát triển mạnh. Trứng của chúng có thể chịu được khô hạn tới hơn 1 năm và vẫn nở ra cung quăng khi gặp nước. Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết lẫn bệnh do virus Zika, vắc xin phòng bệnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.