Ngày 07- 08/01/2022, tại Hà Nội, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City tổ chức Hội nghị khoa học “Những tiến bộ của Phẫu thuật nội soi trong Điều trị ung thư thực quản tại Việt Nam” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Ung thư thực quản (UTTQ) tại Việt Nam. Thông qua những báo cáo nghiên cứu chuyên sâu và kỹ thuật tiên tiến nhất, hội nghị hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ, cải thiện chất lượng điều trị và cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực UTTQ. Hội nghị thu hút gần 500 bác sĩ, cán bộ y tế trong lĩnh vực này ở hầu hết các tỉnh thành tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Đây là hội nghị khoa học quy mô lớn, mang tính chuyên môn cao trong chuỗi các hoạt động chuyên môn kỷ niệm 10 năm thành lập Hệ thống Y tế Vinmec. Trong khuôn khổ Hội nghị, ngày 07/01/2022, các bác sĩ đã theo dõi trực tiếp hai ca phẫu thuật nội soi UTTQ điển hình thông qua truyền hình trực tiếp từ phòng mổ tiêu chuẩn quốc tế tại Bệnh viện Vinmec Times City, do PGS. TS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc TT Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City chủ trì. Qua hai ca mổ này, các chuyên gia sẽ trình diễn kỹ thuật nội soi cắt thực quản bằng bằng công nghệ phẫu thuật robot - công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay.
|
Các chuyên gia, bác sĩ của Vinmec trình diễn kỹ thuật nội soi cắt thực quản bằng bằng công nghệ phẫu thuật robot trong khuôn khổ Hội nghị |
PGS. TS. Phạm Đức Huấn cho biết: “Phẫu thuật robot đã được áp dụng và phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia lớn thế giới vì có khả năng khắc phục những khó khăn trong phẫu thuật nội soi như: cho hình ảnh camera 3D rõ nét thay vì hình ảnh 2D, cánh tay phẫu thuật linh hoạt giúp các thao tác phẫu thuật chính xác, góc nhìn rộng khắc phục khó khăn về tầm nhìn ở một số vị trí rất sâu trên cơ thể mà bác sĩ khó thực hiện”
|
PGS. TS. Phạm Đức Huấn trình bày nghiên cứu phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản bằng dạ dày trong UTTQ. |
Để đạt hiệu quả phẫu thuật tối ưu, Bệnh viện Vinmec Times City đã trang bị Robot Da Vinci (Mỹ) có cấu trúc tinh vi với 4 cánh tay mô phỏng gần như hoàn hảo các động tác bàn tay con người nhưng góc quay có thể gấp đôi, lên tới gần 540 độ quay. Nhờ các đặc tính ưu việt, robot phẫu thuật có thể xâm nhập những vị trí khó tiếp cận, “hóa giải” các hạn chế của phẫu thuật nội soi trước đây, đặc biệt đạt hiệu quả rất cao khi điều trị ung thư.
Trước đây, phẫu thuật UTTQ là mổ mở và là một trong các phẫu thuật tiêu hóa khó khăn nhất với thời gian mổ kéo dài và nhiều biến chứng nặng. Phẫu thuật nội soi được coi là cuộc cách mạng trong ngoại khoa và dần thay thế mổ mở trong điều trị UTTQ. Đây là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, chỉ với những vết rạch nhỏ 5-10mm nhưng có những ưu thế vượt trội cho người bệnh như: ít đau, nhanh hồi phục, thẩm mỹ và ít tai biến, biến chứng. Thông qua đường rạch nhỏ, các bác sĩ sẽ đưa ống nội soi được gắn camera vào, hình ảnh hiển thị trên màn hình, tạo được trường mổ rộng, đặc biệt là khi mổ các tạng nằm sâu trong lồng ngực, giúp cắt khối u và vét hạch triệt căn. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi cần có bác sĩ có chuyên môn cao, kỹ thuật mổ nội soi điêu luyện và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo độ chính xác, tính triệt căn và đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị.
Vào ngày 08/01/2022, các chuyên gia đầu ngành và các Tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa của các bệnh viện lớn sẽ trình bày các nghiên cứu khoa học về các phương pháp tiếp cận mới trong phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot điều trị ung thư thực quản. Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị phối hợp tiên tiến như hóa xạ trị tiền phẫu bằng công nghệ 4D, “cá thể hóa” cho người bệnh, phương pháp gây mê giảm đau mới (ESP) và phục hồi sớm sau mổ, ứng dụng nội soi hút áp lực âm điều trị rò miệng nối thực quản, v.v...
|
PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện TWQĐ 108 tại hội thảo |
PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện TWQĐ 108 nhấn mạnh: “Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn chuyên môn cho các chuyên gia và bác sĩ trong lĩnh vực điều trị UTTQ trên cả nước để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm vì sự phát triển chung của nền y tế Việt Nam với nhiều công trình nghiên cứu rất toàn diện về lĩnh vực, bao gồm cả các kỹ thuật bổ trợ cho phẫu thuật nội soi, hóa-xạ trị tiền phẫu và vấn đề phục hồi của bệnh nhân sau mổ. Các báo cáo khoa học của hội nghị cho thấy trình độ điều trị tại Việt Nam hiện nay ngày càng tiệm cận với các nước phát triển, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới.”
Với quy mô tổ chức và chất lượng báo cáo chuyên môn cao, Vinmec đã thành công trong việc tổ chức một chương trình hội nghị khoa học quy mô toàn quốc, góp phần vào hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị của y tế Việt Nam nói chung. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện cam kết của Vinmec trong thập kỷ tới – trở thành nhân tố thay đổi, kiểu mẫu về mô hình y tế hàn lâm xuất sắc thông qua đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, xây dựng các Trung tâm xuất sắc (COE – Center of Excellence) trên nhiều lĩnh vực trọng điểm như: Tiêu hóa, Ung bướu, Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình, … Đồng thời tích cực, chủ động ứng dụng các tiến bộ trong nghiên cứu vào điều trị lâm sàng, tạo ra giá trị lớn nhất cho người bệnh.
Ung thư thực quản (UTTQ) là loại ung thư thường gặp đứng thứ 5 trong các loại ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng và gan. UTTQ có tiên lượng xấu và điều trị rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự phối hợp đa mô thức là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất.
Cho đến nay, phẫu thuật nội soi điều trị UTTQ tại Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ và đạt được những thành công rất lớn góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.