Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 12/8, tổng số trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của địa phương là 13 trường hợp, tăng 2 trường hợp so với ngày hôm trước.
Sở Y tế TPHCM nhận định, tuy số trẻ phải nhập viện vì mắc Covid-19 hiện nay chưa ở mức báo động như trong giai đoạn dịch năm 2021 (khi địa phương chưa có vaccine), nhưng bắt đầu có dấu hiệu tăng và nhích dần lên mỗi ngày.
|
Trẻ em nhập viện vì Covid-19 đang tăng dần ở TPHCM (Ảnh: Sở Y tế). |
Điều đáng quan tâm là tất cả bệnh nhi đang nhập viện đều chưa được tiêm vaccine. Ngoài lý do trẻ còn nhỏ chưa có chỉ định tiêm, vẫn có trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi chưa được tiêm (chiếm hơn 1/5 số lượng trẻ nhập viện).
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao vẫn còn nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã tiến hành khảo sát nhanh các thông tin liên quan đến tiêm vaccine phòng Covid-19 của hơn 600 phụ huynh có con em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
|
Trẻ được kiểm tra sức khỏe tại một điểm tiêm vaccine Covid-19 ở quận Tân Phú (Ảnh: HCDC). |
Kết quả ghi nhận có 133/609 trẻ vẫn chưa được tiêm vaccine (chiếm 21,8%). Trong đó, 17 phụ huynh cho biết không nhận được bất kỳ tin nhắn nào của nhà trường kêu gọi phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm. 37 phụ huynh đã ký đồng thuận tiêm trước đó nhưng cũng chưa nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo ngày tiêm, điểm tiêm.
Đáng chú ý, có đến 84 phụ huynh cho biết chưa nhận được bất cứ khảo sát nào của nhà trường hỏi về tiền sử mắc và tiêm vaccine phòng Covid-19 của các cháu.
Từ ghi nhận trên, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chỉ đạo các đơn vị cấp dưới, Ban giám hiệu tất cả trường học tăng cường công tác truyền thông, nhất là gửi tin nhắn đến từng phụ huynh học sinh về lợi ích của tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh.
|
Sở Y tế TPHCM đề nghị các ngành chức năng tăng cường truyền thông về lợi ích của tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh (Ảnh: PA). |
Đồng thời, Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục và y tế địa phương tăng cường công tác truyền thông đến từng hộ gia đình trên địa bàn, tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, trên tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi, có bệnh nền,…), cán bộ, nhân viên, người lao động có nguy cơ tiếp xúc người mắc Covid-19 và trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn đại dịch bùng phát trên toàn cầu (từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2021), số trẻ em dưới 5 tuổi mắc Covid-19 chiếm 2% và tỷ lệ tử vong là 0,1% (797 trẻ). Số trẻ em từ 5 đến 14 tuổi mắc Covid-19 chiếm 7%, tử vong ở mức 0,1%. Trong khi đó ở độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi, tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 chiếm lần lượt 15% và 0,4%.
Tuy nhiên, số trường hợp mắc Covid-19 ở trẻ em đã tăng đột biến trong năm 2022 do biến chủng Omicron, nhất là vào thời điểm hầu hết các quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tại Mỹ vào tháng 7/2022, đã có hơn 14 triệu trẻ em mắc Covid-19 được báo cáo. Tỷ lệ mắc chung ở trẻ em là hơn 18.600 trường hợp trên 100.000 dân số trẻ em.
Ở phạm vi toàn cầu, đến ngày 24/7, số trẻ em mắc Covid-19 dưới 5 tuổi và từ 5-14 tuổi chiếm tỷ lệ lần lượt là 2,47% và hơn 10,4%. Ở độ tuổi thanh thiếu niên và thanh niên (15 đến 24 tuổi), tỷ lệ mắc chiếm 13,91%.
Cũng theo WHO, đã có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả khi cho trẻ em tiêm vaccine, trong đó tác dụng mong đợi nhất là làm giảm tỷ lệ nhập viện, không làm gián đoạn chuyện học hành, giảm nguy cơ chuyển nặng và giảm tử vong ở trẻ em.