Vì sao ngáp lại lây?

Google News

Chúng ta thường có phản ứng "bắt chước" khi nhìn thấy một người ngáp. Tại sao điều này lại xảy ra?

Vi sao ngap lai lay?

Bạn có thể ngáp khi nhìn thấy một hoặc nhiều người ngáp. Ảnh: Houstonmethodist.

Bạn đã bao giờ ngáp khi nhìn thấy người khác cũng làm điều này hay chưa? Nếu có, bạn không phải trường hợp duy nhất.

Nhiều người có thể ngáp ngắn và một số kéo dài trong vài giây trước khi thở ra bằng miệng. Chảy nước mắt, căng cơ thể hoặc thở dài có thể nghe được kèm theo ngáp.

Tiến sĩ Donald Ford, bác sĩ y học gia đình tại Cleveland Clinic, cho biết chúng ta thường ngáp khi cảm thấy buồn ngủ, buồn chán hoặc đôi khi không có lý do rõ ràng nào cả. Thậm chí, nhiều thế kỷ trước, người ta tin rằng bạn nên che miệng khi ngáp để ngăn linh hồn rời khỏi cơ thể.

Tại sao chúng ta lại ngáp?

Tiến sĩ Ford cho biết ngáp rất hữu ích trong việc mở ống eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng), giúp điều chỉnh áp suất không khí ở tai giữa.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ngáp có liên quan quá trình điều nhiệt của não, giúp não duy trì nhiệt độ bên trong lõi. Ngáp xảy ra trước khi nhiệt độ não tăng lên.

Họ đưa ra giả thuyết giống máy tính của bạn có cơ chế làm mát riêng để giữ cho nó không bị quá nóng. Tương tự, bộ não sử dụng hành động ngáp để điều chỉnh nhiệt độ của nó.

Theo hãng PBS của Mỹ, Douglas Parham, nhà khoa học về ngôn ngữ tại Đại học bang Wichita, cho biết một giả thuyết lập luận khi con người mệt mỏi, chúng ta ngừng hít thở sâu, điều này gây ra sự tích tụ khí carbon dioxide (CO2) trong cơ thể.

Ngáp có thể là một kiểu hô hấp đặc biệt. Nó tích tụ oxy nhanh chóng, đồng thời thải ra khí CO2, thậm chí còn hơn cả một hơi thở sâu.

James Giordano, nhà thần kinh học tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết lượng CO2 dư thừa và các thay đổi hóa học khác, chẳng hạn giảm oxy hoặc tăng hợp chất gọi là adenosine, cũng có thể đóng vai trò là “cánh cổng ngáp”.

Những hóa chất này gửi tín hiệu kích hoạt một cái ngáp. Giordano cho biết bằng cách ngáp, chúng ta nén các cơ trên mặt, đẩy máu giàu oxy lên não.

Lý do khác thúc đẩy cơn ngáp là cơ thể muốn tự đánh thức mình. Chuyển động giúp kéo căng phổi và các mô của chúng, đồng thời cho phép cơ thể uốn dẻo các cơ và khớp. Nó cũng có thể đẩy máu lên mặt và não để tăng sự tỉnh táo.

Mặc dù ít phổ biến hơn, ngáp quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe, có thể bao gồm:

- Cơn đau tim, đặc biệt nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng như đau hoặc khó chịu ở ngực, khó chịu ở phần trên cơ thể, choáng váng và khó thở.

- Động kinh.

- Rối loạn thần kinh, chẳng hạn bệnh đa xơ cứng (MS).

- Suy gan, có thể gặp phải tình trạng mệt mỏi.

- Khối u não, mặc dù điều này được coi là hiếm.

Vi sao ngap lai lay?-Hinh-2

Ngáp giúp làm mát não bộ, giúp đánh thức cơ thể khi buồn ngủ. Ảnh: Medical News Today.

Ngáp có thực sự lây lan?

Theo Healthline, ngáp tự phát hay lây lan đều phát sinh từ một cơ chế cơ bản liên quan việc điều chỉnh nhiệt độ não bộ. Vì vậy, nếu bạn ngáp sau khi nhìn thấy người khác ngáp, có thể là do cả hai bạn đang ở cùng một khu vực, tiếp xúc cùng môi trường nhiệt độ.

"Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn cảm thấy buồn ngủ hoặc buồn chán. Chu kỳ giấc ngủ, buồn chán và căng thẳng có liên quan sự dao động nhiệt độ trong não", tiến sĩ Ford nói.

Đối với sự lây lan ngáp, nhà thần kinh học Giordano cho biết nó có thể liên quan hiện tượng gọi là phản chiếu xã hội, nơi các sinh vật bắt chước hành động của người khác. Hành vi này có thể được liên kết với các tế bào thần kinh phản chiếu trong não.

Các tế bào thần kinh phản chiếu trong não được cho là cơ chế đằng sau hành vi ngáp dễ lây lan. Những tế bào thần kinh này khớp hành động của chúng ta với những người xung quanh. Vì vậy, nếu bạn thấy người khác ngáp, rất có thể bạn cũng sẽ ngáp theo, ngay cả khi bạn không buồn chán hay mệt mỏi.

"Có một số hành vi khác tương tự cơ chế này, như gãi, bắt chéo chân và cười. Chẳng hạn, nếu ai đó nhìn thấy tôi gãi mặt, họ sẽ biết cảm giác đó như thế nào. Bạn cũng có thể bị buộc phải làm điều đó", ông Giordano cho biết.

Sự lây lan ngáp có thể cao hơn đối với các mối quan hệ xã hội thân thiết (bạn bè và thành viên trong gia đình) so với mối quan hệ yếu (người quen và người lạ). Đặc biệt, phụ nữ có mức độ lây lan ngáp cao hơn nam giới. Các nhà khoa học cho rằng có thể là do phái đẹp thường dễ đồng cảm hơn nam giới.

Theo Phương Mai/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)