|
Cha mẹ có tính thích bao bọc |
Cha mẹ thường dặn dò trẻ câu này vì muốn con cảnh giác và không bị thương.
Khi con cùng bạn đạp xe đi chơi, cha mẹ dặn 'Cẩn thận đấy con!' Khi con chạy nhảy trong sân, trèo cây, dùng dụng cụ sắc nhọn làm đồ thủ công, bản năng làm cha mẹ lại nói 'Cẩn thận đấy con!'
Cha mẹ có tính thích bao bọc. Để tránh việc con trẻ làm chính mình bị thương, cha mẹ cố gắng sử dụng lời nói mang tính cảnh báo để bảo vệ trẻ.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là 'Cẩn thận đấy con!' là một câu nói quá mơ hồ và được dùng nhiều đến mức trẻ 'miễn nhiễm' với câu nói này, tức đây là một câu nói không mấy hữu dụng.
'Cẩn thận đấy con' đã trở thành câu cửa miệng của nhiều cha mẹ
Khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ dĩ nhiên có trách nhiệm trông chừng và bảo đảm an toàn của trẻ.
Nhưng khi con đã lớn hơn, con sẽ cần nhiều tự do hơn. Cha mẹ không thể canh chừng từng bước đi của con nữa. Thế là cha mẹ tìm những cách khác để trông chừng con cái.
Một số cha mẹ chọn dạy con về sự an toàn bằng việc đưa ra gợi ý thay thế.
Họ sẽ khuyên con đi bộ thay vì chạy ra đường, nhìn hai bên đường, dừng và đợi ô tô đi qua trước thay vì cố vượt.
Những cha mẹ khác chọn cách nhanh gọn là nói với con rằng 'Cẩn thận đấy con!'.
Lý do các cha mẹ này quen nói câu đó là vì, từ khi còn nhỏ, họ cũng được người lớn nhắc nhở như vậy.
Ở nhà, cha mẹ bảo họ 'Cẩn thận đấy con!' khi họ đi bơi, đi chơi với bạn. Ở trường, thầy cô nhắc họ 'Cẩn thận đấy các em!' khi họ nô đùa trong giờ chơi.
Thoạt nghe thì câu nói đó chẳng có vấn đề gì. Đó là lời nhắc nhở với ý tốt cho trẻ.
Thế nên chúng ta quen nói với trẻ câu đó, nhất là khi trẻ tham gia những hoạt động vui chơi có thể nguy hiểm.
Nhưng thực chất câu nói kiểu như 'Cẩn thận đấy con' sẽ chỉ có tác dụng nếu được giải thích rõ ràng. Còn một cụm từ đơn giản 'Cẩn thận đấy con' sẽ không giúp con an toàn hơn.
'Cẩn thận đấy con' có thể quá nhiều nghĩa đến mức trở thành vô nghĩa
Một cụm từ mang quá nhiều ý nghĩa sẽ biến thành vô nghĩa. Không có giải thích cụ thể, trẻ không biết mình phải cẩn thận với thứ gì.
Trẻ cần được giải thích cụ thể cái gì cần cẩn thận và tại sao lại như vậy; và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng không cẩn thận.
Nếu không được giải thích cụ thể, trẻ có thể bắt đầu cho rằng mọi thứ đều là mối hiểm họa.
Câu nói mơ hồ 'Cẩn thận đấy con' có thể bị hiểu là phải cẩn thận với mọi thứ xung quanh con! Mọi thứ đều nguy hiểm!
Với quan niệm như vậy được gieo rắc trong đầu, trẻ lớn lên sẽ cho rằng chẳng có gì là an toàn.
Chúng có thể có chút hoang tưởng và quá mức an phận. Chúng không dám tham gia các hoạt động thể thao vì sợ chấn thương. Chúng không dám bước ra khỏi vùng an toàn vì thấy những thứ bên ngoài quá đáng sợ.
An toàn trong cuộc chơi tức là bạn chỉ đứng ngoài xem mà thôi
Trẻ cần có không gian, có tự do, để tự mắc lỗi và học từ những lỗi lầm đó.
Nếu bạn khiến trẻ tin rằng không có gì an toàn, chúng sẽ cho rằng cách để sống còn chính là tránh mạo hiểm bằng mọi giá.
An toàn là quan trọng, nhưng tránh mạo hiểm có thể cản trở sự phát triển của trẻ.
Trong khi chúng được bao bọc để an toàn, trẻ có thể đang lỡ mất vô vàn cơ hội.
Vì luôn cẩn thận, con lớn lên sẽ chỉ tham gia những hoạt động mà chúng chắc chắn an toàn, không mạo hiểm.
Nhưng thực tế, chẳng có thứ gì gọi là chắc chắn cả. Cho dù bạn có cẩn thận tới đâu vẫn sẽ luôn có những hiểm họa tùy cấp độ bất ngờ xảy đến.
Muốn tiến lên phía trước, bạn bắt buộc phải mạo hiểm. Cơ hội đồng nghĩa với mạo hiểm. 'Quá cẩn thận' sẽ tước đi mọi cơ hội của con bạn và ngăn cản con bạn vươn tới thành công.
Thành công không bao giờ đến với những người không dám theo đuổi.
Một đứa trẻ được nuôi dạy luôn sợ hãi, không dám mạo hiểm có thể sẽ trải qua một cuộc đời tầm thường. Chúng sẽ không bao giờ có tham vọng vươn tới những điều lớn lao.
Thay vào đó, chúng dành cả đời ao ước mình quyết đoán hơn và hối tiếc vì những cơ hội mà mình đã không nắm lấy.
Hãy hướng dẫn, đừng dọa dẫm
Hãy hướng dẫn trẻ cách trèo cây an toàn, chứ đừng khiến chúng sợ ngã. Chúng cần học cách tự đứng lên, phủi quần áo rồi tiếp tục.
Khi nhắc nhở trẻ an toàn, hãy cố gắng rõ ràng hơn. Hãy giải thích tình huống và nói cho trẻ phải cẩn thận với cái gì.
Đừng chỉ đưa ra lời nhắc nhở mơ hồ như thể 'dọa' trẻ về nguy hiểm.
Hãy giải thích cho trẻ vì sao hành động đó là nguy hiểm, nhưng đừng giới hạn lựa chọn của trẻ.
Hãy để trẻ tham gia, để trẻ khám phá những giới hạn của bản thân, và phát triển giác quan cảnh giác của riêng mình.
Như bạn đã biết, 'Cẩn thận đấy con' là một câu quá chung chung, mơ hồ.
Nó không sai khi ý định của bạn là tốt. Nhưng trẻ cần thông tin nhiều hơn và rõ ràng hơn.
Vậy phải nói như thế nào cho đúng?
Hãy dùng những lời lẽ mang ý nghĩa cụ thể hơn:
Tập trung vào việc con đang làm đi
Cẩn thận mọi người xung quanh, đứng cách xa nhau chút con nhé
Nhớ chơi vui vẻ với các bạn nhé
Khi đến gần chỗ.... thì con phải đi chậm lại và cẩn thận hơn nhé
Cái này nhìn hơi nặng, con có tự làm được không?
Con phải quan sát xung quanh trước khi ném cái gì nhé!
Khi con leo trèo Con có thấy cái đấy chắc chắn không?
Đừng chạy gần bờ hồ
Con phải nhìn các bạn để tránh nhé, có thể bạn đang không nhìn đâu
Nếu đồ chơi con bị lăn ra đường thì gọi bố mẹ nhé
Nếu con không thích cách chơi của bạn thì cứ nói cho các bạn biết
Lúc trèo con phải tập trung kẻo trượt chân nhé
Đi chậm thôi con nhé
Hãy để con ngã
Con không phải lúc nào cũng sẽ nghe theo bạn. Có những bài học con sẽ phải tự rút ra. Hãy cho con tự do làm điều đó.
Bởi vì, một người sẵn sàng mạo hiểm mới là người sẽ thành công hơn về sau.