Đầu tháng 10/2023, gia đình ông R.W (quốc tịch Australia, đang sống và làm việc tại Bali, Indonesia) phát hiện con gái 4 tuổi đại tiện phân bạc màu. Ba ngày sau, bé đau bụng và buồn nôn. Vợ chồng ông R.W đưa con tới bệnh viện tại Bali kiểm tra. Kết quả, bé bị nang ống mật chủ và cần phẫu thuật. Nếu chậm trễ, bệnh này dẫn tới viêm mật tái diễn hoặc viêm mật cấp, viêm tụy, thậm chí hoại tử ống mật chủ, nguy hiểm tới tính mạng.
Khi nỗi lo chuyển thành sự bất ngờ
Vợ chồng ông R.W bắt đầu tìm hiểu về bệnh, các phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất. Tình cờ, ông R.W đọc bài báo cáo về phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ nhi của Phó giáo sư Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Ông lập tức gửi e-mail cho Phó giáo sư Sơn trao đổi về tình trạng bệnh của con mình.
Phó giáo sư Sơn cho biết: "Khi nhận được thư của người cha, tôi rất bất ngờ và trả lời lại ngay. Những thông tin trong e-mail chứng tỏ họ đã tìm hiểu rất kỹ về phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật tại Việt Nam. Ông còn liên tục đề nghị tôi cung cấp các số liệu, báo cáo cụ thể. Thậm chí, ông còn vào website của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để tìm hiểu về kỹ thuật này. Tuy nhiên, website lại không có báo cáo về kỹ thuật bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh". Mọi thông tin chuyên môn người cha cần, bác sĩ Sơn đều cung cấp.
|
Phó giáo sư Trần Ngọc Sơn chia sẻ về ca phẫu thuật đặc biệt. |
Khi gia đình bệnh nhi đã tin tưởng về trình độ bác sĩ, họ lại có nhiều nỗi lo khác như ở Việt Nam, phòng bệnh viện ra sao, có khó khăn gì về xin visa.
"Trước những băn khoăn này, tôi đã chụp ảnh phòng điều trị tại khu Công nghệ cao của bệnh viện, giới thiệu tất cả dịch vụ từ ăn uống, đi lại, visa điện tử cho bệnh nhân. Thủ tục sang Việt Nam khá đơn giản và nhanh chóng. Khi có visa, gia đình ông R.W đã bay sang Việt Nam ngay", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bệnh nhi này lựa chọn ở phòng dịch vụ cao cấp nhất, có các điều dưỡng biết tiếng Anh. Khi trực tiếp trải nghiệm các dịch vụ tại bệnh viện ở Việt Nam, gia đình ông R.W từ lo lắng chuyển sang bất ngờ.
|
Phó giáo sư Sơn trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BSCC |
Ca phẫu thuật cho bệnh nhi được Phó giáo sư Sơn thực hiện với một đường mổ chỉ dài 15mm ở rốn. Các bác sĩ khéo léo cắt túi mật rồi đến ống mật chủ, đường mật chủ bị giãn thành nang, sau đó mới đưa quai ruột lên nối lại với ống gan chung ở phía trên để hứng mật.
Sau mổ, bệnh nhi phục hồi nhanh, vài ngày sau bé đã có thể chạy nhảy, ra viện sau 7 ngày. Nhìn thấy sự hồi phục của con, vợ chồng ông R.W không giấu được niềm vui. Họ chia sẻ quyết định chọn Việt Nam phẫu thuật cho con là đúng đắn.
Cơ hội cho y tế Việt Nam đón tiếp bệnh nhân quốc tế
"Tôi đã mổ hàng nghìn bệnh nhi nhưng đây là trường hợp đặc biệt nhất nên cũng khá áp lực. Quá trình mổ sai sót có thể ảnh hưởng tới uy tín không chỉ cá nhân mà cả Việt Nam. Với sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng của cả ê-kíp, ca mổ thành công hơn cả mong đợi", bác sĩ Sơn vui mừng chia sẻ.
|
Gia đình bệnh nhi chụp ảnh kỷ niệm cùng các bác sĩ Việt Nam. Ảnh: BSCC. |
Do kỹ thuật mổ nội soi 1 lỗ điều trị u nang ống mật ở trẻ mới chỉ có 2 quốc gia thực hiện thành công, nên thời gian qua, nhiều bác sĩ, chuyên gia nước ngoài đã sang Việt Nam để học hỏi về phương pháp này.
Nhớ lại hơn 10 năm trước, Phó giáo sư Sơn chia sẻ: "Tôi biết đến kỹ thuật phẫu thuật nội soi 1 lỗ điều trị u nang ống mật ở trẻ em từ năm 2011. Khi đó, tôi cùng Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương) dự hội nghị quốc tế về phẫu thuật nội soi nhi khoa. Báo cáo của một bác sĩ người Trung Quốc với hình ảnh qua video vài phút đã cuốn hút tôi. Từ đó, tôi lên kế hoạch đưa kỹ thuật này về Việt Nam và may mắn được lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương ủng hộ", ông cho biết.
Với kỹ thuật này, bác sĩ chỉ thực hiện một vết rạch 15mm ở rốn thay vì ba lỗ như trước. Các dụng cụ đều thao tác qua 1 lối vào và tổn thương cho bệnh nhân rất ít, không để lại sẹo. Kỹ thuật đòi hỏi phẫu thuật viên phải rất thành thạo và có sự khéo léo xử lý để các dụng cụ không chạm vào nhau. Khi triển khai thành công, bác sĩ Sơn đã có các báo cáo khoa học được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Câu chuyện của bác sĩ Sơn và bệnh nhân đặc biệt này còn cho thấy tín hiệu tích cực của ngành y tế Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế. "Cơ hội phát triển y tế Việt Nam không dừng lại ở việc giữ chân người bệnh điều trị trong nước mà còn là thu hút người bệnh nước ngoài sang Việt Nam", bác sĩ này nhận định.
Ông khẳng định chuyên môn của các bác sĩ Việt không thua kém gì các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam lại có kinh nghiệm nhiều mặt bệnh hơn, bác sĩ cũng có tinh thần học hỏi. "Trong tương lai, nếu chúng ta có thể xây dựng các mô hình 'marketing khám chữa bệnh' qua các công ty tư nhân như Thái Lan và Singapore đang áp dụng chắc chắn nhiều người nước ngoài sẽ biết tới y tế Việt Nam", ông nói.
Về viện phí của em bé Australia, bác sĩ Sơn cho biết: "Chi phí như một bệnh nhân trong nước. Điều trị tại Australia có thể lên tới vài chục nghìn USD nhưng ở Việt Nam chỉ bằng 1/10. Bệnh nhi sử dụng dịch vụ phòng theo yêu cầu với giá hơn 3 triệu đồng/ngày, chi phí phẫu thuật theo quy định của Bộ Y tế".
Đặc biệt, PGS Sơn còn chia sẻ ca mổ thành công nhờ sự ủng hộ của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, Sở Y tế và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau ca mổ, bệnh viện sẽ rút kinh nghiệm trong việc bổ sung các thông tin về các kỹ thuật triển khai trên website để người bệnh trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận thông tin.