Vạch kit test COVID-19 lúc mờ lúc đậm có ý nghĩa gì?

Google News

Theo nghiên cứu, tải lượng virus đạt đỉnh trong 5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Độ đậm nhạt của vạch trên kit test không thể dự đoán bệnh nặng, nhẹ.

Sau khi tiếp xúc nguồn lây, nhiều người thường có tâm lý lo lắng, mua cùng lúc nhiều kit test nhanh để tự xét nghiệm hàng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc này không cần thiết và gây lãng phí. Sau khi tiếp xúc F0, virus cần thời gian để nhân lên, xét nghiệm ngay có thể gây ra hiện tượng âm tính giả với test nhanh.

Thời điểm test thích hợp

Trong quá trình nhiễm nCoV, tải lượng virus sẽ tăng lên và giảm đi. Tải lượng virus là số lượng nCoV mà bác sĩ có thể tìm thấy trong cơ thể bạn. Họ có thể sử dụng máu, tăm bông hoặc các chất dịch cơ thể khác nhau để kiểm tra tải lượng của một virus cụ thể. Bản thân những người mắc COVID-19 cũng có tải lượng virus khác nhau.

Tải lượng virus sẽ tăng lên và giảm xuống theo 3 giai đoạn phát triển của COVID-19. Ở giai đoạn khởi phát, thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, trong đó, người nhiễm chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Biến chủng

Triệu chứng khởi phát

Alpha

Sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng…

Delta

Đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ

Omicron

Không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron là khác so với các triệu chứng ở các biến thể khác.

Giai đoạn toàn phát sẽ diễn ra sau 4-5 ngày với các triệu chứng về hô hấp, tuần hoàn, thận, thần kinh, gan mật, nội tiết, dạ dày - ruột, da…

Giai đoạn hồi phục sẽ diễn ra sau 7-10 ngày với người mắc bệnh nhẹ, trung bình. Lúc này, F0 hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài. Những trường hợp nặng sẽ có biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2 đến 3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng. Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

Vach kit test COVID-19 luc mo luc dam co y nghia gi?

Test nhanh COVID-19 ngay khi tiếp xúc F0 có thể không chính xác, bởi tải lượng virus còn thấp, các kit test chưa thể phát hiện. Ảnh: BBC.

Các nghiên cứu đã cho thấy tải lượng virus của F0 cao nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Đây là lúc các xét nghiệm COVID-19 có thể phát hiện chính xác nhất. Do đó, chúng ta không nên test ngay khi tiếp xúc F0, gây lãng phí và có thể tạo hiện tượng âm tính giả.

Các xét nghiệm rRT-PCR có thể phát hiện vật liệu di truyền của nCoV từ một lượng nhỏ. Do đó, nó giúp phát hiện sớm hơn và kết quả có thể vẫn còn dương tính ngay cả sau khi người bệnh ngừng lây nhiễm. Lúc này, các mảnh virus vẫn có thể tồn tại trong cổ họng vài tuần sau khi nhiễm bệnh. Khi test rRT-PCR, kết quả vẫn có thể dương tính nhưng F0 không còn lây nhiễm cho người khác.

Trong khi đó, các xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện protein của virus và cho kết quả dương tính khi người bệnh đang ở giai đoạn có khả năng lây nhiễm.

Với xét nghiệm rRT-PCR, ngưỡng phát hiện virus là từ ngày thứ 4 đến 16. Con số này với test nhanh là ngày thứ 4 đến 10. Đây cũng là thời điểm người mắc COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao nhất.

Điều này lý giải nguyên nhân ở nhiều người, mặc dù có triệu chứng mắc COVID-19, kết quả test nhanh vẫn là âm tính. Tại thời điểm này, tải lượng virus thấp là có thể cho thấy kết quả xét nghiệm âm tính mặc dù người đó có tất cả triệu chứng của nhiễm SARS-CoV-2.

Tạp chí Forbes dẫn lời tiến sĩ Gerald W. Fischer, chuyên gia quốc tế về chăm sóc và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và nhi khoa, giải thích nếu virus đang trong giai đoạn nhân lên sớm, các xét nghiệm kháng nguyên âm tính giả có thể xảy ra. Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố cho thấy xét nghiệm kháng nguyên cung cấp tỷ lệ âm tính giả 20% ở những người có triệu chứng và 59% tỷ lệ âm tính giả ở những người không có triệu chứng.

Vach kit test COVID-19 luc mo luc dam co y nghia gi?-Hinh-2

Độ đậm nhạt trên vạch kit test nhanh không thể đánh giá mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Freepik.

Độ đậm nhạt của vạch kit test nhanh không cho thấy bệnh nặng hay nhẹ

Nếu kit test nhanh cho hai vạch, bất kể màu đậm nhạt, bạn nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe bởi bạn đã bị nhiễm bệnh. Theo TS Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Đại học Johns Hopkins, có nhiều nguyên nhân khiến vạch T bị mờ như tải lượng virus thấp, độ nhạy của kit…

Các chuyên gia cho rằng vạch T mờ có thể cho thấy tải lượng virus của bạn thấp. Thời điểm tải lượng virus đạt đỉnh cũng là lúc hai vạch đậm nhất (khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 8). Tại thời điểm ngày thứ 1 và 10, vạch T có thể mờ dần. Trong giai đoạn ủ bệnh và sau ngày thứ 14, kit test nhanh có thể chỉ còn một vạch C.

Song, họ cũng nhấn mạnh điều này không chính xác hoàn toàn và độ đậm nhạt bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Độ nhạy của test nhanh cũng không bằng rRT-PCR nên dễ xảy ra sai số. Chỉ test rRT-PCR mới xác định được chính xác tải lượng virus của một người.

Ngoài ra, trên các kết quả test nhanh, vạch mờ hay đậm không nói lên được người mắc đang bị bệnh nặng hay nhẹ. Đặc biệt, test nhanh âm tính chỉ mang ý nghĩa nguy cơ lây nhiễm của F0 thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó, người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe, đo SpO2 đủ 10 ngày.

Theo Thiên Nhan/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)