Nói ra rất bẽ bàng, tim tôi đau, nhói lên từng cơn. Tôi chưa bao giờ nghĩ những hy sinh, vất vả của mình được đền đáp, nhưng chí ít không có tình thì cũng còn cái nghĩa, vì tôi là người nuôi nấng chúng, lo lắng từng bữa cơm đến giấc ngủ, lo chuyện học hành, dựng vợ gả chồng… Tôi thương chúng còn hơn con đẻ của mình.
Ấy vậy mà, vì đồng tiền các con anh lại trở mặt, trước đây chúng gọi tôi bằng mẹ, xưng con nhưng từ khi chồng tôi bệnh nằm liệt giường, chúng thay đổi một cách chóng mặt. Tôi quá sốc và bất ngờ vì cách hành xử của chúng.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi là mối tình đầu của chồng tôi, nhưng thời ấy cũng còn hệ lụy của việc ép duyên, nên tôi đành chứng kiến anh lấy người khác trong nỗi buồn khổ tận cùng. Ngày anh lấy vợ, tôi đứng đằng xa nhìn anh đứng cạnh cô dâu, khuôn mặt cô dâu rạng ngời hạnh phúc, còn anh vẻ mặt đượm buồn nhìn bâng quơ như tìm kiếm bóng hình ai. Lòng quặn thắt, như có ai đó đâm vào người tôi hàng ngàn mũi dao, trái tim tôi héo mòn, sau đó tôi về quê suy sụp hoàn toàn, sống những chuỗi ngày đau khổ triền miên.
Tình yêu ấy vẫn mãnh liệt cho đến 15 năm sau, tình cờ chúng tôi gặp lại nhau, anh vẫn không thay đổi nhiều, chỉ hằn thêm vài nếp nhăn trên khuôn mặt vốn có nụ cười hiền như bụt của anh. Gặp lại tôi, anh mừng lắm, siết chặt tay tôi như lúc hai đứa bịn rịn chia tay nhau trước khi anh lấy vợ. Cảm xúc bồi bồi, nhớ về một thời đã qua, nhưng chợt nhớ ra điều gì tôi giật mình thụt tay lại. Anh vẫn ân cần, chu đáo như ngày xưa. Rồi anh kể về hoàn cảnh của anh khi vợ anh sinh đứa thứ 3 được thời gian thì lâm trọng bệnh qua đời, gà trống nuôi con rất vất vả trăm bề... Thấy thương hoàn cảnh của anh, dù sao cũng tình xưa nghĩa cũ, tôi và anh thường xuyên qua lại giúp đỡ lẫn nhau.
Trước sự ủng hộ của hai gia đình, tôi về làm vợ anh, không được mặc áo cô dâu như bao người, nhưng tôi lại vô cùng hạnh phúc vì sống cùng người mình yêu thương. Ngày tôi về các con anh thấy tôi, chúng cứ làm mình làm mẩy với anh, lúc thì khóc lúc thì không ăn hoặc đạp đổ mọi thứ. Thời gian đầu quả là rất khó khăn với tôi, nhưng bằng tình yêu thương, tôi đã hy sinh tuổi xuân của mình để cùng anh chăm lo cho các con.
Tôi cũng là phụ nữ, luôn khao khát có một đứa con do mình sinh ra, mong được con gọi tôi một tiếng mẹ, được quấn quýt, vỗ về… nhưng khao khát bình thường ấy tôi phải kìm nén lại, vì cuộc sống của anh lúc đó đã quá đỗi khó khăn, tôi không muốn tôi trở thành gánh nặng cho anh, mà tôi muốn cùng anh vun đắp, cùng anh dạy các con anh nên người.
Nên nhiều lần anh đề nghị có con, nhưng tôi đều ậm ự và viện nhiều lý do sức khỏe để thoái thác.
Và tôi cũng không biết tự lúc nào, các con anh đã chấp nhận tôi, gọi tôi một tiếng mẹ. Mọi người có thể hiểu cảm giác hạnh phúc lúc đó của tối thế nào rồi, tôi như được hồi sinh, những gì mình bỏ ra thật không hoài công. Có thể, tôi không phải người sinh ra chúng, nhưng lại có trách nhiệm nuôi chúng lớn khôn, nên tình cảm chúng dành cho tôi là lẽ đương nhiên, tôi nghĩ vậy.
Bằng những nỗ lực, tôi và anh cũng thành lập một xưởng gỗ lớn nhất nhì trong làng. Hạnh phúc nhân đôi khi các con trưởng thành, có công việc ổn định và cũng có gia đình. Ngày tôi và anh vui mừng đón sinh nhật đứa cháu ngoại đầu tiên, cũng là lúc anh bắt đầu trở bệnh, tôi túc trực bên giường bệnh anh suốt, anh lâm bệnh bất ngờ, nên mọi công việc đều dồn lên đôi vai tưởng chừng quá sức chịu đựng của tôi.
Nhiều đêm thức trắng cùng anh ở bệnh viện, nhưng tôi phải trở về giải quyết việc công ty. Trước đây, tôi đã nhiều lần đề nghị, tôi và anh đã gần tới triền dốc cuối của cuộc đời, nên mọi thứ sẽ bàn giao lại hết cho con, để chúng tôi có cuộc sống an nhàn, thoải mái hơn.
Nhưng chưa thực hiện thì anh đã ốm. Cũng khoảng thời gian này, các con anh cũng thay đổi khác thường, chúng không còn vào thăm anh thường xuyên mà luôn hỏi thăm tôi về tình hình công ty. Đỉnh điểm, hôm quản lý gọi tôi về gấp để giải quyết đơn hàng cho khách, bất thình lình các con anh cùng xuất hiện chúng yêu cầu tôi phải đưa hết toàn bộ giấy tờ, tiền bạc của công ty. Chúng còn nói rằng công ty gỗ là do một tay ba chúng làm nên, tôi không có quyền gì trong chuyện này, tôi chỉ là người giúp việc không hơn không kém, vì tôi không phải là vợ chính thức, cũng không có giấy tờ với ba chúng. Chúng còn đe dọa, nếu tôi không sớm giải quyết chúng sẽ kêu giang hồ xử tôi.
Tôi thương chúng còn hơn bản thân mình, tôi không mang nặng đẻ đau, nhưng cũng là người nuôi chúng trưởng thành, vậy mà chúng nỡ đối xử với tôi quá tàn nhẫn.
Tôi đâu cần thứ tài sản ấy làm gì, nhưng đó là mồ hôi nước mắt của chồng và của cả tôi. Tôi sợ chúng sẽ nghe người ngoài mà làm tiêu tan sự nghiệp mà khó khăn lắm tôi và anh mới gầy dựng được. Trên đời này không có gì sợ bằng lòng người, chỉ vì tiền mà mọi tình nghĩa đều được đưa lên bàn cân đo đong đếm, thật chua xót.
Nhiều lúc tự hỏi, tôi đã làm gì, nhưng khi nghĩ lại tôi lại thấy thấm thía và buồn cho anh, đến cuối đời, anh vẫn cô độc, các con anh vì tiền mà quên mất công cha dưỡng dục chúng nên người, chỉ vì tiền mà chúng bán rẻ lương tâm... Với người sinh thành ra chúng, mà chúng còn không yêu thương, trân quý thì tôi cũng chẳng là gì cả.
Cũng may tôi và anh đã kịp mua căn nhà ở quê, hy vọng bệnh tình anh thuyên giảm hơn, tôi và anh sẽ về quê sinh sống quảng đời còn lại cho an nhàn. Mọi thứ còn lại cứ như lục bình nhẹ nhàng trôi theo dòng nước. Đời người được hay mất, thành hay bại chính là vào thời điểm này. Bỗng dưng tôi thấy thương quá một kiếp người.