Anh Trịnh, 55 tuổi, ở Trung Quốc, vài ngày gần đây bỗng nhiên cảm thấy mắt cá chân của mình bị trẹo nên đã đến bệnh viện để khám. Vốn nghĩ rằng đó chỉ là bong gân nên sau khi được đắp thuốc, anh Trịnh không quan tâm đến nữa.
Không ngờ, dù đã đắp thuốc nhưng tình trạng đau không đỡ mà ngày càng tồi hơn, chân cũng lạnh đi trông thấy và nhức nhối.
Đến bệnh viện lần hai, bác sĩ Trương Gia Tu tiếp nhận trường hợp của anh Trịnh, bác sĩ quyết định siêu âm và phát hiện mạch máu ở chân của anh Trịnh bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Cụ thể, động mạch chủ ở chân không ổn định, có mảng bám. Cộng với thời tiết lạnh giá gần đây, khi mạch máu co lại, mảng bám rơi xuống và mắc kẹt trong mạch máu, tạo nên hiện tượng tắc nghẽn mạch máu.
|
Ảnh minh hoạ. |
Biết được nguyên nhân, anh Trịnh vô cùng ngạc nhiên, anh chưa từng mắc các bệnh về tim mạch nên không bao giờ nghĩ mình có vấn đề về máu. Thêm nữa, không phải tất cả các bệnh về mạch máu đều có triệu chứng điển hình là tức ngực, đau ngực.
Anh Trịnh đau chân, chân lạnh đi, đây là dấu hiệu mạch máu không thể lưu thông, nhưng anh lại không cảnh giác kịp thời, vì vậy tình trạng tắc nghẽn mới nghiêm trọng. Rất may là cuối cùng không gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Qua chuyện này, bác sĩ Trương Gia Tu nhắc nhở mọi người, hầu hết các bệnh tim mạch đều do xơ cứng động mạch, đối với bệnh nhân họ Trịnh này là do cholesterol quá cao nhưng lại không biết, lâu ngày gây xơ cứng động mạch, hình thành các mảng xơ vữa trong mạch máu.
Để điều trị, bác sĩ làm tan huyết khối ở bàn chân và hút ra ngoài qua ống thông. Để tránh tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn trở lại trong tương lai, anh Trịnh còn được dùng thuốc hạ cholesterol và thuốc chống kết tập tiểu cầu để ổn định các mảng trong động mạch của chân.
Bác sĩ Trương cũng nhấn mạnh, mùa đông luôn là mùa của bệnh tim mạch. So với mùa hè, số lượng bệnh nhân tăng gần 3 đến 4 lần, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng co mạch nặng, nhất là khi trời rét đậm, khuyến cáo mọi người nên chú ý hơn đến việc giữ ấm.