Các bác sĩ bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… và rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp nên có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao.
Mức độ nguy hiểm của bệnh bạch cầu
Bệnh bạch hầu là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn này tạo ra độc tố gây tổn thương da và niêm mạc tại chỗ, hoặc độc tố vào máu gây ra các tổn thương ở cơ quan khác như hệ thần kinh, tim mạch, thận. Tại khu vực tổn thương xuất hiện một lớp màng màu trắng ngà bao phủ, phát triển và tích tụ trong mũi và cổ họng, có thể dẫn đến ngạt thở.
Bệnh bạch hầu được liệt vào danh sách những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do mức độ lây lan và biến chứng nặng nề. Bạch hầu có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày. Bệnh cũng dễ lây lan và bùng phát thành dịch trong cộng đồng nếu không được kiểm soát tốt.
Vi khuẩn bạch hầu tấn công hệ hô hấp - Ảnh minh họa
Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?
Corynebacterium diphtheriae là tác nhân gây ra bệnh bạch hầu. Chủng vi khuẩn này thường nhân lên trên hoặc gần bề mặt của cổ họng hoặc da, có thể lây lan thông qua các con đường:
Giọt bắn trong không khí có chứa vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi, ho hoặc khạc nhổ, những người xung quanh có thể hít phải các giọt bắn có chứa vi khuẩn.
Vật dụng nhiễm vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae: Khi chạm vào đồ vật có chứa vi khuẩn gây bệnh bạch hầu hoặc không cẩn thận trong quá trình xử lý đồ dùng của bệnh nhân bạch hầu (như khăn giấy, khăn tay, cốc, chén…) chúng ta sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn.
Chạm vào vết thương bị nhiễm trùng: Chạm vào vết thương bị nhiễm khuẩn của người bệnh bạch hầu hoặc chạm vào quần áo có dính vết thương bị nhiễm trùng của người bệnh cũng có thể bị lây vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.
Người mắc bệnh mức độ nhẹ, không có bất cứ triệu chứng nào vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng bệnh bạch hầu.
Lớp màng trắng trong cổ họng người bệnh bạch hầu - Ảnh minh họa
Triệu chứng bệnh bạch hầu không chỉ ở hệ hô hấp
Vi khuẩn bạch hầu thường xâm nhập vào hệ hô hấp, bám vào niêm mạc của các cơ quan hô hấp, gây ra các triệu chứng như:
- Xuất hiện một màng dày trắng ngà bao phủ cổ họng, amidan, thanh quản, mũi, lưỡi… Đây cũng chính là dấu hiệu điển hình của bệnh bạch hầu.
- Lớp màng trắng trong cổ họng người bệnh bạch hầu
- Đau họng, khàn giọng, khó nuốt
- Sưng hạch ở cổ (hạch bạch huyết mở rộng)
- Khó thở hoặc thở nhanh, chảy nước mũi
- Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh
- Đôi khi, bệnh bạch hầu gây nhiễm trùng da, biểu hiện thông qua các triệu chứng như: Xuất hiện vết loét bao quanh bởi da đỏ, sưng, đau hoặc bao phủ bởi một lớp màng màu xám; có thể nổi mụn nước đầy mủ trên chân, bàn chân và bàn tay
Cách điều trị bệnh bạch hầu
Ngay sau khi phát hiện mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Các phương pháp điều trị bệnh bạch hầu đang được áp dụng hiện nay bao gồm:
Sử dụng kháng sinh để tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn: Các loại thuốc kháng sinh như penicillin hoặc erythromycin sẽ được kê đơn để điều trị nhiễm trùng bạch hầu trong hệ hô hấp, trên da và các bộ phận khác của cơ thể (như mắt, máu…).
Tiêm kháng độc tố bạch hầu: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng độc tố bạch hầu để trung hòa độc tố của vi khuẩn tránh làm tổn thương các cơ quan, gây hại cho cơ thể. Phương pháp điều trị này rất quan trọng đối với nhiễm trùng bạch hầu đường hô hấp nhưng hiếm khi được áp dụng điều trị cho nhiễm trùng da bạch hầu.
Điều trị vết thương bị nhiễm trùng: Nếu bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến da, việc là sạch vết thương bị nhiễm trùng là cần thiết.
Sử dụng các loại thuốc khác: Để giảm nguy cơ phản ứng bất lợi với vắc xin, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng các loại thuốc như corticosteroid, adrenaline hoặc thuốc kháng histamine.
Cắt lọc, làm sạch màng trắng ngà trong cổ họng (nếu cần).
Điều trị các biến chứng, ví dụ như thuốc điều trị viêm cơ tim.
Nghỉ ngơi tại giường trong khoảng 6 tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thông thường, những người mắc bệnh bạch hầu không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác sau 48 giờ kể từ khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải uống hết liệu trình kháng sinh để đảm bảo vi khuẩn đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể.
Quá trình điều trị bệnh bạch hầu thường kéo dài 2-3 tuần. Các vết loét da do bạch hầu thường lành trong vòng 2-3 tháng, nhưng có thể để lại sẹo.
Vi khuẩn bạch hầu gây các mảng trắng bịt đường thở.
Người mắc bệnh bạch hầu cần chú ý gì?
Người mắc bệnh bạch hầu cần chú ý tuân thủ những khuyến cáo sau:
Ăn theo chế độ ăn mềm: Bệnh bạch hầu thanh quản gây đau họng và khó nuốt. Tốt hơn là nên tiêu thụ thực phẩm mềm và lỏng.
Cách ly: Vì bệnh rất dễ lây lan nên cần phải cách ly bệnh nhân để giảm sự lây lan của bệnh.
Giữ gìn vệ sinh: Những người chăm sóc bệnh nhân phải được duy trì vệ sinh nghiêm ngặt. Cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đặc biệt là trước khi nấu thức ăn và chăm sóc bệnh nhân.
Tiêm phòng: Việc tiêm phòng cũng cần thiết đối với bệnh nhân đã khỏi bệnh bạch hầu vì bệnh cũng có thể xảy ra lần nữa. Những người chăm sóc và những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân cũng nên tiêm một liều vaccine tăng cường.
Nghỉ ngơi đầy đủ: Sự phục hồi của bệnh nhân nhìn chung chậm, đặc biệt nếu nhiễm trùng nặng nên nghỉ ngơi hợp lý. Việc gắng sức có thể có hại nếu bệnh đã ảnh hưởng đến tim.
Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm vì vậy người bệnh có những triệu chứng bệnh bạch hầu trên đây cần chủ động đến ngay cơ sở y tế để được cách ly và điều trị kịp thời.