Khóc, sốt, tím tái sau tiêm
Cuối tháng 12/2018, bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vắc xin mới là vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) thay thế vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, trong vài ba ngày gần đây, nhiều phụ huynh chia sẻ thông tin về tình trạng trẻ bị phản ứng quấy khóc, tím tái sau tiêm vắc xin 5 trong 1 mới, thậm chí có trẻ phải nhập viện.
|
Phụ huynh tỏ ra lo lắng sau khi đưa con đi tiêm vắc xin 5 trong 1 mới thay thế. |
Trên trang facebook cá nhân, bà mẹ Hồng Ny chia sẻ dòng trạng thái về tình trạng sau khi tiêm của con thu hút rất nhiều lượt bình luận, chia sẻ: “Bắt đầu tiêm thí điểm vắc xin mới 5 trong 1, chưa biết các tỉnh thành khác thế nào, chỉ riêng trạm xá chỗ mình có trường hợp bị sốc thuốc tím tái phải cấp cứu vội. Con bé nhà mình thì sốt triền miên 39,40 độ từ trưa đến giờ. Con quấy khóc liên tục, bỏ ăn bỏ bú, nôn trớ, giật mình, người cứ lả ra mệt mỏi. Không biết tác dụng của vắc xin đến đâu mà thấy con phản ứng như này thực sự là xót. Làm mẹ lần 2 mà vẫn hoang mang quá”.
Sau đó, chị Ny thông tin thêm, cho biết đến chiều thì con cắt sốt, chịu ăn, chịu chơi ngoan trở lại. Mặc dù hiểu rằng phản ứng sau tiêm chủng là do cơ địa từng bé nhưng chị vẫn “cảm thấy sợ và chắc không dám cho con tiêm thêm loại vắc xin này ở tháng tiếp theo”.
Trước những thông tin về phản ứng của các bé sau tiêm chủng được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn, hội nhóm như vậy, không ít bà mẹ có con nhở chuẩn bị cho con đi tiêm chủng cũng hoang mang, không biết làm thế nào. Bà mẹ có nick Mẹ Nhím Sóc chia sẻ trên diễn đàn Làm mẹ, cho biết “con được hơn 3 tháng, chuẩn bị cho đi tiêm chủng, nhưng nghe tin này thực sự hoang mang, không biết phải làm sao”.
Cùng chung suy nghĩ, bà mẹ Trần Thu Hà (Hà Nội) lo ngại “Con còn quá nhỏ, phải chọc mũi tiêm đã thương lắm rồi, lại còn nguy cơ phản ứng như này thì liệu có an toàn không? Phản ứng như thế có phổ biến không, phải xử trí thế nào? ”
Kiểm định an toàn mới sử dụng
Trao đổi với báo chí, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Khi tiêm bất kỳ vắc xin nào cũng có những phản ứng thường gặp như: Vết đỏ, sưng, đau, quấy khóc… thì đây là những biểu hiện thông thường, thường gặp không có gì quá lo lắng”.
|
Vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) được sử dụng thay thế vắc xin Quinvaxem |
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Vắc xin 5 trong 1 mới này thành phần cũng giống vắc xin trước đây kháng nguyên bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B… Trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng cũng đã qua kiểm định về chất lượng, an toàn mới được sử dụng”.
Chia sẻ về việc các phụ huynh lo lắng, hoang mang trên mạng xã hội sau khi con tiêm vắc xin ComBE Five và bị đau, khóc, sốt…, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết: “Tôi hiểu những lo lắng của phụ huynh, tuy nhiên các phụ huynh cần yên tâm vì trong tiêm chủng vắc xin, cái gì an toàn nhất mới tiêm cho trẻ”. Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh nói thêm: vắc xin 5 trong 1 mới đã được kiểm tra chất lượng, có tính an toàn và hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới tin dùng. Phụ huynh cần yên tâm, không nên quá lo lắng và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm theo lịch tiêm chủng.
Trước đó, tháng 5/2018, bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2912/QĐ về việc triển khai vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại 7 tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu trước khi triển khai trên toàn quốc.
Những phản ứng nào có thể gặp phải sau tiêm chủng?
BS Nguyễn Văn Thành, Trung tâm tiêm chủng và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Đại học Y Hà Nội, cho biết phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại chỗ tiêm chủng hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng.
Phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm các phản ứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch bình thường. Các phản ứng này thông thường là nhẹ và tự khỏi.
Tai biến nặng sau tiêm chủng là phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng (bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở) hoặc để lại di chứng hoặc làm người được tiêm chủng tử vong.
Xử trí thế nào?
Đối với các phản ứng thông thường:
- Sốt: nếu sốt dưới 38.5, cha mẹ nên cho trẻ mặc thoáng mát, chườm ấm chủ yếu ở các vị trí trán, nách, bẹn, cho trẻ bú nhiều hơn; sốt trên 38.5: dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg cho trẻ uống hoặc nhét hậu mô, nhắc lại 4 -6 giờ nếu vẫn sốt trên 38.5.
- Sưng đau tại chỗ tiêm: hạn chế sờ vào, không chườm đắp gì lên vết tiêm, có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
- Đau khớp kể cả khớp nhỏ ngoại vi dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua (tối đa 10 ngày). Có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
Đối với các phản ứng nặng:
Những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện tình trạng: nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, mất tri giác. Sau thời gian 30 phút, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ.
Trong thời gian này trẻ sẽ gặp những phản ứng thông thường: đau nơi tiêm, quấy khóc, biếng ăn, nổi ban, sốt nhẹ. Các phản ứng nặng rất hiếm gặp cần được can thiệp y tế gồm: sốt cao trên 39 độ C, khóc thét kéo dài, tím tái, khó thở, co gồng và các biểu hiện bất thường khác. Trong trường hợp này, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chăm sóc.