Nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh Kawasaki
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, chị Phạm Thị Tuyên (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm amidan, cho uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, hai ngày sau bé không có dấu hiệu hạ sốt nên chị đưa đi khám tại BV Nhi đồng 1 và được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki, phải nhập viện.
“Tôi chỉ nghĩ con mắc bệnh cảm sốt thông thường thôi. Tôi chưa nghe đến bệnh Kawasaki này bao giờ. May mắn là các chỉ số chức năng tim mạch của bé hiện vẫn bình thường” - chị Tuyên nói.
Trường hợp khác, bé N.Q.G.H. (chín tháng tuổi) được BV Long Xuyên (An Giang) chuyển tuyến lên BV Nhi đồng 1 theo dõi bệnh Kawasaki trong đêm. Chị Võ Thị Thảo cho hay bé H. nhập BV Nhi đồng 1 vào ngày thứ bảy của bệnh. “Trước đó bé nóng sốt, da phát ban, môi đỏ nên gia đình tôi lật đật đưa đi BV. Điều trị được vài ngày, bác sĩ chẩn đoán bệnh Kawasaki liên quan đến tim mạch. Cả nhà tôi không ai mắc bệnh tim cả, sao bé lại bị tôi cũng không hiểu” - chị Thảo bày tỏ.
Trước đó vào giữa năm 2018, cháu N.Đ.K (3 tháng tuổi, trú TP.Đà Nẵng) được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao, không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo người nhà bé K., bé đột ngột sốt kéo dài, có uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Sau khi điều trị tại Khoa Nhi, tình trạng của bé K vẫn còn sốt cao 38-39 độ, sang ngày thứ 3 sau nhập viện, da bé bắt đầu nổi ban rải rác toàn thân, hai mắt đỏ. Sau hơn 5 ngày điều trị, các bác sĩ đã chẩn đoán bé đang mắc Kawasaki.
Bệnh Kawasaki là gì và nguy hiểm thế nào?
|
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki. Nguồn: cosmeticstutor.org |
Bệnh Kawasaki được đặt tên theo bác sĩ đầu tiên xác định được nó, là căn bệnh gây viêm trong thành mạch của các động mạch nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm các động mạch vành, cung cấp máu cho cơ tim. Kawasaki còn được gọi là hội chứng da niêm mạc (mucocutaneous) hạch bạch huyết vì nó cũng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, da và màng nhầy bên trong mũi, miệng và cổ họng.
Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có 1 trẻ bị các tổn thương mạch vành. Đối với hầu hết trẻ mắc bệnh, tổn thương này thường nhỏ và không kéo dài. Tuy nhiên ở một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại cho tới khi trẻ trưởng thành, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Các túi phình động mạch này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.
Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 1, bệnh Kawasaki có những đặc điểm gồm sốt cao, uống thuốc hạ sốt không hạ, da niêm, phát ban từ ngày thứ hai trở đi. Có nhiều dạng phát ban, có trẻ thì phát ban như sởi, có trẻ da có hồng ban hoặc đốm hình vòng. Có trẻ ngoài phát ban còn có triệu chứng ở niêm mạch, lưỡi đỏ và có đốm như trái dâu tây, niêm mạc miệng lở loét, môi khô đỏ, chảy máu, mắt đỏ. Một trong những đặc điểm phân biệt với các bệnh khác là trẻ có dấu hiệu đỏ mắt nhưng khô chứ không chảy ghèn, nước mắt, nước mũi như sởi.
Vì các dấu hiệu của bệnh Kawasaki rất dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác bởi vậy các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý, khi bé có các dấu hiệu như trên cần đưa bé đến các cơ sở y tế, bệnh viện để khám và điều trị.