Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng chìa khóa để giúp con cái khỏe mạnh là giữ cho căn nhà của mình luôn ở trạng thái “vô trùng”. Nhưng theo các nhà khoa học, thật sai lầm khi xem nguồn gốc bệnh tật là từ vi khuẩn và rồi dùng đủ phương cách để loại bỏ chúng.
Trên thực tế, theo Tiến sĩ John Gilbert và Rob Knight - hai nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vi sinh vật, trẻ em ngày nay được giữ gìn quá sạch sẽ. Lớn lên trong môi trường như vậy, hệ miễn dịch của trẻ phản ứng lại với tất cả các loại vi khuẩn, kể cả loại có ích, làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ.
Nguy cơ mắc bệnh eczema, hen, sốt mùa hè và tiểu đường tăng cao với những đứa trẻ ít khi ra ngoài lăn lộn đất cát hoặc chơi đùa với động vật. Không được tiếp xúc sớm với vi khuẩn, hệ miễn dịch sẽ không biết cách kiểm soát phản ứng của nó đối với những “kẻ xâm nhập” hằng ngày như bụi bẩn hay phấn hoa.
|
Để trẻ em được tiếp xúc nhiều hơn với môi trường chính là cách tốt nhất giúp tăng cường hệ miễn dịch. |
Trong cuốn sách “Dirt Is Good” (Tạm dịch: “Bẩn là tốt”) của mình, Tiến sĩ Gilbert có viết: Trong 150 năm qua, khi bắt đầu hiểu rằng các vi khuẩn chính là nguồn gốc của bệnh tật, con người đã nỗ lực tìm mọi cách để cơ thể mình có thể tránh xa bất kỳ loại virus nào. Và mặc dù các biện pháp đảm bảo vệ sinh được phổ biến và thực hiện rộng rãi như uống nước đun sôi và sữa được khử trùng đã giúp ngăn ngừa không ít căn bệnh nguy hiểm, thì hệ quả tiêu cực mà hành vi này để lại là trẻ em sống trong trong môi trường quá sạch sẽ.
"Chúng ta đã vô tình tách trẻ em khỏi môi trường giúp rèn luyện sức khỏe vì lý do lo sợ bệnh tật”, Tiến sĩ Gilbert nói. Thực tế, quá trình phơi nhiễm với vi khuẩn không chỉ giúp tạo thành hệ miễn dịch mà còn có tác động tích cực đến hệ nội tiết và cả sự phát triển các dây thần kinh ở trẻ.
Một nghiên cứu năm 2016 đăng tải trên Tạp chí Y khoa The New England Journal of Medicine (NEJM) đã so sánh hệ miễn dịch của trẻ em ở 2 tộc người của nước Mỹ, vốn giống nhau về mặt di truyền học và chỉ khác nhau ở điều kiện sống.
Theo đó, trẻ em tộc người Amish lớn lên trong một môi trường nông nghiệp và trẻ em thuộc cộng đồng Hutterite lớn lên trong môi trường công nghiệp hóa. Kết quả cho thấy những đứa trẻ Amish được mô tả là có một cuộc sống "nhiều vi khuẩn, đầy bụi bặm” thì tỷ lệ bệnh hen suyễn thấp hơn rất nhiều so với những người bạn cùng trang lứa ở Hutterite.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với vật nuôi từ khi còn nhỏ cũng làm giảm nguy cơ béo phì và dị ứng khi trẻ lớn lên. Đó là kết quả rút ra từ một nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Alberta (Canada) mới được công bố vào tuần trước. "Trong khi bạn muốn tạo ra một môi trường vô trùng để bảo vệ con em mình thì thực tế, điều này làm cho những đứa trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn”, Giáo sư Marsha Wills-Karp, Khoa Kỹ thuật môi trường (Đại học Johns Hopkins) nói.
Nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, chúng ta nên hỗ trợ hệ vi sinh tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ bằng cách hạn chế các thực phẩm chế biến công nghiệp có dùng phụ gia hóa chất, hạn chế dùng kháng sinh hay các loại chất tẩy rửa mạnh. Đồng thời, nên ăn nhiều chất xơ, thường xuyên bổ sung các sản phẩm lợi khuẩn và hãy để cơ thể tiếp xúc nhiều hơn với môi trường.