Anh gầm gừ: “Em vừa phải thôi, một đống nợ trên đầu còn đòi đi du lịch, năm hết Tết đến bao nhiêu việc phải lo mà chỉ nghĩ đến chuyện ăn chơi. Anh thấy em ngày càng quá đáng, vừa vô tâm vừa vô trách nhiệm”.
Biết mình đụng phải tổ kiến lửa nên tôi im lặng cho qua chuyện dù trong lòng rất ấm ức.
|
Áp lực nợ nần khiến chồng tôi trở nên xét nét tính toán đến mức khó chịu. Ảnh minh họa |
Gần 2 năm nay, gánh nặng nợ nần khiến chồng tôi thay tính đổi nết, cuộc sống gia đình cũng trở nên ngột ngạt hơn. Vì tôi thương các con lâu rồi không được đi chơi mới đề nghị như thế, theo tính toán vẫn trong khả năng tài chính mà chồng tôi cứ làm quá lên.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi vợ chồng tôi đập bỏ nhà cũ để xây nhà mới. Trong dự toán, chúng tôi chỉ định làm đơn giản với số tiền tiết kiệm, nếu thiếu thì mượn thêm một ít từ anh em họ hàng là vừa.
Đến khi khởi công, chồng tôi lại nhất nhất theo tư vấn của kiến trúc sư, thêm cái này mở rộng cái kia, thành ra chi phí tăng lên rất nhiều. Ngôi nhà hoàn thành đẹp hơn thiết kế ban đầu, nhưng số tiền gần gấp đôi dự tính ban đầu.
Vì thế, ngoài số tiền chuẩn bị, chúng tôi phải vay thêm ngân hàng 600 triệu, trả trong thời hạn 10 năm, chưa kể tiền mượn không lãi của người quen. Hàng tháng, lương chồng dùng để trả ngân hàng còn lương tôi lo chi phí sinh hoạt và tiết kiệm để trả nợ mượn ngoài nên cuộc sống khá chật vật.
Điều đó trái ngược với trước đây, chúng tôi chi tiêu rất thoải mái. Mỗi năm, vợ chồng tôi đưa con đi du lịch ít nhất hai lần, mua sắm ăn uống không phải tính toán nhiều vì mức thu nhập tương đối cao.
Tôi tính, lương chồng trả lãi ngân hàng xong vẫn còn một khoản đủ chi tiêu cá nhân còn tôi sẽ cáng đáng chi phí sinh hoạt cũng ổn. Thay vì than vãn, tôi lao vào kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. Tôi không muốn gia đình phải sống quá kham khổ bởi thời gian trả nợ còn dài mà con lại lớn rất nhanh.
Tôi nghĩ đơn giản, lương chồng thay vì gửi tiết kiệm như trước đây thì trả nợ ngân hàng, chi phí gia đình tôi vẫn đảm bảo được. Nhưng chồng tôi lại nghĩ khác, anh muốn tằn tiện hết mức có thể để nhanh chóng trả hết nợ.
Khoản nợ vay trả trong 10 năm nhưng anh muốn phải tất toán hết trong 5 năm. Anh muốn tôi cắt giảm chi tiêu gia đình, đưa thêm tiền để anh trả nợ. Nhưng làm như thế, cả nhà phải thắt hầu bóp họng rất khổ sở. Tôi không đồng ý vì muốn con mình được sống trong điều kiện tốt nhất có thể. Theo ý chồng, tôi sẽ phải cắt hết những khoản chi cho con, ăn uống tằn tiện, thậm chí không cho con đi học thêm, tổ chức sinh nhật hay mua sắm quần áo mới.
Tôi bày tỏ ý kiến của mình rồi bảo chồng: “Anh cứ lo trả nợ, mọi chi tiêu gia đình em đảm đương được. Đừng vì nợ nần mà áp lực lên con cái”. Anh tỏ vẻ không hài lòng.
Từ đó, anh xét nét mọi chi tiêu của tôi. Bữa cơm, tôi mua thức ăn ngon là anh phàn nàn hoang phí. Đưa con đi chơi cuối tuần hay may sắm thêm quần áo là anh gắt gỏng tôi không biết tính toán. Tôi đăng ký cho con học thêm lớp kĩ năng sống, mua quà sinh nhật thì anh kết luận tiêu hoang. Trong khi, tôi phải cật lực kiếm thêm tiền để bù vào khoản lương phụ thêm hàng tháng trước đây của anh
Lần này, sau khi thanh toán xong mấy khoản mượn ngoài, tôi có một chút hoa hồng từ khách hàng nên muốn đưa cả nhà đi chơi chứ không phải lấy từ tiền chi tiêu cố định hàng tháng. Nhưng chồng vẫn nói năng nặng lời.
Tôi hiểu do áp lực nợ nần anh mới như thế nhưng việc trả nợ đâu phải một hai ngày là xong xuôi. Phải sống sao cho thoải mái mới có sức khỏe để làm việc mà trả nợ chứ. Đằng này, chồng tôi lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại ý của mình: “Muốn ăn ngon mặc đẹp thì phải trả hết nợ đã”.