Các chuyên gia dịch tễ TPHCM cho rằng, việc phát hiện ca mắc biến chủng Omicron là điều sớm hay muộn, điều cần thiết là cần giảm sự lây lan của virus và bảo vệ nhóm có nguy cơ cao.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện TPHCM đã ghi nhận 6 ca F0 liên quan đến người bệnh nhập cảnh từ Mỹ, trong đó 3 trường hợp đã được xác định nhiễm biến chủng Omicron.
Số ca đang chờ giải mã gene đến nay là 3, gồm ca nhập cảnh và 2 F0 vừa mới phát hiện. Thông thường thời gian giải mã trình tự gene mất từ 48 đến 72 giờ.
Trước tình hình trên, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TPHCM bày tỏ: “Trong giai đoạn này, chúng ta có khả năng truy vết trọng điểm thì nên làm, nhưng đến giai đoạn nếu số ca tăng không kiểm soát được, thì cần xem xét lại để tránh lãng phí nguồn nhân lực bởi tốc độ lây lan của Omicron gấp 2-3 lần biến chủng Delta”.
Đánh giá về lợi thế của TPHCM trước biến chủng mới Omicron, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng nhận định, thành phố hiện nay làm rất tốt chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao. Vì thế, việc cần làm hiện tại chắc chắn không phải là mục tiêu không có ca mắc Omicron, mà mục tiêu là phải hạn chế lây lan và bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao.
Bình tĩnh và sẵn sàng tâm thế bảo vệ chính bản thân mình trước biến chủng Omicron có thể thay thế Delta là ý kiến mà PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: “Việt Nam đã có khoảng 70 ca nhiễm biến thể Omicron từ người nhập cảnh, được cách ly theo quy định. Tuy nhiên, thực tế không thể xét nghiệm được toàn bộ để tìm biến thể và thế giới cũng xác định, Omicron sẽ thay thế cho Delta. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Điều quan trọng nhất là làm sao không để lây nhiễm mất kiểm soát gây ra quá tải y tế”.
Ông Nguyên cho rằng, người mắc COVID-19 ở giai đoạn ủ bệnh không thể phát hiện bằng test nhanh, do đó có thể bị bỏ sót. Vì vậy, việc phát hiện biến thể Omicron trong cộng đồng không quá khó hiểu mặc dù đường cửa khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ.
"Trước đây, biến thể Delta cũng được phát hiện hết sức tình cờ từ người đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Chúng ta đã có các kịch bản ứng phó sẵn, giờ đây chỉ cần quan tâm đến chuyện kiểm soát, không tạo áp lực lên khối điều trị", ông Nguyên cho biết.
Trong giai đoạn truy vết hiện nay của TPHCM, để hạn chế tối đa tình trạng giải trình tự gen phát hiện biến chủng Omicron chưa chính xác, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội vi sinh lâm sàng TPHCM cho rằng, quy trình xét nghiệm có nhiều nhưng có 5 bước cơ bản phải tuân thủ tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.
Thứ nhất: Nhân viên y tế cần lấy mẫu phệt mũi hầu, vì mẫu này ít bị ảnh hưởng bởi đường ăn uống phòng trừ trường hợp bệnh phẩm COVID-19 biến chủng Omicron bị trôi đi.
Thứ hai: Môi trường lưu trữ dịch mẫu phải tốt.
Thứ ba: Trong quá trình làm xét nghiệm PCR phải có mẫu chứng âm và mẫu chứng dương. Chứng dương là các mẫu chứng có chứa đoạn ADN/ARN mục tiêu đã được biết trước. Chứng âm là những mẫu chứng không có đoạn ADN/ARN mục tiêu để nhằm giúp kiểm soát được quá trình nhiễm chéo khi thực hiện các phản ứng. Khi sử dụng các mẫu chứng này sẽ đảm bảo kết quả xét nghiệm có độ chính xác cao hơn.
Thứ tư: Trong quá trình xét nghiệm phải có chứng nội dương tại phòng xét nghiệm để đảm bảo về độ nhạy của xét nghiệm.
Thứ năm: Bộ tách chiết phải đạt chuẩn của Bộ Y tế.
Và trong thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán 2022, người dân cần nâng cao thực hiện các biện pháp 5k và tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, tránh những biến chứng nếu không may mắc biến chủng mới Omicron.