TP HCM xét nghiệm "kiểu mới", bảo vệ tối đa F0

Google News

TP thay đổi chiến lược chống dịch, từ xét nghiệm diện rộng, truy vết, cách ly tập trung F0, F1 thành chủ động xét nghiệm theo phân vùng nguy cơ để phát hiện F0 sớm, kịp thời cách ly tại nhà để chữa trị.

Tính đến 18h ngày 18/8, TP HCM đã có tổng cộng 159.917 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Đáng chú ý trong vài ngày gần đây, số ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng cao, vượt số ca trong khu cách ly và khu phong tỏa.
TP HCM xet nghiem
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG 
Xét nghiệm “kiểu mới” để bóc tách F0
Nếu như ngày 10/8, số ca được phát hiện ngoài cộng đồng chỉ 65 ca thì đến ngày 17/8, số ca sàng lọc ngoài cộng đồng đã lên 1.435 ca. Trong khi đó, ngày 17/8, số ca mắc trong khu cách ly chỉ 497 ca và 1.133 ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện (BV).
Lý giải cho tình trạng số ca mắc ngoài cộng đồng tăng bất thường, ngày 18-8, Sở Y tế TP.HCM cho biết TP đang thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh COVID-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao), “vùng cam” (nguy cơ cao), “vùng vàng” (có nguy cơ) và mở rộng “vùng xanh” (vùng an toàn) theo đơn vị tổ dân phố hay tổ nhân dân.
Theo đó, từ ngày 15 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao. “Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả trường hợp F0” - Sở Y tế thông tin.
Cụ thể, chiến lược xét nghiệm “kiểu mới” sẽ chia làm ba giai đoạn, từ ngày 15 đến 22-8, thực hiện giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Từ ngày 23 đến 31-8, thực hiện tách nguồn lây nhiễm mạnh.
Từ ngày 1 đến 15-9, duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Ví dụ, các tổ dân phố, tổ nhân dân khi có từ ba hộ gia đình có ca F0 trở lên được xếp vào nhóm “vùng đỏ”; còn khi không có ca F0 mới trong vòng từ bảy ngày đến trên 14 ngày thì xếp vào nhóm “cận xanh” hoặc “vùng xanh”.
Các “vùng xanh”, “cận xanh” được giải phóng khi không có trường hợp dương tính sau hai lần xét nghiệm cách nhau bảy ngày hoặc có trường hợp dương tính nhưng chỉ số CT >30 (chỉ số nồng độ virus), có tỉ lệ tiêm chủng đạt 50%, có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Tại các vùng nguy cơ cao và rất cao, việc xét nghiệm nhằm thu hẹp phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa, thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh theo hộ gia đình.
Khi có “bản đồ phòng dịch” phân theo vùng nguy cơ, việc xét nghiệm tiếp tục triển khai theo hai hướng: Để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì xét nghiệm tiếp bằng PCR hoặc TP sẽ chủ động test nhanh gộp mẫu hoặc bằng PCR theo các vùng nguy cơ tại từng hộ gia đình, hoặc mời lần lượt các hộ gia đình lấy mẫu.
Ở nơi ngoài khu vực phong tỏa, người có triệu chứng nghi ngờ được xét nghiệm PCR mẫu đơn. Tùy vào điều kiện thực tiễn, mỗi địa phương giám sát ngẫu nhiên địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo phương pháp mẫu gộp hộ gia đình bằng test nhanh hoặc PCR.
Bên cạnh đó, xét nghiệm PCR mẫu đơn hoặc test nhanh người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0 hoặc có tiếp xúc với F0)...
Dự kiến để bổ sung nguồn lực cho TP, ngày 20-8, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ TP, mỗi xe 2.000-3.000 mẫu đơn. Nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP.
Đẩy mạnh tầng 1, nâng cấp tầng 2
Phân tích số ca mắc trong tuần từ ngày 13 đến 17-8, Sở Y tế đánh giá số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt, có hiện tượng tăng nhẹ vào hai ngày 14 và 15-8 (dao động 4.200-4.500 ca), sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16 và 17-8 (dao động 3.300-3.500 ca). Số F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào hai ngày 15 và 16-8 (dao động 2.900-3.000 ca).
Bên cạnh thay đổi chiến lược xét nghiệm, TP đang đưa ra nhiều giải pháp can thiệp đồng bộ chăm sóc F0 triển khai trong giai đoạn từ ngày 15-8 đến 15-9.
Theo đó, cùng với việc bóc tách tất cả trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng dân cư, ngành y tế TP thiết lập ba tầng thu dung điều trị. Trong đó, tầng 1 lần đầu tiên triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với gói thuốc điều trị tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe, đồng thời giảm áp lực cho các BV điều trị thuộc tầng 2.
Bên cạnh đó, các BV thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn ôxy và các trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giúp giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho các BV thuộc tầng 3. Ngoài ra, các trung tâm hồi sức quốc gia đã đi vào hoạt động, góp phần cứu chữa các trường hợp nguy kịch.
Để thực tiễn hóa tầng 1, Sở Y tế TP vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0, trong đó đưa vào danh mục thuốc kháng virus dạng uống cho người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dùng (Molnupiravir) và thuốc kháng virus dạng truyền tĩnh mạch cho người bệnh có triệu chứng mức trung bình và nặng ở tầng 2 (Remdesivir).
Các F0 tại nhà được các y bác sĩ khám bệnh từ xa, hướng dẫn toa thuốc điều trị, hỗ trợ cấp cứu kịp thời để ngăn ngừa việc chuyển nặng và tử vong…
Ngoài ra, TP cũng đã có văn bản khuyến khích các nhà thuốc cung ứng khẩu trang y tế, các thiết bị y tế sử dụng tại nhà và các loại thuốc sử dụng tại nhà với giá hỗ trợ cho F0 điều trị tại nhà. Đặc biệt, TP cũng sẽ vận hành các “trạm SpO2 và thở ôxy” tại các tổ dân phố, khu phố để hỗ trợ cho F0 thở ôxy trong khi chờ các tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
Theo ĐỖ THIỆN - HOÀNG LAN/ PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)