TP HCM: Người nhập cảnh nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến bệnh viện nào?

Google News

Trường hợp có triệu chứng và yếu tố dịch tễ đối với bệnh đậu mùa khỉ, kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.

Đến nay, TP HCM vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).

TP HCM: Nguoi nhap canh nghi mac benh dau mua khi can den benh vien nao?
TP HCM tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa 

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh.

Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu điều tra dịch tễ.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám): tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn TP HCM) khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc.

Nếu là trường hợp có thể, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Viện Pasteur TP HCM để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được giao phối hợp Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết có 2 loại vắcxin được Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng.

Đây đều là vắcxin có thành phần virus sống, sử dụng hai liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần, cho những người trên 18 tuổi, tuy nhiên vẫn đang thảo luận về cách sử dụng vắcxin trước hay sau khi phơi nhiễm. Trong khuyến cáo, sử dụng cho nhóm nguy cơ rất cao, người phơi nhiễm, không sử dụng đại trà.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, bày tỏ mong muốn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh đậu mùa.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Hiện thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vắcxin đặc biệt cho bệnh. Việt Nam cũng không còn dữ trự vắcxin đậu mùa.

Thế giới ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc tại 74 quốc gia, tử vong 5 trường hợp. Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận ca mắc. Trong đó, hai ca ở Hàn Quốc đều là người từ vùng dịch trở về.

>>> Mời độc giả xem thêm video TP.HCM lên kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ:

(Nguồn: THĐT)

An Quý

>> xem thêm

Bình luận(0)