Thuốc được thử nghiệm là remdesivir của hãng Gilead, loại thuốc kháng virus có thể chữa nhiều loại bệnh, bao gồm Covid-19 do chủng virus corona mới gây ra, theo Fortune.
Thuốc điều trị này đang có triển vọng nhất định khi trợ lý tổng giám đốc WHO Bruce Aylward nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24/2 rằng “chỉ có một loại thuốc hiện giờ mà chúng tôi nghĩ có thể có tác dụng và đó là remdesivir”.
Loại thuốc này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc và một số nước, cả đối với những dịch bệnh trước do các chủng virus corona khác gây ra như MERS hay SARS. Nhưng đây là lần đầu tiên remdesivir được thử nghiệm theo “tiêu chuẩn vàng” của Mỹ.
|
Các nhà nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm thuốc remdesivir của hãng Gilead. Ảnh: Wall Street Journal. |
“Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi là tiêu chuẩn vàng để xác định xem một loại thuốc thử nghiệm có tác dụng với bệnh nhân hay không”, theo thông cáo của viện chuyên về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
“Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi” có nghĩa cả bệnh nhân nhận thuốc thử nghiệm và bác sĩ cho thuốc đều không biết là đang dùng thuốc thử nghiệm hay chỉ là placebo (thuốc giả, không có tác dụng gì tới bệnh, nhưng cũng không làm hại bệnh nhân). Nhờ vậy có thể khẳng định chắc chắn tác dụng chữa bệnh nếu có là do thuốc đang thử nghiệm, chứ không do yếu tố khác.
Trung Quốc cũng đang thử nghiệm theo phương pháp mù đôi.
Bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm là một người từng bị cách ly trên tàu Diamond Princess ở Nhật. Viện Y tế Quốc gia Mỹ sẽ là cơ quan nhà nước bảo trợ cho đợt thử nghiệm.
Remdesivir không phải là vắc-xin, và để điều trị những người đã nhiễm virus corona chủng mới.
Cổ phiếu công ty Gilead tăng 7% ngày 24/2 sau phát biểu lạc quan của WHO về remdesivir, rồi lại giảm 4% ngày 25/2.
Giới chức y tế Mỹ hôm 25/2 khuyến cáo công dân nên bắt đầu chuẩn bị ứng phó với sự lây lan virus corona tại nước này trong lúc dịch bệnh bùng phát nhanh chóng ở Iran, Hàn Quốc và Italy.
Tính đến sáng 26/2, số người chết tại Iran đã tăng lên đến 16 - cao nhất ngoài Trung Quốc - với 95 ca nhiễm. Italy cũng ghi nhận ca tử vong thứ 11 trong 322 ca nhiễm - ổ dịch lớn nhất châu Âu. Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với gần 1.146 ca nhiễm và 12 ca tử vong.
Cũng trong hôm 25/2, giới chức y tế Mỹ cho biết số ca nhiễm virus, gây ra bệnh được đặt tên chính thức là Covid-19, đã lên đến 57 ca ở Mỹ, với 40 người trở về từ tàu du lịch ở Nhật Bản.