Mùa mưa cũng là mùa muỗi sinh sản và phát triển nhiều. Để phòng dịch bệnh, nhiều gia đình tìm mua thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc diệt muỗi nếu không đúng cách, có thể gây nguy hại cho cả con người. Chọn thuốc thế nào, sử dụng thuốc ra sao để giảm độc, tránh độc là thắc mắc của nhiều độc giả gửi đến tòa soạn.
Không mùi vẫn độc
Theo ThS Nguyễn Văn Thịnh, Công ty Diệt côn trùng Thịnh An (Hà Nội), hầu hết sản phẩm thuốc diệt côn trùng trên thị trường hiện nay đều được nhập khẩu, sản phẩm của các hãng uy tín thường có thành phần hóa học có gốc Pyrethrine, với ưu điểm là nồng độ tương đối thấp, đã được kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người và động vật ở ngưỡng an toàn. Khi phun các loại thuốc này, hóa chất sẽ bám lên bề mặt tường hay đồ vật, khi muỗi đậu vào sẽ bị hoá chất làm tê liệt hệ thần kinh và chết.
Ngoài ra, cũng có những sản phẩm thuốc, hóa chất diệt muỗi và côn trùng là thành phần hữu cơ độc, có thể ở dạng chất lỏng, hoặc dạng rắn, tác động tới côn trùng qua các đường tiếp xúc da, tiêu hóa hoặc hô hấp; qua nhiều cơ chế có thể làm rối loạn tế bào máu, tê liệt hệ thần kinh, hoặc phá hủy các cơ quan nội tạng của côn trùng... Ngoài các loại thuốc có thương hiệu, thị trường thuốc diệt muỗi còn tràn ngập các loại thuốc không rõ nguồn gốc cả dạng xịt, xông hơi, ủ... không ghi rõ thành phần hóa chất và hướng dẫn sử dụng cụ thể.
Một đặc điểm nữa của thuốc diệt muỗi là có pha thêm hương liệu để át mùi khó chịu, hoặc có những loại thuốc diệt muỗi không mùi. BS Hoàng Trung Bồng, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho hay, chính điều này lại khiến mọi người chủ quan và quên đi những yêu cầu an toàn tối thiểu như dùng găng tay, khẩu trang khi phun, xịt thuốc; hoặc không chú ý che đậy kín các dụng cụ đun nấu, đồ ăn thức uống; hoặc thậm chí nhiều người còn chủ quan phun thuốc mà không di chuyển mọi người ra ngoài, đặc biệt là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng như người già, trẻ nhỏ.
Ngoài ra, các bình xịt dạng phun sương cũng dễ gây độc hại cho con người, bởi hóa chất dưới dạng phần tử bụi hơi sương nhỏ li ti có thể đi vào đường hô hấp và được hấp thụ một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, việc hóa chất vẫn còn tác dụng diệt muỗi một thời gian dài sau khi phun chứng tỏ thuốc vẫn tồn lưu trong môi trường và con người hằng ngày vẫn phải hít những hóa chất này.
Nắm rõ kỹ thuật
ThS Nguyễn Văn Thịnh cũng cho biết, khi quyết định sử dụng thuốc diệt muỗi, yêu cầu đầu tiên là lựa chọn thuốc. Chỉ lựa chọn những loại thuốc đảm bảo chất lượng, ví dụ như thuốc phải có tiếng Việt đi kèm, có ghi rõ các thành phần của thuốc, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm... Ngoài ra, cần tuân thủ đúng quy trình trình phun, xịt... Đối với loại thuốc dạng xịt, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, vì mỗi loại bình xịt lại có hướng dẫn cụ thể riêng. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, bình xịt cầm tay phần lớn không có hiệu quả đối với muỗi.
Đối đối thuốc dạng xông hơi, hoặc phun ủ thuốc, trước khi xử lý cần sơ tán người, vật nuôi, bọc kín bát đũa, đồ dùng ăn uống để tránh việc phơi nhiễm thuốc. Sau thời gian ủ thuốc (đủ đề diệt côn trùng) cần làm thoáng khu vực xử lý để giảm lượng thuốc tồn dư có thể ảnh hưởng đến con người.
Khi phun, xịt thuốc cũng cần hết sức lưu ý cách bảo vệ như đeo găng tay, bịt khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng các loại hóa chất này. Trong cuộc sống hằng ngày nên chú ý dọn vệ sinh sạch sẽ, giữ cho nhà cửa khô thoáng, không khí trong lành sẽ hạn chế được muỗi.
Vào mùa mưa, cần thường xuyên nạo vét cống rãnh, lau dọn các ngóc ngách, những chỗ ẩm thấp trong nhà, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Không chất đống quần áo bẩn, chăn gối, ga trải giường... Ở nông thôn, các vại, chum nước cần phải có nắp đậy, bờ bụi phải được phát quang.
ThS Nguyễn Văn Thịnh