Thuốc chữa ung thư từ than tre Vinaca: Thực hư tác dụng của than tre

Google News

Nói về tác dụng của than tre, các chuyên gia cho rằng, bột than đốt từ thân, rễ tre và nứa không có tác dụng trị ung thư như lời quảng cáo. Người bệnh sẽ bỏ qua cơ hội vàng được chữa trị nếu tin dùng.

Gần đây, Công an quận Kiến An (Hải Phòng) phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Đào Thị Chúc (ngụ tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) và phát hiện công nhân tại đây đang đổ bột than tre tán mịn vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, rồi đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư.
Về thực hư tác dụng của than tre, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội, cho hay than tre, nứa có màu đen. Quá trình chuyển từ thân gỗ thành than là quá trình tách nguyên tố carbon ra khỏi các thành phần khác chủ yếu là oxy. “Tuy nhiên, bột than tre không có khả năng chữa ung thư như lời quảng cáo”, PGS.TS Hồng Côn nói.
Các viên thực phẩm chức năng sản xuất từ bột tre nứa. Ảnh: Tùng Chi. 
Theo ông tre khi đốt lên chỉ là than củi thông thường không thể có chứa CO3. Tùy theo mục đích người chế biến cho thêm một số chất để biến nó thành than hoạt tính. Chất CO3 được hình thành trong điều kiện rễ tre, thân tre có canxi khi đốt có thể tạo thành muối cacbonat. Tuy nhiên, chất CO3 cũng không có tác dụng điều trị ung thư.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội - cũng cho biết than hoạt tính có rất nhiều công dụng cho đời sống, nhưng nếu chỉ là than củi thông thường hầu như không có công dụng gì.
Than hoạt tính được ứng dụng rất nhiều trong đời sống và y học. Nó có tác dụng tốt với những người bị ngộ độc. Trong cuộc sống hàng ngày, than hoạt tính được dùng để lọc nước hoặc là thành phần trong mặt nạ phòng độc dùng khi có hoả hoạn.
Theo PGS Thịnh, dù than hoạt tính có nhiều công dụng nhưng chỉ sử dụng trong trường hợp cấp tính để phòng ngộ độc chứ không thể uống thường xuyên được. Ông cũng khẳng định chưa có thông tin khoa học nào về việc than tre có thể chữa bệnh ung thư.
Đặc biệt, than củi và than hoạt tính nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt vì hình thức bên ngoài khá giống nhau, trong khi chúng có cấu trúc hoàn toàn khác nhau và chỉ có thể thông qua kính hiển vi mới có thể phân biệt.
Trong khi than hoạt tính có cấu trúc dạng tổ ong, thường có các lỗ hổng và mao mạch lớn nên có đặc tính hấp thụ, thấm hút… có ích trong việc lọc các chất độc, lọc khí và loại bỏ mùi; thì than củi dùng làm nguyên liệu đốt, cung cấp nhiệt nấu nướng, sưởi ấm, nung chảy…
Than củi là thành phẩm từ quá trình đốt bất kỳ một loại cây thực vật nào, còn than hoạt tính được sản xuất trong môi trường yếm khí, nung và hoạt hóa trong nhiệt độ cao để tạo ra những đặc tính riêng khác biệt cho than.
Bác sĩ Phạm Đình Tuần, khoa Ung thư, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cũng khẳng định: “Đến nay chưa có một công bố của nhóm nghiên cứu nào khẳng định than hoạt tính có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn ngừa ung thư. Do đó, tôi không tin vào những quảng cáo về sản phẩm có chứa than hoạt tính có tác dụng ngừa căn bệnh ung thư”.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên thận trọng trước những quảng cáo vì có thể bỏ lỡ mất giai đoạn vàng chữa trị nếu tin dùng vào những loại thuốc không có tác dụng như vậy.
Cũng theo bác sĩ Tuần, ngoài thị trường có không ít sản phẩm than hoạt tính như Carbophos của Pháp, Carbomint của Việt Nam với giá rất rẻ chứ không có giá ảo khi “thổi” nó thành thuốc chữa trị ung thư như Vinaca ung thư CO3.2. Bệnh viện Bạch Mai cũng sản xuất thuốc giải độc, dạng nhũ dịch actidoser được làm từ than hoạt tính.
“Kết luận về loại thuốc này sẽ được cơ quan chức năng điều tra, giám định. Tuy nhiên nếu nhìn vào cách mà họ làm ra sản phẩm thô sơ như vậy thì không ai có thể đảm bảo trong các bột than này có chứa những tạp chất nguy hại hay không, đặc biệt là lượng chì, nhôm, sắt vượt ngưỡng cho phép sẽ gây nguy hại khó lường đối với cơ thể”, bác sĩ Tuần khuyến cáo.
Ngày 9/4, Công an quận Kiến An, Hải Phòng thông tin về việc triệt phá xưởng sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm làm từ bột than tre nứa. Chủ xưởng sản xuất là Đào Thị Chúc (24 tuổi, ở phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng).
Khoảng cuối năm 2017, từ đơn tố giác của người dân, Công an quận Kiến An bắt quả tang 10 công nhân tại cơ sở của Chúc đang tạo viên nang, dán nhãn sản phẩm, đóng gói sản phẩm.
Các sản phẩm được dán nhãn, đóng gói gồm: sản phẩm Vinaca Vi5 (loại 874nl), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số loại chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác.
Tại thời điểm kiểm tra, Chúc không xuất trình được các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu và hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại nguyên liệu tại cơ sở.
Qua điều tra, cảnh sát xác định, cơ sở của Chúc "mượn" giấy tờ pháp nhân của Công ty TNHH Hồng An Phong ( ở n Dương, Hải Phòng) do ông Tuấn làm giám đốc. Công ty này được thành lập nhưng trên thực tế không hoạt động sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm.
Tại cơ quan công an, ông Tuấn khai, được Nguyễn Xuân Thu (chồng của Chúc) nhờ đốt các loại tre, nứa, nghiền thành bột mịn. Cứ 1 tấn tre nứa, ông Tuấn đốt và nghiền thu được 30 kg tro mịn.
Trung bình mỗi tháng ông Tuấn cung cấp cho Thu và Chúc 300 kg tro. Trong khoảng thời gian 2 năm (2016-2017), ông Tuấn đã nhận của Thu trên 200 triệu đồng tiền công sản xuất tro từ tre nứa.
Theo ZVN

>> xem thêm

Bình luận(0)