Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho nhiều trường hợp bị kháng thuốc kháng sinh nặng. Điển hình là nam bệnh nhân 71 tuổi, ở Ninh Bình, có tiền sử đái tháo đường, gút. Trước khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị sốt, ho, khó thở và đã được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị viêm phổi. Tuy nhiên, sau 10 ngày, tình trạng của bệnh nhân vẫn không cải thiện, biểu hiện nhiễm trùng ngày càng nặng, kém đáp ứng kháng sinh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Các bác sĩ phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân. Thậm chí, các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật cao hơn như PCR đa mồi để tìm các mầm bệnh từ phổi. Sau đó đánh giá xem kháng sinh nào có thể giá trị cho bệnh nhân này.
Cũng theo bác sĩ Quân, hiện nay tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị của người dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút như bệnh nhân trên thì khi đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều, khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh. Đối với kháng sinh khi sử dụng càng rộng rãi thì vi khuẩn càng nhờn thuốc, nên có xu hướng tăng kháng sinh lên, chi phí cũng tăng theo.
|
Ảnh minh họa. |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Như vậy, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc xảy ra nhiều bệnh viện chứ không chỉ ở trung tâm lớn.
Mời độc giả xem video "Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới". Nguồn: VTV1.
Kháng thuốc kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng kháng lại tác dụng của thuốc, khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh trở nặng và tử vong.
Thuốc kháng sinh là các công cụ quan trọng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật. Chúng bao gồm các loại thuốc kháng sinh, kháng virus, kháng nấm và kháng động vật nguyên sinh. Nhiều yếu tố, bao gồm việc lạm dụng thuốc ở người, gia súc và trong nông nghiệp, cũng như việc thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không đảm bảo đã làm tăng nguy cơ kháng thuốc trên toàn thế giới.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus- Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Tình trạng này có nguy cơ làm thụt lùi tiến bộ y học, khiến thế giới trở lại thời kỳ y học cách đây một thế kỷ và khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị.
WHO cũng cho rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa an ninh lương thực, phát triển kinh tế và khả năng chống chọi với bệnh tật của thế giới. WHO ước tính, khoảng 700.000 người đang tử vong mỗi năm trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh.
Con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh mẽ để đảm bảo sử dụng phù hợp các loại thuốc kháng sinh hiện nay, cũng như tìm ra các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, tỷ lệ kháng kháng sinh ở nước ta chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.
Các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai con người có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cần phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, trong đó nguyên nhân quan trọng là thói quen sử dụng thuốc của người dân. Khi ho, sốt, hay có vấn đề bất ổn về sức khỏe thì người dân thường ra hàng thuốc đề nghị bán kháng sinh. Khi dùng kháng sinh không đúng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc, làm người bệnh mất chi phí, mất cơ hội chữa bệnh tốt.
Chuyên gia y tế khuyến cáo: Người dân chỉ nên uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. Vì khi chia sẻ, sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh mẽ lên và kháng lại các thuốc điều trị. Điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.