Có một số loại rau củ nếu ăn cả vỏ sẽ rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một số thực phẩm lại không nên ăn vỏ bởi chúng có thể trở thành "thuốc độc" gây hại cho cơ thể.
Những loại rau, củ nên ăn cả vỏ
|
Vỏ nho rất tốt cho sức khỏe - Ảnh: Minh họa |
- Vỏ nho
Khi ăn nho nhiều người hay bỏ vỏ nhưng bạn có biết là đang bỏ đi những dưỡng chất cực tốt cho sức khỏe.
Theo đó, nho có chứa chất resveratrol, không những có tác dụng chống lão hóa mà còn làm giảm nguy cơ đột biến tế bào trong cơ thể. Trong khi đó, chất này lại đến chủ yếu từ vỏ quả nho. Vì thế, vỏ nho là phần bổ dưỡng mà chúng ta không nên bỏ đi.
- Vỏ hạt lạc
Vỏ hạt lạc là lớp vỏ lụa bên ngoài hạt có màu hồng hoặc đỏ nhạt tùy thuộc vào loại lạc. Phần vỏ này không có mùi vị. Nhiều người thường bỏ chúng đi trước khi ăn lạc.
Tuy nhiên, bạn có biết, 1/3 lớp vỏ hạt lạc là cellulose, có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, giúp chúng ta tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn, từ đó làm giảm nguy cơ táo bón. Bên cạnh đó, phần vỏ này còn chứa protein, resveratrol, tannin và polyphenol. Vỏ hạt lạc còn chứa lượng resveratrol dồi dào có tác dụng chống lão hóa.
- Vỏ củ cải, cà rốt
Do vỏ củ cải có chứa nhiều bùn đất nên nhiều người thường gọt bỏ đi. Song đây lại là nơi chứa nhiều dinh dưỡng bao gồm các vitamin, kali... rất tốt cho cơ thể.
Tương tự, phần vỏ của cà rốt cũng chứa các nguyên tố vi lượng quý giá như sắt, kẽm, canxi.
- Táo
Vỏ táo có chứa nhóm chất phytochemical (phenolic) được chứng minh là có khả năng chống lại ít nhất ba loại tế bào ung thư ở người, bao gồm ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư gan. Gần 1/4 lượng phenolic mà người Mỹ hấp thụ là từ táo không gọt vỏ.
Không những thế, vỏ táo có hàm lượng vitamin B, C khá cao và là nơi tập trung nhiều hợp chất xêtôn có tác dụng giảm tới 50% nguy cơ bệnh tim mạch.
- Dưa chuột
Vỏ dưa chuột chứa một lượng chất xơ dồi dào và các chất chống oxy hóa mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa táo bón. Do đó, chúng ta nên ăn dưa chuột cả vỏ để tận dụng hết những lợi ích này.
Những thực phẩm nên bỏ vỏ
|
Khi ăn bạn nên bỏ vỏ khoai lang đi - Ảnh: Minh họa |
- Khoai lang
Vỏ khoai lang có nhiều chất kiềm, ăn khoai lang rất tốt cho những ai bị táo bón, tuy nhiên ăn cả vỏ khoai lại không tốt cho tiêu hóa. Những vết nâu, đốm đen trên vỏ khoai khi ăn vào có thể bị ngộ độc thực phẩm.
- Vỏ khoai mỡ
Tương tự như vỏ khoai lang, việc ăn vỏ khoai mỡ có thể dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu và tiêu chảy.
- Vỏ khoai tây
Trong vỏ khoai tây có chứa glycoalkaloids, chất này khi ăn vào rồi tích lũy trong cơ thể, đến một lượng nhất định sẽ gây độc. Khi bị ngộ độc, người bệnh sẽ có biểu hiện da xanh xao, nhợt nhạt, sức khỏe kém.
Đặc biệt, những củ khoai đã mọc mầm hoặc có vỏ xanh càng độc hại hơn, khi đó lượng chất độc được sản sinh trong khoai càng cao, do đó, tuyệt đối không nên ăn.
- Củ sắn
Củ sắn chứa nhiều acid Cyanhydric - loại chất gây ngộ độc - có nhiều ở vỏ. Chính vì thế, khi chế biến sắn cần bỏ vỏ, ngâm trong nước trước khi luộc.
- Vỏ quả hồng
Ăn vỏ quả hồng có thể khiến bạn bị đau dạ dày. Nguyên nhân là bởi khi quả hồng còn non, axit tannic tập trung chủ yếu ở phần thịt quả, khi quả chín, axit tannic sẽ tập trung chủ yếu ở phần vỏ. Chất độc này khi xâm nhập vào dạ dày, sẽ tạo ra một hóa chất kết hợp với protein trong thực phẩm, tạo ra những cục u lớn nhỏ, gọi là sạn trái hồng trong dạ dày, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
- Củ mã thầy
Vỏ mã thầy tập trung rất nhiều chất có hại cho cơ thể, có thể gây ra một số loại bệnh. Khi ăn củ mã thầy sống hay dùng để chế biến món ăn cũng phải bóc vỏ trước cho thật sạch.