Chỉ cần gõ tìm kiếm tên Facebook cụm từ “nước A”, hay “nước Anolyte”, kết quả sẽ là rất nhiều các tài khoản cá nhân, các page có tên liên quan đến nước A, hay nước Anolyte, nước sát khuẩn Anolyte,… Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với liên tục các ca bệnh mới được cập nhật thì những người bán hàng online cũng rất biết nắm thời cơ, quảng cáo loại nước A “thần thánh” này. Trên các tài khoản bán hàng online, loại nước này được quảng cáo công dụng “diệt chắc và sạch nhanh con virus Corona”, “dập dịch corona”, “diệt virus, vi khuẩn, và nấm gây bệnh”, “diệt virus Corona”,…
|
Hình ảnh quảng cáo nước A trên facebook |
Thực hư loại nước thần thánh là gì mà được quảng cáo với“phác đồ phòng Corona”“đi trước cả Bộ Y tế” như vậy? Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân Bác sĩ nhi khoa Phí Văn Công cho biết bác sĩ bị “shock” khi đọc các thông tin về loại nước A “thần thánh” này.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất cũng như khả năng diệt khuẩn, diệt virus,… mà loại nước này đang được quảng cáo rầm rộ, Kiến Thức xin trích đăng thông tin trong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của BS Phí Văn Công:
|
Nội dung quảng cáo "phác đồ" phòng corona bằng nước A |
Nước A là gì?
Nước A là tên các bạn bán hàng hay gọi tắt cho dung dịch Anolyte – là một dung dịch thu được khi điện phân nước muối loãng (dung dịch NaCl).
Trong quá trình điện phân, xảy ra các phản ứng sinh ra một lượng NaClO với gốc axit ClO- có tính oxy hóa mạnh, hiệu quả trong việc sát khuẩn. Do quá trình phản ứng này, dung dịch Anolyte có chứa các ion Na+, Cl-, ClO-, H+, O2-. Tính sát khuẩn của dung dịch Anolyte phụ thuộc vào ion ClO-. Do đó, nói rằng dung dịch Anolyte có tính sát khuẩn cao, điều đó hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, theo BS Công, kết quả này là khi dùng muối tinh khiết và nước tinh khiết để làm, còn nếu dùng muối tạp hoặc nước sạch thôi thì trong đó còn nhiều chất khác.
Ngoài ra, nếu sản xuất ra rồi đóng kín, để nguyên đấy lâu không dùng thì bản thân dung dịch này cũng có các phản ứng để chuyển thành các chất khác. Các chất khác này không còn tính sát khuẩn nữa. Thế nên để càng lâu thì tính sát khuẩn càng kém đi. Lâu lắm nữa thì thành nước muối bình thường. Tiếp xúc với không khí thì quá trình này nhanh hơn.
Như vậy, có thể khẳng định dung dịch Anolyte có tác dụng sát khuẩn tốt, nhưng là Anolyte mới được tạo thành; nếu để lâu rồi thì còn phải cân nhắc nhiều.
Nước A dùng để làm gì?
Tùy vào nồng độ của ion ClO- ở trong dung dịch đó mà nó có ứng dụng khác nhau. Nồng độ cao thì để tẩy sàn, xử lý nước nhiễm bẩn. Nồng độ thấp hơn chút thì sát khuẩn dụng cụ y tế, sát khuẩn các bề mặt, tẩy vải… Nồng độ thấp nữa thì dùng để sát khuẩn vết thương của động vật, sát khuẩn bề mặt da…
Trước thông tin gần đây rộ lên nước A (dung dịch Anolyte) này trị đủ thứ bệnh, BS vẫn khẳng định lại là dung dịch Anolye này đơn thuần là dung dịch sát khuẩn. Tùy nồng độ để sử dụng. Càng để lâu thì tính sát khuẩn càng giảm đi.
Việc những người bán hàng còn hướng dẫn dùng nước A để uống và khí dung cho trẻ con, BS thẳng thắn đặt nghi vấn: “Dung dịch Anolyte các bạn bán chả rõ nồng độ bao nhiêu, được đơn vị nào cấp phép, kiểm định. Cứ nhắm mắt bán và vô tư tin. Dung dịch sát khuẩn, có khả năng diệt vi khuẩn, virus thì thử hỏi con các bạn uống vào thì hệ vi sinh đường ruột của con các bạn sống sao? Khí dung rồi thì kích ứng thế nào?”.
WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu
Thực tế, các cơ sở y tế, các bác sĩ không dùng dung dịch Anolyte này cho bệnh nhân. Đơn giản vì cũng tác dụng sát khuẩn đó, có nhiều thứ được cho phép, được nghiên cứu và an toàn hơn nhiều, mà lại có nhãn mác rõ ràng. Cũng chả tổ chức y tế hay bác sĩ nào khuyên các bạn uống hay khí dung dung dịch Anolyte cả.
“Trả lại nó với đúng chức năng của nó” là lời khuyên của BS. “Cần tin vào khoa học, vào bằng chứng, vào nghiên cứu, chứ đừng tin vào nước bọt”…
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh Covid-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch Covid-19.