Thời niên thiếu "dữ dội" của ông Kim Jong-un ở Thuỵ Sĩ

Google News

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trải qua những năm tháng niên thiếu nhiều khó khăn ở Thụy Sĩ. Cuốn sách mới của nhà báo The Washington Post hé lộ về khoảng thời gian này.

Trong cuốn sách mới phát hành trong tuần này, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên được mô tả với đời sống kín kẽ, nghị lực, thường nổi giận và cự lại ở các buổi học ngoại ngữ.
Cuốn sách đó mang tên "The Great Successor: The Divinely Perfect Destiny of Brilliant Comrade Kim Jong Un" (tạm dịch: Người kế vị vĩ đại: Số phận hoàn hảo tuyệt vời của ông Kim Jong Un) được chắp bút bởi trưởng văn phòng Bắc Kinh của tờ The Washington Post - bà Anna Fifield.
Những năm tháng khó hoà đồng ở Thuỵ Sĩ
Cuốn sách mang đến cái nhìn mới mẻ về những năm tháng trưởng thành của nhà lãnh đạo bí ẩn trong thời gian du học ở Thụy Sĩ.
Thoi nien thieu
 Bà Anna Fifield với cuốn sách "The Great Successor: The Divinely Perfect Destiny of Brilliant Comrade Kim Jong Un". Cuốn sách do nhà xuất bản Mỹ Public Affairs phát hành ngày 11/6. Ảnh: PublicAffairs.
Một trích đoạn được Politico công bố cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu học ở Thụy Sĩ vào năm 1996, khi ông mới 12 tuổi. Thủ đô Bern, thành phố đông dân thứ 5 của Thụy Sĩ, là nơi đủ yên tĩnh và kín đáo dành cho ông và anh trai Kim Jong Chol.
Cả hai được chăm sóc bởi người dì Ko Yong Suk, vợ của ông Ri Gang. Họ có 3 người con.
Tại đây, hai anh em nhà ông Kim được đặt tên giả. Ông Kim Jong Un có tên Pak Un, trong vỏ bọc con của một nhà ngoại giao Triều Tiên.
Ở Bern, Pak Un không giống một sinh viên kiểu mẫu. Joao Micaelo, con trai của nhà ngoại giao Bồ Đào Nha, kể rằng người bạn Triều Tiên khá khổ sở với môn tiếng Đức.
Micaelo có thể nhớ chàng sinh viên Kim đã lúng túng như thế nào khi được gọi lên trả lời câu hỏi trong lớp. Nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên lúc đó đã không thể giao tiếp bình thường vì rào cản ngôn ngữ.
Tuy nhiên, chàng sinh viên họ Kim lại có thể giúp Micaelo làm bài tập toán, bà Fifield viết.
Trong một đoạn trích khác của cuốn sách, tác giả nói rằng ông Kim là một đứa trẻ cô đơn trước khi được gửi đến Thụy Sĩ. Hai anh em nhà Kim hầu như có rất ít bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, chúng cũng ít nhiều khuây khỏa nhờ sự thân thiết với người đầu bếp ưa thích của cha (cố lãnh đạo Kim Jong Il), ông Kenji Fujimoto.
Tiếng Đức là rào cản
Vì tiếng Đức hạn chế nên có xảy ra chút căng thẳng giữa Kim và những bạn cùng lớp ở Thụy Sĩ.
Bà Fifield đã tiết lộ điều này từ cuộc phỏng vấn chưa được công bố do một nhà báo Thụy Sĩ thực hiện.
Thoi nien thieu
 Ông Kim Jong Un (khoanh đỏ) tại trường học ở Bern, Thụy Sĩ. Ảnh: Yonhap.
Một nữ sinh kể rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên tương lai vô cùng tức giận khi không hiểu các bạn nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức. Trong khi đó, Micaelo mô tả ông Kim là một người "tham vọng nhưng không hung dữ".
Theo các bạn cùng lớp, tính cách lạnh lùng của sinh viên Kim bớt dần khi ông lớn lên và tiếng Đức của ông được cải thiện. Nữ sinh nói trên cũng công nhận rằng ông Kim dần dần đã trở nên hoà đồng hơn.
Địa vị khác thường
Theo tác giả cuốn sách, ông Kim dành nhiều tâm huyết cho môn bóng rổ. Ông đi du lịch khắp châu Âu để xem và gặp gỡ những cầu thủ bóng rổ nổi tiếng. Ở nhà, ông thường xuyên chơi trong khi mặc áo thi đấu của đội bóng rổ Chicago Bulls.
Bản tính hiếu thắng của ông được bộc lộ rõ nhất trên sân bóng rổ. Kim chơi xông xáo, thoải mái nói chuyện phiếm và ít khi cười. Nếu thua, ông sẽ chửi rủa, thậm chí đập đầu vào tường vì thất vọng.
Mặc dù hai anh em nhà Kim có vẻ như sống trong một gia đình bình thường ở Bern nhưng địa vị của họ chắc chắn không bình thường. Điều này đặc biệt rõ ràng khi mẹ của họ, bà Ko Yong Hui, mắc ung thư vú vào năm 1998. Bà bắt đầu điều trị chuyên khoa ở Pháp, nhưng các bác sĩ không đánh giá tích cực về cơ hội sống sót của bà.
Đối với Ko Yong Suk - em gái của bà Ko Yong Hui, căn bệnh của chị là mối đe dọa cho vị trí đặc quyền của bà và gia đình. Gia đình bà Ko Yong Suk đã rất cất công chăm sóc cho anh em ông Kim.
Thoi nien thieu
 Hình ảnh hiếm hoi về nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi còn trẻ xuất hiện trên tờ báo Munhwa Ilbo của Hàn Quốc năm 2009. Ảnh: AFP.
Nếu mẹ của ông Kim không qua khỏi, mối quan hệ giữa anh em Kim và gia đình bà cũng như địa vị của vợ chồng bà sẽ bị suy yếu. Vì vậy, vợ chồng bà Yong Suk quyết định không bỏ lỡ cơ hội tốt để bỏ trốn.
Một buổi tối chủ nhật tháng 5 năm đó, hai vợ chồng dọn đồ lên xe cùng 3 đứa con đi đến đại sứ quán Mỹ để xin tị nạn. Cuối cùng, họ chuyển đến Mỹ và mở một cửa hàng giặt là khô, theo tiết lộ từ cuốn sách.
Mẹ của nhà lãnh đạo Kim sống đến năm 2004 và qua đời ở Paris, Pháp.
Khi ông Kim trở về Bern cho năm học 1998 - 1999, ông được chuyển đến một trường khác để tránh mọi câu hỏi rằng tại sao cha mẹ ông đột ngột thay đổi.
Ông Kim ở lại Thụy Sĩ cho đến năm 2001, khi cha ông - cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, ra lệnh cho ông trở về Bình Nhưỡng.
Theo Hà Lan/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)