Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa rất quan trọng, cung cấp cho chúng ta nguồn năng lượng cần thiết giúp thể chất và tinh thần thoải mái trong suốt một ngày dài, đặc biệt là với giấc ngủ trong khoảng từ 13 đến 16 giờ.
Khoa học chứng minh mỗi người sẽ phù hợp với từng kiểu ngủ trưa khác nhau.
Ngủ trưa có kế hoạch trước
Đây là loại giấc ngủ mà bạn có ý định từ trước, tức là bạn ngủ trước khi cảm thấy thực sự mệt mỏi để tiết kiệm năng lượng. Nếu bạn phải thức xuyên đêm thì những giấc ngủ ngắn vào ban ngày sẽ rất hữu ích.
Ngủ trưa “khẩn cấp”
Khi bạn cảm thấy mí mắt đang trĩu xuống, điều đó có nghĩa cơ thể bạn đang đòi hỏi được nghỉ ngơi một cách cấp thiết. Cơ thể bạn đang cho thấy những dấu hiệu kiệt sức, và việc bạn cần làm là nhắm mắt lại nghỉ ngơi. Ví dụ, nếu giấc ngủ “khẩn cấp” này kéo đến khi bạn đang lái xe, hãy tấp xe vào một nơi an toàn để có thể chợp mắt một lúc.
Giấc ngủ theo thói quen
Kiểu ngủ ngắn này phổ biến nhất ở trẻ em vì nó diễn ra mỗi ngày, vào một thời điểm cụ thể. Bên cạnh trẻ nhỏ, người lớn đôi khi cũng như vậy. Tuy nhiên, khi việc ngủ trưa này được lên lịch theo thói quen, cơ thể bạn sẽ luôn đòi hỏi được ngủ vào thời điểm đó. Do vậy, bạn cần có sự chuẩn bị từ trước cho giấc ngủ.
Sự ảnh hưởng của giấc ngủ đến cơ thể bạn khác nhau tùy thuộc vào thời gian ngủ.
Ngủ 10 - 20 phút buổi trưa
Khi bạn cần tỉnh táo trong suốt một ngày dài, một giấc ngủ ngắn có thể cung cấp năng lượng giúp bạn xóa tan mệt mỏi và tăng sự tập trung trong một vài giờ đồng hồ. Theo nghiên cứu của tổ chức Giấc ngủ quốc gia (National Sleep Foundation), một giấc ngủ ngắn 20 phút có thể cải thiện hiệu suất và tâm trạng của bạn. Giấc ngủ này không bao giờ là vô ích và hãy cố gắng tận dụng dó.
Ngủ 30 phút
Trong khi giấc ngủ trưa 10 - 20 phút được chứng minh là tốt cho sức khỏe thì giấc ngủ 30 phút sẽ khiến cơ thể uể oải, thậm chí nôn nao. Sau 20 phút ngủ, bộ não và cơ thể của bạn đòi hỏi giấc ngủ sâu hơn. Thức dậy sau 30 phút khiến bạn thậm chí còn mệt hơn trước đó.
Nếu bạn cảm thấy mình cần một giấc ngủ khẩn cấp trong tình huống không có quá nhiều thời gian nghỉ ngơi, hãy thử một giấc ngủ thật ngắn nhưng hiệu quả.
Ngủ 60 phút
Thực tế chứng minh giấc ngủ khoảng 40 phút sẽ giúp tăng cường trí nhớ ngắn hạn. Một nghiên cứu chỉ ra 85% số người được yêu cầu ghi nhớ một bộ thẻ bài, sau đó ngủ 40 phút có thể nhớ được những chiếc thẻ bài đó chính xác, trong khi tỷ lệ của nhóm người không ngủ là 60%.
Ngoài ra, khi ngủ trưa 60 phút nghĩa là bạn đang thực hiện một giấc ngủ sâu. Khi thức dậy, trạng thái nôn nao, lảo đảo là điều không tránh khỏi. Mỗi người có một sức khỏe thể chất khác nhau, hãy tìm lượng thời gian ngủ thích hợp với cá nhân mình. Khi bạn muốn ghi nhớ những chi tiết trong ngày như tên, khuôn mặt hay địa điểm, hãy thử chợp mắt trong khoảng 40 đến 60 phút.
Ngủ 90 phút
Giấc ngủ 90 phút có giá trị ngang bằng với 8 tiếng ban đêm, theo nghiên cứu của NASA. Trong 90 phút, chu trình giấc ngủ đã được hoàn thành, cảm giác mệt mỏi khi ngủ 30 hoặc 60 phút bị loại bỏ hoàn toàn. Giấc ngủ này sẽ giúp cải thiện về trí nhớ và tăng cường sức sáng tạo.
Một giấc ngủ 90 phút sẽ cực kỳ hữu ích nếu bạn đang tập chơi một loại nhạc cụ, thử học một ngôn ngữ mới hoặc tập cách sử dụng máy móc chẳng hạn. Thực hành trước khi ngủ trưa và ghi nhớ những gì bạn đã học được khi thức dậy.
Đừng quên rằng, nhu cầu ngủ trưa phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ của bạn, khả năng chịu đựng về mặt thể chất và trạng thái tinh thần. Không phải ai cũng dễ ngủ, cho nên bạn không cần phải bắt ép mình ngủ khi mà chưa cảm thấy mệt mỏi.
Không gì có thể thay thế một giấc ngủ dài vào ban đêm. Đó cũng là lý do vì sao các chuyên gia khuyên không nên ngủ sau bốn giờ chiều. Họ cũng khuyên rằng bạn nên lựa chọn một vị trí khác để ngủ thay vì trên giường để có thể “đánh lừa” bộ não, và có được một giấc ngủ trọn vẹn như bình thường vào ban đêm.