Đây là kết quả của một chương trình thử nghiệm lâm sàng bởi Đại học Chicago (Mỹ) tiến hành trên 125 tình nguyện viên. Trong số này, 113 trường hợp mắc COVID-19 nặng với các triệu chứng như suy hô hấp và sốt cao. Bên cạnh việc áp dụng phác đồ tiêu chuẩn, tất cả bệnh nhân đều được truyền dịch chứa thuốc Remdesivir hằng ngày.
Sau 6 ngày điều trị, hầu hết bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện. Chỉ có 2 ca diễn biến bệnh xấu đi và tử vong. Đối với những người bình phục, các bác sĩ vẫn đưa ra lời khuyên tự cách ly ở nhà và chấp hành nghiêm biện pháp giãn cách xã hội.
|
Ảnh: The Jerusalem Post. |
Tiến sĩ Kathleen Mullane, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết theo lý thuyết, thuốc Remdesivir hoạt động bằng cách ức chế DNA polymerase - một loại enzyme thường cho phép virus nhân lên. Không có enzyme này, virus không thể sao chép và khó duy trì sự sống trong cơ thể vật chủ.
Bà Mullane nhận định, đây chỉ là kết quả nghiên cứu sơ bộ về độ hiệu quả của thuốc Remdesivir. Tuy nhiên, thử nghiệm trên đã tạo thêm động lực để các nhà khoa học tiếp tục mở rộng các nghiên cứu nhằm sớm đưa ra kết luận chính thức về công dụng của thuốc Remdesivir trong điều trị COVID-19.
Trước đó, vào đầu tháng 2-2020, một bệnh nhân COVID-19 giấu tên ở Mỹ đã được báo cáo là người đầu tiên khỏi bệnh sau khi dùng thuốc Remdesivir.
Thuốc Remdesivir là sản phẩm của hãng Gilead (Mỹ) vốn từng được dùng để thử nghiệm trong dịch Ebola. Ngoài ra, hãng Gilead còn tuyên bố các cuộc thử nghiệm thành công trên động vật cho thấy thuốc Remdesivir có thể điều trị Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS).
Bên cạnh đó, hãng Gilead cũng đang phối hợp với các cơ quan y tế ở Trung Quốc để tiến hành 2 thử nghiệm lâm sàng thuốc Remdesivir đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 và dự kiến công bố kết quả vào cuối tháng này.