Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 21/11, bé L. vào nhà vệ sinh để tắm. 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời.
|
Bé trai 8 tuổi nghi dùng áo đang mặc để treo cơ thể lơ lửng trên móc treo đồ trong nhà vệ sinh. Ảnh: Công an Đồng Nai. |
Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện L. trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc. Cổ áo nạn nhân vướng trên móc treo quần áo.
Gia đình liền đưa bé trai đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Người thân L. cho hay bé rất hiếu động, thường thích móc áo, quần trên người vào cành cây để treo lủng lẳng thân mình. Nguyên nhân tử vong nghi do học theo thử thách Momo.
Công an cho hay cái chết của L. giống một bé gái ở TP.HCM. Trước đó, hồi tháng 10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận trường hợp là bé gái D. (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đến cấp cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do bắt chước "trò chơi treo cổ" trên internet. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng bé gái 5 tuổi đã ra đi mãi mãi. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.
Từ đó, Công an Đồng Nai khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý đến con trẻ khi có biểu hiện hay chơi các trò lạ cần phải hỏi nguồn gốc từ đâu để kịp thời kiểm soát. Phụ huynh cũng cần chọn lọc chương trình cho con cái xem đồng thời phân bổ thời gian hợp lý để con trẻ không bị nghiện và phụ thuộc nhiều vào điện thoại, máy tính, tivi.
|
Hình ảnh đại diện đáng sợ của “trò chơi tự sát” Momo. Ảnh: Internet. |
"Thử thách Momo" (Momo Challenge) bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite. Trào lưu kinh dị này được cho là có nguồn gốc từ Anh, trong đó một phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi sẽ hướng dẫn cách tự làm hại bản thân.
Những hình ảnh đáng sợ của Momo khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi chúng được "ngụy trang" bên trong clip thiếu nhi và được cho là xuất hiện trên cả YouTube Kids - nền tảng YouTube tùy biến riêng cho trẻ em. Báo Independent của Anh còn cho biết, một số trường học tại nước này đã cảnh báo về trào lưu nguy hiểm, đồng thời khuyến cáo phụ huynh không nên để con em tự xem YouTube một mình.
Để bảo vệ trẻ trước những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Viện trưởng MSD cho hay, phụ huynh nên kiểm tra xem con mình có đang xem kênh Youtube nào. Nếu con xem Youtube, hãy đảm bảo con xem kênh Youtube Kids – bởi vẫn còn những lỗ hổng nhưng kênh này có nhiều biện pháp kiểm soát an toàn hơn so với kênh Youtube dành cho người lớn.
Phụ huynh có thể cài đặt các chương trình mà con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát để có thể biết con đang xem gì và tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ hơn.