Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi và chồng đã có ba mươi hai năm chung sống hạnh phúc. Anh là người chồng tốt, biết yêu thương, quan tâm và chăm sóc vợ con. Anh cũng là người đảm bảo kinh tế cho gia đình. Suốt thời tuổi trẻ, chúng tôi sống bình yên, vui vẻ. Vợ chồng tôi có ba con, tôi cũng không có nhiều thời gian ra ngoài, gặp gỡ, vui chơi với bạn bè.
Năm năm nay, cuộc sống của tôi trở nên nhàn rỗi hơn, vì các cháu đều đã có gia đình và sống riêng. Tôi bắt đầu thấy buồn chán, vì việc nhà chẳng có bao nhiêu, chồng tôi vẫn đi làm, sáng đi chiều về. Tôi cứ quanh ra quẩn vào, chẳng biết làm sao cho hết thì giờ.
|
Ảnh minh họa |
Nhờ có Facebook, bạn bè lớp cũ thời cấp II, III của chúng tôi được kết nối cùng nhau. Thế là có hội, có tụ. Sáng cuối tuần đi ăn sáng, chiều chiều thỉnh thoảng rủ nhau đi cà phê. Chúng tôi còn cùng nhau đi học vẽ, học nhảy, học tiếng Anh. Cuộc sống trở nên phong phú và vui vẻ hơn.
Thấy tôi vui, không hiểu sao chồng tôi lại rất bực bội, khó chịu. Lúc đầu, anh nói tôi mải vui chơi, còn anh thì phải làm việc, tôi chỉ nghĩ anh đùa. Thế nhưng, dần dần anh khó chịu ra mặt. Thậm chí anh còn cố tình đi làm về sớm hơn bình thường để chứng tỏ tôi chỉ lo đi chơi, không chăm sóc anh. Cuối cùng anh nói thẳng là không muốn tôi “đàn đúm” với bạn bè. Anh tỏ ý nghi ngờ, khó chịu, ghen tuông với bạn bè tôi, dù có khi tôi chỉ đi với toàn phụ nữ.
Cách đây một tuần, hội bạn rủ tôi đi Vũng Tàu chơi. Tôi rất hào hứng và muốn tham gia. Chỉ ba ngày thôi, tôi sẽ chuẩn bị đồ ăn trong tủ lạnh đầy đủ cho chồng, và nhắn con gái chiều chiều chạy về hâm thức ăn cho anh ăn. Thế nhưng, anh đột ngột tuyên bố: “Hoặc em ở nhà, hoặc nếu em đi chơi, chúng ta sẽ ly hôn. Anh không chấp nhận cuộc sống theo kiểu mạnh chồng chồng làm, mạnh vợ vợ làm”.
Tôi hoàn toàn không nói được gì. Tôi chỉ nghĩ là dù có vui chơi với bạn bè, tôi vẫn chu toàn nghĩa vụ với gia đình là được. Hơn nữa, tôi thấy đến tuổi này, vợ chồng thỉnh thoảng có chút khoảng cách sẽ thấy vui hơn. Giờ tôi nên làm gì? Đi hay không đi? Sống như anh muốn hay như tôi muốn?
Thanh Bình (TP.HCM)
Chị Thanh Bình thân mến,
Những điều bất ngờ này với chị, thật ra lại không bất ngờ đối với quy luật chung của đời sống gia đình. Nó là những cơn khủng hoảng theo chu kỳ, ở nhiều gia đình và người ta có thể vượt qua nó nếu hiểu điều đó, biết cách chấp nhận, thỏa thuận với nhau một cách khéo léo và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, quả thật, nó có thể gây nên những tai họa lớn (ly hôn chẳng hạn), nếu không ai chịu nhường ai.
Trước tiên, chị đã xác định được anh và gia đình quý giá hơn việc đi chơi, đàm đúm với bạn bè. Vậy thì cứ nương theo cái “xương sống” đó mà giải quyết mọi việc thôi. Chị xét xem mình có gì sai không, có vì quá vui với bạn bè mà bỏ bê chuyện chăm sóc nhà cửa không? Có quá thay đổi không (ăn diện hơn, chăm chút hơn, điệu đà hơn hay thậm chí là nói năng, trò chuyện có gì khác trước)? Nếu có, thì những thay đổi đó có làm người thân bị sốc không?
Sau nữa, chị cố gắng tìm hiểu lý do thật sự những khó chịu của anh. Anh ghen, hay anh không thích điều gì khác (thí dụ không thích phụ nữ túm tụm bà tám, cho những thú vui phụ nữ là phù phiếm, cảm giác cô đơn khi nghĩ chị có những niềm vui khác ngoài gia đình)? Chị phải hiểu được nguyên nhân thì mới có thể hóa giải được, và lựa chiều gia giảm niềm vui của mình tương quan với sự bực bội của anh.
Chị cũng có thể giúp anh làm quen với nhóm bạn của mình, chọn những người bạn mà anh có thể thấy họ mang đến sự hữu ích cho đời sống tinh thần của chị, và giúp anh hiểu về họ nhiều hơn.
Chị nhờ các con rủ rỉ với ba để ba thông cảm với cuộc sống buồn chán của mẹ khi thui thủi một mình. Vào những ngày anh nghỉ làm, chị rủ anh tham gia một vài hoạt động phù hợp với anh. Nói chung có rất nhiều cách và cách lớn nhất là chị phải kiên trì, nhẫn nại thuyết phục và giãn bớt thời gian hào hứng với bên ngoài.
Chuyến đi Vũng Tàu sắp tới, chị tạm thời nhường anh, nếu anh quá căng thẳng. Hoãn binh cho kế hoạch lâu dài vẫn tốt hơn chị à. Tuổi của chúng ta, căng thẳng quá trong gia đình, mệt lắm. Có khi chút nhượng bộ lại khiến người ta nghĩ lại.
Thân mến.