Đặc biệt, nó cực hiếm trên thị trường, để mua được là vô cùng khó khăn và tốn kém. Thế nhưng, những lời đồn đầy “ma lực” ấy lại khiến người dân nháo nhào. Vậy đâu là sự thật?
“Ma lực” gạo “thần dược”
Tin đồn cứ thế lan truyền từ người này qua người khác rồi được “thêm mắm, thêm muối”, biến loại gạo này thành loại “thần dược” diệu kỳ tại các chợ ở TP.HCM. Lần theo những manh mối ít ỏi, PV nắm được, tin đồn xuất hiện từ một số khu chợ ở quận Bình Thạnh (TP. HCM). Mặc dù phải đầu tắt, mặt tối với công việc buôn bán nhưng các tiểu thương tại đây lại cập nhật thông tin về gạo lạ rất nhanh chóng. Tại chợ Bình Triệu, sau một hồi lần dò hỏi, PV tiếp cận bà Hồ Thị Mộng – một tiểu thương tại chợ.
Bà Mộng rủ rỉ: “Tôi bị gai cột sống, gần đây, một số người bán buôn tại chợ mách rằng, loại gạo nếp hạt to, dài và rất thơm có khả năng chữa bệnh. Loại này khi cho vào nồi nấu chắt lấy phần nước rồi cho đường phèn vào uống, còn phần cơm ăn với muối mè, ăn lâu dài thì chữa được nhiều loại bệnh. Nghe thế, tôi cũng ham, nhưng khi hỏi chỗ mua thì họ kêu không biết, kêu tôi tự tìm hiểu”.
Tin đồn gạo nếp chữa bách bệnh xuất hiện chỉ vài ngày đã nhanh chóng lan truyền đến nhiều khu phố trên địa bàn TP.HCM. Chị Ngọc Phượng (chủ cửa hàng tạp hóa quận Gò Vấp) bày tỏ: “Tôi nghe một số bạn bè nói, loại gạo nếp này được nhập ở Mỹ về có khả năng chữa bệnh. Họ còn nói, loại gạo ấy, nếu ăn đúng cách, trong khoảng thời gian 2 năm thì có thể chữa được cả bệnh ung thư(?!). Mấy ngày nay, tôi cũng cố tìm hiểu xem nó được bán ở đâu nhưng mà chưa thấy, tôi cũng không hiểu họ đồn vậy để làm gì”.
|
Nhiều cơ sở gạo khẳng định gạo chữa bệnh chỉ là tin đồn nhảm. |
Ngay cả những người làm việc văn phòng, thường xuyên tiếp cận với công nghệ cũng bán tín, bán nghi việc có loại gạo nếp chữa bách bệnh. Chị Nguyễn Phương Vy (một nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Trước đây, tôi nghe thông tin Trung Quốc mang giống lúa lạ vào Việt Nam trồng nên tôi nghĩ có thể họ tung tin đồn để bán loại gạo ấy. Tôi cũng nghe ở Việt Nam gạo lứt có khả năng chữa bệnh nhưng tôi cũng ăn gạo lứt nhiều mà vẫn không khỏi chứng u nang buồng trứng của tôi. Tôi nghi, đó chỉ là tin đồn thất thiệt, nhưng nếu có người bán công khai tôi cũng vẫn sẽ thử xem sao. Bởi, những người bệnh tật như tôi, tìm mọi cách mà vẫn không khỏi thì chỉ biết trông chờ vào sự may mắn nào đó thôi. Mấy ngày nay tôi cũng nhờ người thân tìm hiểu thử mà vẫn chưa ra chỗ bán. Có người nói gạo ấy hiếm, có khi phải đến cả trăm USD một ký, nhưng lại không biết chỗ nào bán”.
Dệt chuyện để... trục lợi?
Tin đồn gạo nếp chữa bách bệnh không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn khiến các chủ vựa gạo thấp thỏm. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Tuyết Phượng, chủ cửa hàng gạo Minh Tuấn (đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh) phản ánh: “Tôi nghĩ, thông tin gạo nếp chữa được bách bệnh là lừa bịp. Có thể, những người tung tin đồn chỉ lấy chuyện làm vui chứ làm gì có chuyện chữa được bệnh. Ngày trước tôi có nghe gạo lứt chữa được bệnh là do nó còn nguyên phôi nhưng tôi cũng chẳng tin. Có chăng nó chỉ có khả năng bổ sung nhiều vitamin gọi là bổ hơn thôi. Ở đây chúng tôi bán gạo cũng chưa bao giờ dám tuyên bố chữa được bách bệnh cả, chỉ có là gạo sạch, gạo đúng nguồn gốc, không hóa chất thôi”.
Cũng chia sẻ với PV, theo chị Trần Phương Mai (chủ cửa hàng gạo trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Bình Thạnh) thì: “Tôi cũng nghe tin đồn của một số người nhưng tôi không tin, rõ ràng đây là chuyện bịa đặt. Việc tung tin này, nhiều khả năng các đối tượng muốn bán một loại gạo nào đó để trục lợi và muốn bán được nhanh hàng hơn. Gạo mà họ đồn thổi lại là gạo nếp, trong khi Tết đang cận kề, rõ ràng họ chỉ cần tung tin đồn tạo niềm tin rồi chỉ bán nhiều chỗ trong vòng nửa tháng cũng thu lợi hàng núi tiền”.
Trên thực tế, khoa học cũng chưa chứng minh được bất kể loại gạo nào có công dụng chữa bệnh, huống hồ là chữa bách bệnh. Trao đổi với PV, giáo sư, tiến sỹ Võ Tòng Xuân (chuyên gia về lúa gạo tại Việt Nam) cho rằng: “Nhiều loại gạo được quảng cáo là chữa ung thư, HIV..., điều này là không thể tin được. Người tiêu dùng nên cẩn trọng với thông tin như vậy”. Theo giáo sư, tiến sỹ Xuân, trên thực tế, gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất trong quá trình người bệnh đang chữa bệnh.
Nhiều ý kiến nghi ngờ, đây là chiêu đánh vào tâm lý của người dân để trục lợi. Trao đổi với PV, thạc sĩ Lê Minh Tuấn (chuyên gia tâm lý Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM) nhận định, đây chỉ là hành động mang tính trục lợi của các đối tượng tung tin đồn hoặc chỉ là câu chuyện nói cho vui miệng. Nếu là trục lợi, rõ ràng các đối tượng đã lợi dụng tâm lý đám đông theo kiểu tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa và họ có mục đích rõ ràng. Đối với tâm lý đám đông, ngay cả những người có hiểu biết cũng bị ảnh hưởng chứ đừng nói là người bệnh.
“Người bị bệnh luôn có tâm lý vái tứ phương. Chúng ta biết rằng, gạo chỉ có tính hỗ trợ chứ chắc chắn không chữa được bệnh. Vậy, chính những người chẳng được lợi lộc gì lại đang vô hình trung giúp kẻ khác trục lợi bằng cách truyền bá thông tin, mà thông tin một khi được truyền bá thì trở thành “tam sao thất bản””, thạc sĩ Tuấn cho biết thêm.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT TP.HCM) xác nhận: “Chúng tôi ghi nhận ý kiến phản ánh của báo về thực trạng trên và sẽ tìm hiểu. Đối với tin đồn như vậy không chỉ xuất hiện mới đây mà trước đây còn có tin đồn gạo lứt chữa được nhiều bệnh. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh gạo có thể chữa được bệnh mà gạo chỉ có thể hỗ trợ chữa bệnh mà thôi. Bởi vậy, những tin đồn như trên là sai sự thật, bịa đặt nhằm trục lợi, nên người dân và đặc biệt những người đang mang bệnh nên cẩn thận tránh tiền mất tật mang”.